Thứ Hai 26.05.2014
CSVN đã duy trì quyền cai trị đất
nước qua nhiều thập niên, không những bằng bằng độc tài và bạo lực. Mà
họ đã còn bán đi lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên cho một Trung Quốc với
mộng bá quyền vô tận. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận
của Nguyễn Hưng Quốc ... với tựa đề: "Lằn đỏ trong chính sách với Trung
Quốc."sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh
DLSN tối hôm nay.
Các biến cố gần đây cho thấy Việt Nam đang tiến đến gần nguy cơ đối đầu với Trung Quốc.
Nhưng tại sao là Trung Quốc?
Câu trả lời rất đơn giản. Đó là quốc gia duy nhất có nhiều tham vọng lấn chiếm Việt Nam. Ít nhất trên Biển Đông.
Tham vọng của Trung Quốc đã được nhiều người phân tích: Lâu dài, nếu
không trở thành siêu cường quốc số một thế giới, thay thế vị trí của Mỹ
hiện nay, thì ít nhất cũng trở thành một đối trọng của Mỹ, đóng vai một
trong hai thủ lãnh của thế giới. Trước mắt, trong khi chưa thực hiện
được tham vọng trên, họ nhắm đến việc trở thành một bá chủ trong khu vực
châu Á Thái Bình Dương. Trong cả hai tham vọng ấy, họ đều có một địch
thủ chính: Mỹ.
Để hiện thực hóa hai tham vọng trên, trong mấy thập niên vừa qua,
Trung Quốc tập trung thật nhiều ngân sách và kỹ thuật cho việc phát
triển quân sự; trong quân sự, họ đặc biệt chú ý đến hải quân: Với họ,
cuộc đối đầu với Mỹ có thể sẽ diễn ra trên nhiều lãnh vực, từ các trận
địa thật đến trận địa trên không gian ảo (cyber); trong trận địa thật,
ưu tiên hàng đầu sẽ nằm trên... biển. Trên biển, hai mặt trận chính sẽ
nằm ở biển Hoa Đông và biển Nam Hải (tức Biển Đông theo cách gọi của
Việt Nam). Ở Biển Hoa Đông, đối thủ chính của họ là Nhật và Nam Triều
Tiên. Ở Nam Hải, đối thủ chính của họ bao gồm Việt Nam, Philippines,
Malaysia, Brunei và Đài Loan. Việc chiếm lĩnh cả hai vùng biển này là
tham vọng lâu dài của Trung Quốc không những về phương diện quân sự và
chính trị mà còn về phương diện kinh tế.
Giữa Biển Hoa Đông và Nam Hải, Hoa Đông rõ ràng là khó gặm nhất. Có
hai lý do chính: Một, Nhật là một cường quốc, về nhiều phương diện, mạnh
hơn hẳn Trung Quốc; hai, do sự thỏa thuận giữa hai nước, Mỹ sẽ bảo vệ
Nhật trong trường hợp bị tấn công. Xin lưu ý là, giữa Nhật và
Philippines, cam kết của Mỹ với Nhật mạnh mẽ hơn hẳn đối với
Philippines. Nếu Philippines bị tấn công, Mỹ có thể đắn đo; nhưng nếu
Nhật bị tấn công, Mỹ không thể từ chối tham chiến.
Ở Nam Hải, tuy Trung Quốc sẽ phải đối đầu với nhiều quốc gia hơn,
nhưng, một là, tất cả đều nhỏ và yếu; hai là, giữa các nước ấy cũng có
nhiều tranh chấp với nhau; và ba là, trừ Philippines, không có nước nào
có quan hệ chặt chẽ và thật tin cậy với Mỹ để có thể kéo Mỹ vào cuộc
tranh chấp quân sự với Trung Quốc. Ở vùng biển này, nước có diện tích
tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc là Việt Nam. So với các nước khác
trong khu vực, Việt Nam có một ưu điểm: đó là quốc gia mạnh nhất về
phương diện quân sự nhưng lại có một khuyết điểm: đó cũng là quốc gia bị
lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất: Không những lệ thuộc về ý thức hệ
mà còn lệ thuộc về cả chính trị lẫn kinh tế, xã hội và quốc phòng.
Trung Quốc có thể hóa giải ưu điểm và khai thác khuyết điểm kể trên
của Việt Nam bằng chính sách tằm ăn dâu: Chiếm từ từ, dần dần. Lấn được
đằng chân mới lân đằng đầu.
Trước hết là khẳng định con đường lưỡi bò trên diễn đàn Liên Hiệp
Quốc. Kế tiếp, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong phạm vi con đường
lưỡi bò ấy; ai vi phạm thì bắt đòi tiền chuộc hoặc đâm chìm tàu của họ.
Sau, xây dựng và mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma thuộc cụm Sinh
Tồn nằm trong quần đảo Trường Sa, vốn đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm
1988. Gần đây nhất, đưa giàn khoan dầu khổng lồ HD-981 vào khu vực đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Một lúc nào đó, không sớm thì muộn, thế nào họ cũng sẽ công bố quyết
định thành lập vùng an toàn hàng không tương ứng với con đường lưỡi bò
ấy. Việc công bố ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không những tới Việt Nam mà
còn nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Điều đó khiến họ
phải cân nhắc. Nhưng dù cân nhắc đến đâu, chuyện ấy sớm muộn gì cũng
xảy ra. Lúc ấy, Trung Quốc sẽ làm chủ cả vùng biển lẫn vùng trời trên
Biển Đông. Đến lúc ấy, Trung Quốc cũng không cần đánh chiếm Việt Nam làm
gì nữa: Biển và trời đã thuộc về họ; linh hồn của chế độ cũng đã thuộc
về họ; nền kinh tế Việt Nam đã nằm trong tay họ. Bất chiến tự nhiên
thành.
Chắc chắn giới lãnh đạo Việt Nam thừa kinh nghiệm để thấy tất cả
những kế hoạch ấy. Vấn đề là: họ sẽ đối phó ra sao? Có thể dễ dàng hình
dung là họ có ba sách lược chính: Một, phát triển chiến cụ và vũ khí
trên biển; hai, tìm đồng minh các nơi trên thế giới; và, trực tiếp
thương lượng với Trung Quốc.
Hai sách lược đầu chắc chắn không có hiệu quả. Trong cuộc chạy đua vũ
trang, dù có mang mảnh áo cuối cùng ra bán, Việt Nam cũng không thể
theo kịp Trung Quốc. Về quan hệ quốc tế, cho đến nay, Việt Nam chỉ chạy
theo bề rộng chứ không theo chiều sâu: Họ liên kết với hết nước này sang
nước khác, nhưng thứ nhất, không có một nước nào đủ mạnh để chấp nhận
đương đầu với Trung Quốc; và thứ hai, cũng không có nước nào đưa ra
những cam kết thật sâu sắc và đáng tin cậy. Quốc gia duy nhất có thể
giúp Việt Nam trong thế trận với Trung Quốc là Mỹ thì Việt Nam vẫn còn
chơi trò du dây lấp lửng.
Còn biện pháp cuối cùng, trực tiếp thương lượng với Trung Quốc, chỉ
có thể dẫn đến một kết quả duy nhất cho Việt Nam: trắng tay. Về phương
diện chính trị quốc tế, đàm phán không phải là cãi nhau bằng lý. Mà là
bằng sức mạnh ở đằng sau bàn họp. Cái sức mạnh ấy, Việt Nam hoàn toàn
không có. Bởi vậy, biện pháp duy nhất là Việt Nam bắt buộc phải nhường
nhịn hết yêu sách này đến yêu sách khác.
Nhưng nhường nhịn đến mức nào?
Trên nguyên tắc, Việt Nam có thể nhường nhịn đến mức tối đa để Trung
Quốc có tất cả những gì họ muốn và Việt Nam mất tất cả những gì họ có.
Nhưng ở đây lại có vấn đề: Chắc chắn dân chúng Việt Nam không chấp nhận điều đó.
Bởi vậy, dù muốn hay không, chính quyền Việt Nam phải vạch ra một lằn đỏ như là giới hạn cuối cùng của sự nhường nhịn.
Lằn đỏ đó không phải là công bố về con đường lưỡi bò. Cũng không phải
việc các tàu hải giám của Trung Quốc uy hiếp tàu bè Việt Nam. Cũng
không phải là việc mở rộng và củng cố cơ sở quân sự ở đảo Gạc Ma. Với
tất cả, Việt Nam chỉ ra vài thông báo lấy lệ.
Nhưng còn giàn khoan HD-981? Họ không thể mặc kệ được. Thứ nhất, giàn
khoan ấy quá lớn để dân chúng có thể không quan tâm. Thứ hai, việc thừa
nhận sự tồn tại của giàn khoan ấy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác liên
quan đến chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Có thể nói, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đã đẩy Việt Nam đến
lằn đỏ cuối cùng họ phải bày tỏ thái độ. Chứ không phải chỉ phản đối
chiếu lệ cho có.
Chúng ta chờ xem.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment