Thứ Bảy 10.05.2014
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử
Việt Nam ghi lại nhiều chiến công hiển hách của các anh hùng đời Trần,
trong đó có một vị thân vương làm quan dưới 6 đời vua và cũng là một vị
tướng đã đại phá giặc Nguyên Mông tại cửa Vân Đồn. Trong tiết mục "Danh
nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài
"Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam
Thanh.
Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh, Hải Dương, là con của Thượng tướng Nhân
Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, thuộc dòng dõi Trần Thủ Độ. Vì có công trận nên
ông được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi, phong là Phiêu kị Đại
tướng quân và ban tước Nhân Huệ Vương.
Trần Khánh Dư cũng nổi tiếng về tài dụng binh và đã góp nhiều công
lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nước Đại Việt.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, ông là một
phó tướng trấn giữ Vân Đồn và đã lập công lớn trong việc đánh tan đạo
thủy quân Mông Cổ chở lương thực và vũ khí do Trương Văn Hổ chỉ huy vào
tháng 12 năm 1287.
Tháng 5 năm 1312, Trần Khánh Dư theo vua Trần Anh Tông đánh Chiêm
Thành. Trận này quân Đại Việt bắt sống chúa Chiêm Thành là Chế Chí.
Ngoài võ nghệ siêu quần, Trần Khánh Dư còn có tài về văn chương.
Chính ông là người viết lời tựa cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền của
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Năm 1323, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư xin về nghỉ hưu tại xã Dương
Hòa, Lý Nhân (Hà Nam). Chính sử viết rằng, khi ông đi đến Tam Điệp,
Trường Yên (Ninh Bình), thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, bèn
đưa người đến khai khẩn, lập thành làng mới đặt tên là trại An Trung.
Sau đó, dân các vùng kế cận tiếp tục lập thêm các trại Động Khê và Tịch
Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định
ngày nay.
Ông ở lại nơi này suốt 10 năm, sau đó trở về ấp Dưỡng Hòa và giao lại
các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn chăm sóc. Trong
buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền riêng giúp vốn cho dân và
hướng dẫn dân trại Tịnh Nhi trồng cây cói và hành nghề dệt cói.
Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư mất năm 1340. Để ghi nhớ công đức của
ông, dân chúng trong vùng lập đền thờ ông ở trại An Trung, trên nền nhà
xưa nơi ông trú ngụ. Trong đền có bức đại tự ghi: "Ẩm hà tư nguyên"
(Uống nước nhớ nguồn) và 2 câu đối:
"Nhân Huệ Vương tân sáng giang biên, thố địa ốc nhiều kim thượng tại.
Bùi, Nguyễn tộc cựu mô kế chí, gia cư trù mật cổ do lưu".
Tạm dịch:
"Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó.
Họ Bùi, Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây".
Thắng lợi to lớn của Trần Khánh Dư trong trận tấn công đoàn thủy quân
vận chuyển lương thực và vũ khí của quân xâm lăng ở Vân Đồn được ghi
lại trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc Việt, góp phần đánh bại
toàn bộ đại quân xâm lược Mông Cổ.
Ngày nay ở bến Đình thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng
Ninh, dân trong vùng vẫn tổ chức lễ hội Quan Lạn, là hội của người dân
đảo Quan Lạn, một hòn đảo nằm ở khu trung tâm thương cảng Vân Đồn nhằm
kỷ niệm chiến thắng Vân Đồn năm 1287 của Trần Khánh Dư.
Lễ hội diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 6 âm lịch, được tổ chức
tại bến Đình, nơi có đình Quan Lạn, một ngôi đình cổ còn giữ được gần
như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú xếp
tên Trần Khánh Dư chỉ sau Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ
Lão. Có nghĩa là tài năng và công trạng của ông được xếp trên cả Thượng
tướng Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng và các người con của Hưng Đạo
Vương, tiêu biểu là hai tướng Trần Quốc Nghiễn và Trần Quốc Tảng.
Trần Khánh Dư làm quan trải 6 đời vua nhà Trần: Thái Tông, Thánh
Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông. Ông tham gia cả 3
cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, mà trận đánh đưa tên tuổi Trần
Khánh Dư đi vào lịch sử là trận đánh chìm 70 vạn thạch lương của Trương
Văn Hổ tại cửa biển Vân Đồn năm 1287.
* * *
Nhìn về triều Trần, bất cứ con dân Việt nào cũng cảm thấy vận mệnh
đất nước đã quá may mắn khi sản sinh ra hàng loạt con người có văn thao
vũ lược trong thời điểm đế quốc Mông Cổ đang tung hoành từ Á sang Âu,
với nhiều quốc gia bị tiêu diệt, mà tiêu biểu là nước Đại Lý, một quốc
gia có mối giao hảo tốt đẹp với Đại Việt.
Nhân Huệ Vương là một trong những người con Đại Việt văn võ toàn tài
đã đóng góp công sức và máu xương của mình để chận đứng vó ngựa Mông Cổ
tiến xuống phía Nam.
Chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là đảng CSVN, luôn phê phán nặng nề các
triều đại phong kiến, nhưng dù muốn bóp méo lịch sử đến đâu chăng nữa,
họ cũng không thể bôi nhọ được những văn thần võ tướng của triều Trần đã
đổ máu để giữ vững giang sơn Đại Việt và mở rộng cõi bờ về phương Nam.
Họ sẵn sàng quỳ xuống xin nhà vua chém đầu mình, chứ nhất quyết không
chịu đầu hàng quân giặc, hay chấp nhận dâng một tấc đất nào cho đế quốc
Hán – Hồ để cầu hòa.
Thế nhưng, điều ô nhục của dân tộc Việt hôm nay là đang có một tập
đoàn lãnh đạo hèn nhát đến độ Trung Cộng đưa giàn khoan vào sâu trong
lãnh hải của mình, nhưng chỉ dám phản đối lấy lệ, trong khi Trung Cộng
hung hăng tuyên bố "sẽ dạy cho VN một bài học" nếu dám ngăn cản việc
khoan dò dầu khí của Trung Cộng trong vùng biển Đông.
Nỗi ô nhục này của đảng CSVN chắc chắn sẽ bị khắc ghi đến ngàn đời sau!
No comments:
Post a Comment