Thứ Tư, ngày 28.05.2014
Việt Nam có nhiều báo chí và truyền
thông nhưng Việt Nam không có quyền tự do báo chí bởi giới truyền thông
Việt Nam là công cụ của đảng. Liên tục chương trình qua chuyên mục Con
Người Việt Nam, Nguyên Hồng sẽ tiếp tục nói về Quyền Công Dân trong đó
có tự do báo chí, hội họp và tôn giáo
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về quyền tự do báo chí, truyền thông.
Quyền tự do này chỉ có sau khi con người sáng lập ra chữ viết để
thông tin và truyền những điều thông tin từ đời này qua đời khác. Truyền
thanh và truyền hình là một hình thức của báo chí nhưng ở một phạm vi
rộng lớn hơn, với những máy móc tối tân hơn để làm công việc truyền
thông. Đây là một quyền tự do rất quan trọng mà các nước dân chủ gọi là
đệ tứ quyền. Nghĩa là trong cơ chế chính quyền có Hành Pháp, Lập Pháp và
Tư Pháp thì quyền tự do truyền thông có sức mạnh không thua gì ba cơ
quan trên. Chính vì thế người ta ví nó là đệ tứ quyền.
Khi mà xã hội ngày một phát triển, dân số càng ngày càng đông, và vị
trí mỗi người ở mỗi nơi xa nhau, phương cách tốt nhất để có thể thực
hiện quyền tự do ngôn luận ở một phương diện rộng lớn là qua báo chí,
truyền thanh, truyền hình. Đó là phương tiện để con người thực hiện
quyền tự do phát biểu ý kiến một cách sâu rộng và triệt để.
Tại Việt Nam tuy cũng có nhiều báo chí, truyền thanh, truyền hình,
nhưng Việt Nam không có quyền tự do truyền thông bởi các báo, truyền
thanh, truyền hình là công cụ (trực tiếp hay gián tiếp) của đảng -- để
tuyên truyền đường lối chủ trương của đảng. Khi mà tất cả phương tiện
truyền thông chỉ làm công cụ truyền truyền cho nhà cầm quyền thì quyền
tự do truyền thông đã không có. Khi mà các nhà truyền thông chỉ dám nói
những điều mà đảng cho nói và nếu nói những điều khác đảng muốn thì sẽ
phải bị mất việc hoặc bị đi tù -- thì quyền truyền thông hoàn toàn không
có trên đất nước Việt Nam. Khi mà các cơ quan truyền thông chỉ nói
những chuyện suy đồi đời sống, đạo đức trong xã hội nhưng không dám đưa
ra nguyên nhân chính dẫn đến sự suy đồi trên -- bởi đụng chạm với nhà
cầm quyền -- thì quyền truyền thông hoàn toàn không có tại Việt Nam.
Cơ quan truyền thông phải độc lập với bộ máy cầm quyền. Sự độc lập đó
dẫn đến người làm truyền thông sẽ săn tin khách quan, nhằm mục đích
nâng cao trình độ hiểu biết của người dân, đồng thời là một cơ quan để
kiểm soát sự tiếm dụng quyền hành của nhà cầm quyền.
Tự do truyền thông sẽ dẫn đến sự cạnh tranh của các nhà truyền thông.
Và trong sự cạnh tranh đó sẽ đem lại tin tức xác thực để tạo uy tín của
một cơ quan truyền thông. Và cũng trong sự cạnh tranh đó, các cơ quan
truyền thông tự kiểm soát lẫn nhau để không thể trở thành một công cụ
tuyên truyền của nhà cầm quyền.
Tại Việt Nam những người làm báo nếu đưa ra những thông tin mà thông
tin đó dính dáng đến các vị lãnh đạo trung ương thì sẽ bị ghép vào tội
"tiếc lộ bí mật quốc gia, hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn" để rồi sẽ bị
đi tù. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến là một thí dụ điển hình. Trong vụ hối
lộ của bộ giao thông vận tại, hay còn gọi là vụ án PMU 18, nhà báo
Nguyễn Việt Chiến đã thực hiện đúng trách nhiệm của một nhà làm báo là
thông tin chính xác, tìm những thông tin bí mật mà các quan chức cao cấp
muốn che giấu trong vụ tham nhũng lớn lao này. Tuy nhiên, nhà báo bị
bắt vào tháng 5 năm 2008 và bị xử án hai năm tù.
Tại các quốc gia Tây Phương, nhà báo đưa ra những bí mật mà chính
quyền vi phạm quyền riêng tư của người dân, gần đây nhất là vụ ông
Snowden đưa tài liệu bí mật cho báo chí. Giới báo chí không phải bị đi
tù khi tung những tài liệu bí mật trên báo. Tại Việt Nam thì ngược lại.
Thay vì tìm bắt kẻ đưa tin bí mật thì lại tìm bắt nhà báo, dù rằng chính
nhà báo lấy tin từ những người ăn cấp tin bí mật giao cho.
Bây giờ hãy nói về quyền tự do đi lại, hội họp, thành lập đảng phái, và quyền được tham dự vào bộ máy nhà nước
Để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, con người cần
phải có quyền tự do đi lại, hội họp, thành lập đảng phái hay hội đoàn có
cùng chung một hướng đi. Các cá nhân có cùng chung một chuyên ngành có
thể ngồi lại với nhau để trao đổi, học hỏi lẫn nhau mà không sợ bắt bớ
của nhà cầm quyền. Các cá nhân có quyền di chuyển bất cứ nơi nào trên
đất nước Việt Nam mà không cần phải trình báo cho cơ quan địa phương.
Các cá nhân có quyền thành lập một tổ chức, một đảng phái để tham chính
mà không cần có sự đồng ý của một tổ chức ngoại vi của nhà cầm quyền. Sự
tham chính của một đảng phái khác trong bộ máy cầm quyền sẽ tạo ra sự
cạnh tranh trong sự phục vụ lợi ích của người dân, đồng thời tạo cho
người dân có sự lựa chọn những người tài giỏi trong bộ máy cầm quyền.
Tại Việt Nam quyền này nếu có chỉ trên mặt giấy tờ và thực tế thì
hiến pháp Việt Nam đã quy định là chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng
duy nhất lãnh đạo quốc gia. Ai đó hội họp và nói về chính trị hoặc thành
lập đảng phái -- thì sẽ bị bắt hoặc sẽ bị đi tù -- nếu đảng CSVN thấy
rằng đảng phái này có hại đến cơ chế cầm quyền của họ.
Hãy nói về quyền tự do tôn giáo
Chính quyền là người được người dân bầu ra để giải quyết chuyện đời,
chuyện xã hội. Nhưng con người còn có một nhu cầu khác ngoài nhu cầu ăn
uống. Nhu cầu đó là tâm linh. Tôn giáo đóng vai trò phục vụ tâm linh cho
người dân. Chính trị và tôn giáo là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau
cho nên nhà cầm quyền không thể nào xen lẫn vào tôn giáo và ngược lại
tôn giáo không thể nào xen lẫn vào chính trị.
Cuộc sống tâm linh là cuộc sống của sự lựa chọn mỗi cá nhân trong xã
hội. Chính quyền không được phép xen vào cái quyết định riêng tư của mỗi
cá nhân trong xã hội. Chính quyền không thể nào đàn áp tôn giáo bằng
cách bắt giam các nhà hoạt động tôn giáo, hoặc ngăn cấm sự đi lại của
các nhà hoạt động tôn giáo trong việc truyền giáo.
Khi mà chính quyền xâm phạm lãnh vực tôn giáo, nghĩa là tạo ra những
nhà hoạt động tôn giáo quốc doanh như nhà cầm quyền Việt Nam hiện giờ --
thì quyền tự do tôn giáo đã không còn nữa, cho dù Việt Nam có hàng
trăm, hàng ngàn chùa, nhà thờ. Khi mà các nhà tôn giáo bị bắt bởi họ có
sự suy nghĩ khác với nhà cầm quyền thì quyền tự do tôn giáo đã không còn
có trên lãnh thổ Việt Nam.
Tôn giáo tách rời chính trị không có nghĩa là các nhà hoạt động tôn
giáo không có quyền phát biểu ý kiến khi mà nhà cầm quyền đi ngược lại
nguyện vọng của người dân. Sự đòi hỏi tự do dân chủ của các nhà hoạt
động tôn giáo chỉ là tiếng nói của một người công dân trong một đất nước
độc tài, mong mỏi có sự dân chủ để mọi người trong xã hội có thể làm
trọn vị trí của chính mình trong xã hội.
Ngoài những quyền đã nói trong mấy kỳ phát thanh vừa qua, chính quyền
cần phải tôn trọng những quyền căn bản mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp
Quốc gọi là nhân quyền.
Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment