Chủ Nhật 25.05.2014
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Trong bốn kỳ trước chúng ta đã cùng nói chuyện về Phan Khôi và Phùng
Cung trong biến cố "Nhân văn-Giai Phẩm", chuyện đã xảy ra cách đây trên
nửa thế kỷ. Hai nhân vật quí ông này mỗi người mỗi vẻ nhưng cả hai cùng
có một đặc tính: văn sỹ tài năng nhưng kiên cường trước bạo quyền.
Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục với một văn sỹ cũng có khí chất kiên
cường nhưng lại là một quí bà. Đó là nữ sỹ Thụy An – người phụ nữ duy
nhất trong số những văn sỹ, trí thức bị trấn áp trong "Nhân văn-Giai
Phẩm".
Cái đặc biệt của nhân vật Thụy An trong "Nhân văn-Giai Phẩm" không
chỉ ở khía cạnh là phụ nữ duy nhất. Thụy An còn là phụ nữ Việt Nam đầu
tiên thời chữ Quốc Ngữ được xác nhận về tài năng trên văn đàn. Thụy An
không viết cho "Nhân văn-Giai phẩm" và cũng không phải là thành viên
chính thức của tờ Nhân Văn hay Giai Phẩm, nhưng Thụy An lại phải lĩnh án
tù và ở tù gần như lâu nhất: 17 năm tù. Thụy An đã tự đả thương một
phần cơ thể quí giá ngay trong tù để kháng cự sự trấn áp. Cuộc đời của
Thụy An có rất nhiều điểm bí ẩn đến nay vẫn chưa thể giải thích nổi. Và
cho đến nay, Thụy An cũng là người gần như duy nhất trong "Nhân văn-Giai
Phẩm" không được chính quyền hiện tại tỏ ý hối lỗi – dù chỉ là chiếu
lệ.
Chúng ta sẽ cùng nhau lật lại lịch sử để lý giải cho những điều đặc biệt đó của Thụy An.
Thụy An là bút danh, tên thật là Lưu Thị Yến, sinh năm 1916 tại Hà
nội, quê gốc làng Hoà Xá, quận Vân Đình, tỉnh Hà Đông nay thuộc Hà Nội.
Khiếu văn chương của Thụy An xuất hiện từ khi còn nhỏ tuổi. Năm 13 tuổi,
cô bé Lưu Thị Yến đã có thơ được đăng trên tờ báo Nam Phong rất nghiêm
túc và uy tín của học giả Phạm Quỳnh. Năm 1932, khi 16 tuổi, Lưu Thị Yến
được trao giải thưởng văn chương của Triều đình Huế. Thụy An sau này
trở thành em dâu của học giả Bùi Kỷ và cũng là em dâu của phu nhân học
giả, thủ tướng Trần Trọng Kim.
Khi 18 tuổi, Thụy An đã cùng chồng lập ra hai tờ báo tại Sài Gòn dành
riêng cho phụ nữ lấy tên Đàn bà mới và Phụ nữ tân văn, rồi vài năm sau
Thụy An lại ra Hà Nội mở thêm một tờ báo cũng dành cho nữ giới có tên
Đàn bà. Năm 1941, tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An được đánh giá cao
và được Vũ Ngọc Phan chọn làm tác phẩm duy nhất của giới nữ đưa vào bộ
Nhà văn hiện đại¬ – tác phẩm phê bình văn học đồ sộ đầu tiên của Việt
Nam.
Sau này khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Việt Minh, Thụy An không
đi theo Việt Minh lên Việt Bắc mà tiếp tục dấn thân trên con đường báo
chí, làm phóng viên chiến trường, tiếp xúc nhiều với giới chức Pháp cấp
cao và có lúc giữ chức quyền giám đốc Việt Tấn Xã tại Hà Nội. Như vậy,
rất có thể Thụy An còn là phóng viên nữ đầu tiên của Việt Nam chúng ta.
Những nét tiểu sử đó phác cho chúng ta một nữ sỹ Thụy An rất hiện
đại, giỏi tiếng Tây, có tài văn chương và rất ưa hoạt động xã hội. Đúng
như thế, Thụy An là phụ nữ đã thoát hoàn toàn khỏi các lề thói phong
kiến cổ hủ, bà là một phụ nữ tự do theo cái nghĩa tự do tư tưởng và tự
do cá nhân của phương Tây bất chấp những dị nghị hẹp hòi, những đồn đoán
thất thiệt của dư luận.
Cuộc sống hôn nhân của Thụy An cũng chứng minh điều đó. Năm 1949 Thụy
An đã ly thân với chồng để sống cùng với một nhân sỹ khác là ông Đỗ
Đình Đạo – một yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng – đảng đối lập với
Việt Minh.
Bây giờ, trước khi chuyển qua biến cố Thụy An bị trấn áp trong "Nhân
văn-Giai phẩm" chúng ta hãy cùng thưởng thức một số sáng tác của bà.
Tiểu thuyết Một linh hồn là câu chuyện buồn của một thiếu nữ tên Vân,
hết lòng mộ đạo Công giáo, nhưng có hoàn cảnh éo le. Cha Vân là một gã
"Sở Khanh" không bao giờ Vân biết mặt, còn mẹ là một phụ nữ phóng đãng
thuộc giới trung lưu tại Hà Nội. Nhưng tâm hồn thiếu nữ Vân vẫn rất
trong trắng, thánh thiện. Đây là đoạn Thụy An tả lúc Vân đang đắm chìm
trong cầu nguyện:
"Trên bàn thờ Chúa và những bàn thờ nhỏ chung quanh, vài ngọn nến le
lói trong bóng nửa tối nửa sáng. Ánh nến rập rờn làm linh động những pho
tượng, những bức tranh. Mặt Đức Bà như càng lúc càng rầu rĩ thêm và cứ
dần dần sát xuống mặt Vân và hai bàn tay mềm dẻo của Người thường chắp
lại, nay từ từ rời ra và đang xoa trên cái trán rạo rực nóng bừng của
Vân. Vân tưởng hít thấy cái hơi thở thiêng liêng của Người và nghe Người
thì thào như một hơi gió: Hỡi con! Hãy đem nỗi đau khổ gửi vào lòng ta
đây!
Vân ngả hẳn đầu tựa vào bức tường mà lúc bấy giờ Vân mơ màng thấy ấm
ấm như tựa vào ngực Đức Bà. Một câu chuyện bắt đầu giữa nguồn an ủi muôn
năm và nỗi đau đớn cực điểm."
Còn đây là khi tâm hồn Vân xao động lúc biết người mẹ không còn ý định đi "giang hồ" nữa:
"Vân thở dài như trút được một mối băn khoăn nặng nề, và biết mẹ đang
có điều suy nghĩ, Vân giả tảng quay mặt vào vách, nhưng óc nàng lẩn vẩn
nghĩ: "Làm thế nào cho mẹ con ta có tiền". Nàng nhớ ngay đến chuyện
những con chim quạ mang bánh đến nuôi sống những nhà tu hành ẩn dật đời
xưa, nàng ước ao mẹ con nàng cũng được cái may mắn ấy. Có lẽ bây giờ
nàng nhắm mắt lại, lát nữa mở ra, đã có sẵn sàng cả mọi thứ cần dùng."
Chúng ta xin tạm dừng ở đây. Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí
vị, quí bạn và xin hẹn tiếp tục với nhân vật Thụy An vào giờ này tuần
tới.
Tiến Văn
(.../.../...)
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Hôm nay chúng ta tiếp tục với nữ sỹ Thụy An. Lần trước chúng ta đã
thấy Thụy An là một nữ văn sỹ cách tân theo phương Tây về mọi đường, từ
đường học vấn, lối sống, tới nghề nghiệp và hôn nhân. Nhưng con người Á
Đông và tấm lòng yêu nước Việt của bà không vì thế mà mai một. Đây là
những vần thơ Thụy An thốt ra khi thấy một người trai trẻ chí lớn của
nước Việt:
"Em thương cảnh anh hàn sĩ
E rằng trọ học không lương
Em về kèo nài Thầy, Mẹ
Để cho anh giảng bài trường
Hận quá lòng em mười sáu
Dịu sao thương những là thương
Ngây thơ em đâu có biết
Mắt anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn dân tộc
Tóc xòa vương hận non sông
Môi bặm tai nghe rên xiết
Áo cơm đọa dưới cùm gông
...
Về thăm quê anh trong đó
Ngắm nhìn Hồng Lĩnh cao cao
Hùng vĩ chín mươi chín ngọn
Khí thiêng sản xuất anh hào."
Mặc dù trong suốt cuộc chiến chín năm giữa Pháp và Việt Minh, Thụy An
luôn hoạt động ở vị thế của người thân Pháp, đối lập với Việt Minh
nhưng sau Hiệp định Genève, Thụy An lại quyết định ở lại Hà Nội, sống
trong lòng chế độ cộng sản và rồi bị chính chế độ đó cầm tù 17 năm và
kìm hãm cho tới khi chết. Đó là một điều đặc biệt tới nay chưa thể lý
giải nổi.
Tới nay có vài manh mối có thể giải thích cho việc Thụy An chọn ở lại
Hà Nội sau 1954, trong khi các con và gia đình đã ở trong Nam.
Manh mối thứ nhất đến từ tin đồn rằng Thụy An đã đầu độc ông Đỗ Đình
Đạo không lâu trước khi Việt Minh về tiếp quản Hà Nội, vì lẽ đó Thụy An
trốn ở lại không đi Nam để tránh việc bị truy cứu. Nhưng người con trai
của Thụy An lại cho rằng tin đồn đó là hoàn toàn sai vì Thụy An vẫn luôn
thể hiện tình cảm yêu thương, trân trọng ông Đỗ Đình Đạo.
Manh mối thứ hai cho rằng Thụy An ở lại Hà Nội với ý định lập căn cứ
chống Việt Minh lâu dài ở làng Hòa Xá quê bà. Nhưng manh mối này không
đứng vững vì một phụ nữ chân yếu tay mềm, chỉ quen với việc cầm bút
không thể nào lại mạo hiểm dấn thân vào một việc quá sức ngay cả với
đấng mày râu trong một bối cảnh đơn độc như thế.
Manh mối thứ ba đến từ việc nhà thơ Lê Đạt ngụ ý Thụy An đã từng có
liên lạc với Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chín năm. Manh mối này
cho chúng ta một giả thuyết có thể Thụy An đã giúp Việt Minh trên tinh
thần cứu quốc, giành độc lập hoặc Thụy An là một đặc vụ của Việt Minh
dưới vỏ bọc nhà báo thân Pháp chăng, nên chính vì thế Thụy An mới tự tin
ở lại Hà Nội sau 1954?
Đến nay tất cả các manh mối trên vẫn chỉ là manh mối.
Nhưng điều rất rõ ràng là nữ sỹ Thụy An là một trí thức có tư tưởng
tự do phương Tây. Không những thế Thụy An còn là người tích cực vận
động, truyền bá tư tưởng tự do, tin tức văn hóa phương Tây cho những văn
nghệ sỹ khác trong "Nhân văn-Giai phẩm". Đây là xác nhận của nhà thơ Lê
Đạt:
"Mỗi lần tôi gặp Thụy An sau khi nói chuyện về tư sản, tiểu thương
bất mãn, chuẩn bị đi Nam, các tin BBC về hiệp thương, lại kể chuyện
Tát-xi-nhi, chuyện các phóng viên chiến tranh, các tiểu thuyết tư sản,
và sau hết đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng cho là hạn chế sự phát triển
của tài năng. Mỗi lần ở nhà Thụy An ra là mỗi lần tôi thấy mình tài
giỏi thêm, oán Đảng thêm và chán nản thêm."
Một người như thế dĩ nhiên sẽ không thể dung hòa được với chế độ cộng
sản. Tháng 03/1957 Thụy An bị chính quyền Hồ Chí Minh bắt. Chuyện kể
rằng trong tù Hỏa Lò, Thụy An đã tự chọc mù một mắt để phản đối việc
phải chào lá cờ đỏ sao vàng.
Hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản khi đó đã dùng mọi thủ đoạn
đê tiện nhất để chuẩn bị dư luận, giống như những gì ngày nay họ vẫn
làm, hòng che đậy sự trấn áp. Báo Thủ Đô ngày 23 tháng 4 năm 1958 đã
đăng một bài với lời lẽ kinh khủng như thế này:
"Hành tung của con mẹ phù thủy ấy là đi máy bay dự các cuộc nhảy dù
và ra khắp các mặt trận để cung cấp tin tức cho nhiều đài và báo địch;
còn đời sống riêng là luôn luôn ra vào buồng những thằng Tát-xi-nhi,
Cô-nhi... Cuối 1953, nó liên lạc chặt chẽ với tụi tơ-rốt-kít Hồ hữu
Tường và cổ động tích cực cho báo Đông phương với nội dung tuyên truyền
thuyết "trung lập chế" (trung lập hay chính là tay sai cho đế quốc?)..."
Tháng 01/1960 Thụy An ra tòa, bị kết vào tội gián điệp với mức án 15
năm tù. Nhưng mãi tháng 10/1974 Thụy An mới được thả về sống ở quê Hòa
Xá, Hà Tây. Năm 1976 Thụy An chuyển vào Sài Gòn sống một cuộc đời thầm
lặng và qua đời ngày 10/06/1989 hưởng thọ 73 tuổi.
Năm 2004, nhà thơ Lê Đạt tuyên bố:
"Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế
này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai?
Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một
câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được".
"Tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi
chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, đối với chị
Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. (...) Riêng tôi không bao giờ tôi quên
công của chị Thụy An đối với tôi cả."
Thưa quí vị, quí bạn, nhưng dù những kẻ cầm quyền có xử sự thế nào
chăng nữa, Thụy An đã và mãi luôn là một linh hồn có sức lay động những
linh hồn khác ngả về phía nhân bản, tự do và văn minh.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
25/05.2014
No comments:
Post a Comment