Thứ Sáu 09.05.2014
Trước hành động lấn lướt của Trung
Cộng ngang nhiên đưa dàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, báo chí Trung Cộng còn lên tiếng đòi dạy cho Việt Nam một bài học.
Vậy CSVN còn chờ đợi điều gì nữa trước khi quá muộn? Kính mời quí thính
giả nghe quan điểm của Lực Lượng Dân Tốc Cứu Nguy Tổ Quốc về sự kiện
này, qua sự trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả,
Người Việt Nam, những ai đã học lịch sử nước nhà thì không còn lạ gì
âm mưu thôn tính nước ta của Trung Cộng nữa, chỉ còn có Đảng Cộng Sản
Việt Nam và những kẻ mù quáng làm tay sai cho Trung Cộng mới khư khư ôm
lấy "16 chữ vàng và 4 tốt" và chối bỏ sự kiện hiển nhiên này!
Hàng chuỗi những động thái ngang ngược công khai hay âm thầm của
Trung Cộng từ sau cái Hội Nghị Thành Đô bán nước năm 1990 đến nay vẫn
được tiến hành đều đặn. Cứ mỗi lần Trung Cộng lấn tới một bước thì Việt
Nam lại lên tiếng phản đối chiếu lệ, chẳng khác nào cho phát lại cái
băng ghi âm sẵn cho có chuyện, nghe đến nhàm chán, rồi đâu lại vào đấy.
Đến hôm nay, rõ ràng Việt Nam đã bị Trung Cộng khống chế về kinh tế,
chính trị, ngoại giao, an ninh nội địa, nên Cộng Sản Hà Nội hoàn toàn
thúc thủ, hay nói đúng hơn là ngoan ngoãn đi vào lộ trình Trung Cộng đã
vạch ra. Một mặt đàn áp thẳng tay những người lên tiếng chống lại sự xâm
lược của Trung Cộng, mặt khác vỗ về ru ngủ người dân bằng cách tuyên
truyền rằng Việt Nam là nước nhỏ, bên cạnh một cường quốc khổng lồ,
không thể đối đầu bằng quân sự, nên phải theo đuổi con đường đối thoại
ôn hòa. Lập luận ấy dựa vào nguyên tắc tự nhiên "mạnh được, yếu thua, cá
lớn nuốt cá bé".
Dĩ nhiên không ai muốn chiến tranh, nhất là người Việt còn mang trên
mình đầy dẫy những vết thương vẫn đang rỉ máu bởi chiến tranh. Nhưng
đứng trước nguy cơ thôn tính của Trung Cộng, chúng ta không có chọn lựa
nào khác. Vả lại cái nguyên lý mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé,
chỉ là tương đối, đem áp dụng cho loài vật thì tạm đúng, con người không
phải là con vật, nên nguyên lý ấy lại càng không còn giá trị gì nữa.
Việt Nam, một quốc gia có gần 90 triệu dân, đứng hàng thứ 13 trên thề
giới, lớn hơn, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nam Hàn, Úc...v.v. .lại có 4 triệu
Người Việt sống rải rác trên khắp năm châu, vốn có truyền thống đấu
tranh cao suốt hàng ngàn năm lịch sử, không thể cúi đầu khuất phục một
cách hèn mạt như đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay. Cục diện thế giới hôm
nay cũng đã đổi khác, sức mạnh không còn nằm trong tay quốc gia có đông
dân nữa, mà ở những yếu tố khác: Những yếu tố ấy là ý chí của người dân,
cộng với mối tương quan quyền lợi và sự hợp tác với nhiều quốc gia khác
nữa.
Chính vì thế vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trước hết
phải do ý chí và quyết tâm của dân tộc Việt Nam, những người không cộng
sản, yếu tố này đã sẵn có, cho dù đảng CSVN tìm cách trấn áp cũng không
được, một khi lòng yêu nước đã lên đến cao độ, thì không có sức mạnh
nào ngăn cản được. Thứ hai phải có sự hợp tác rộng rãi của nhiều quốc
gia khác trên thế giới, cùng chia sẻ quyền lợi chung trên vùng biển nay.
Nói một cách cụ thể Việt Nam không thể đơn phương thương thảo với Trung
Cộng như hiện nay, mà phải quốc tế hóa vấn đề, đồng thời gấp rút đưa sự
kiện Trung Cộng dùng vũ lực lấn chiếm biển đảo của Viêt Nam ra trước
tòa án quốc tế, nếu để lâu coi như VN mặc nhiên chấp nhận chủ quyền
thuộc về Trung Cộng rồi.
Căn cứ vào cộng ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982, cùng với
những chứng cớ dựa trên dữ kiện lịch sử, địa dư xác lập chủ quyền, mà
các nhà nghiên cứu độc lập đã chứng minh, phần thắng đã hoàn toàn
nghiêng về phía Việt nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam vẫn không
dám quốc tế hóa vấn đề này, ngay khi Philippine đã chính thức mời Việt
Nam tham gia vụ kiện mà quốc gia này đã tiến hành.
Câu trả lời không khó, cũng không ngạc nhiên đối với người Việt Nam
yêu nước cũng như thế giới bên ngoài. Đó là vì Đảng CSVN cần sự bao che
nâng đỡ của Trung Cộng để họ tiếp tục được độc quyền cai trị Việt Nam,
bởi sự độc quyền cai trị ấy trăm bề có lợi cho Trung Cộng. Chính Nguyễn
Phú Trọng đã khẳng định rằng cương lĩnh của Đảng CS quan trọng hơn Hiến
Pháp của VN, có nghĩa là quyền lợi của đảng phải ở trên quyền lợi của
dân tộc, vì vậy đảng nghiêm chỉnh thi hành những gì Trung Cộng đòi hỏi
như khai thác Beauxit ở Tây Nguyên, cho thuê rừng dài hạn để Người Hoa
thiết lập các khu tự trị trên lãnh thổ Việt Nam. Thỏa thuận khai thác
chung tài nguyên tại Biển Đông như những gì Trương Tấn Sang ký với Trung
Cộng trong tháng 6 năm 2013 vừa qua. Ngoài ra còn bao nhiêu thỏa thuận
ngầm giữa hai đảng CS anh em không ai biết hết được. Sự kiện Trung Cộng
đưa dàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN hôm nay cũng không
nằm ngoài những thỏa thuận giữa hai đảng CS anh em.
Cứ xem phản ứng của Hà Nội, từ việc tránh né hợp tác với Nhật Bản,
Philippine trong hồ sợ tranh chấp với Trung Cộng, đến cách lên tiếng,
họp báo và phái một số cảnh sát biển ra khơi va chạm nhẹ với tàu Trung
Cộng không phải là cách ứng sử quyết liệt và hiệu quả, vì ai cũng thấy
rõ sự bất tương quan lực lượng giữa hai bên, đó là cách Hà Nội biện minh
cho giải pháp ôn hòa và nhượng bộ, để rồi Trung Cộng đạt được mục đích
như một chuyện đã rồi.
Vì vậy muốn giữ được biển đảo, thì Việt Nam phải có một chính quyền
không cộng sản để huy động được sức mạnh của toàn dân, và tạo được mối
tương quan chặt chẽ với các quốc gia có chung quyền lợi trên thế giới.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc
No comments:
Post a Comment