Thứ Bảy 24.05.2014
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử
Việt Nam khắc ghi tên của những anh hùng được "lưu danh thiên cổ" như
các danh tướng đời Trần đại phá quân Nguyên - Mông bảo vệ sơn hà xả tắc,
nhưng đồng thời cũng ghi lại tên tuổi của những gian thần "mãi quốc cầu
vinh", những kẻ bị dân tộc nguyền rủa với vết nhơ phải "lưu xú vạn
niên". Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin
gửi đến quý thính giả bài "Gian thần Trần Ích Tắc" của Việt Thái qua
giọng đọc của Tam Thanh.
Cái tên Trần Ích Tắc không xa lạ với những người Việt nào từng học
lịch sử của nòi giống Tiên Rồng. Nhắc đến ba chữ Trần Ích Tắc là nhắc
đến một vết nhơ trong đời Trần, và là nhắc đến những kẻ đã vì quyền lợi
cá nhân, cam tâm bán nước và đầu hàng ngoại bang.
Trần Ích Tắc là con trai của vua Trần Thái Tông, là em của vua Trần
Thánh Tông, và là chú của vua Trần Nhân Tông, được phong tước Chiêu Quốc
Vương vào tháng 5 năm 1267.
Trần Ích Tắc là kẻ có tham vọng lớn và luôn tự kiêu, cho rằng tài
nghệ của mình chẳng kém ai nên ngai vàng lẽ ra phải thuộc về mình. Đến
khi vua cha trao ngôi báu cho anh ruột là Trần Hoảng (tức Trần Thánh
Tông) thì Trần Ích Tắc mang lòng bất mãn, muốn nhờ thế lực ngoại bang để
chiếm đoạt ngai vàng.
Trần Ích Tắc tính toán rằng, đế quốc Nguyên - Mông đang hùng mạnh, đã
san bằng nhiều quốc gia, ngay cả nhà Tống cũng bị nuốt chửng, vì thế
nếu vó ngựa Mông Cổ tràn sang thì chắc chắn quân Đại Việt sẽ thua trận,
vua tôi nhà Trần sẽ trở thành tù binh và đất nước bị quân Nguyên - Mông
thống trị. Vì nghĩ như thế nên khi quân Nguyên - Mông vừa khởi quân sang
xâm lược Đại Việt thì ngày 15 tháng 3 năm 1285, Trần Ích Tắc liên lạc
để đầu hàng quân giặc, cả gia quyến được đưa về Trung Hoa. Trần Ích Tắc
được vua Nguyên - Mông là Hốt Tất Liệt phong làm An Nam Quốc Vương, chờ
ngày đưa về nước làm vua bù nhìn để cai trị nước Đại Việt.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó Trần Ích Tắc đã gửi thư cho
nhà Nguyên để xin làm nội ứng và xúi giục quân Nguyên - Mông tiến chiếm
Đại Việt.
Nhưng Trần Ích Tắc không thể nào ngờ, chỉ mấy tháng sau khi hàng
giặc, đại quân Mông Cổ hùng mạnh đã bị quân dân Đại Việt đánh cho tan
tác, Thái tử Thoát Hoan "phải chui ống đồng" tháo chạy về nước, Trần Ích
Tắc và những kẻ đầu hàng khác phải chạy theo. Sau đó đạo thủy quân của
giặc Nguyên - Mông cũng đã bị đức Trần Hưng Đạo đánh cho tan tác trong
trận Bạch Đằng Giang.
Sau khi nhà Nguyên đại bại, Trần Ích Tắc được an trí tại Ngạc Châu
(nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), được vua Nguyên ban cho chức Hồ Quảng Bình
chương Chính sự, gia phong Ngân thanh Vinh lộc Đại phu, rồi thăng lên
Kim tử Quang lộc Đại phu và sau cùng lên Nghi đồng Tam tư. Trần Ích Tắc
chết ở Trung Hoa vào năm 1329, được nhà Nguyên truy tặng tước Trung Ý
Vương.
Vì sự phản bội của Trần Ích Tắc mà về sau nhà Trần đã loại tên Trần
Ích Tắc ra khỏi tông thất, bị đổi tên thành Ả Trần. Đại Việt sử ký toàn
thư viết như sau: "Tháng 5 năm 1289, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần
thứ ba, bắt được cả một hòm biểu xin hàng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông
sai đốt hết để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước
đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng bị kết án vắng mặt, xử
tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, tước bỏ quốc tính. Ích Tắc
là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ
xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn là kẻ hèn nhát như đàn bà vậy.
Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần".
Cuối năm 1293, nhà Nguyên vẫn có kế hoạch đưa Trần Ích Tắc về nước
một lần nữa trong đợt xâm lược lần thứ tư, nhưng vào đầu năm 1294, Hốt
Tất Liệt qua đời nên kế hoạch này bị hủy bỏ và không bao giờ được nhắc
đến nữa.
Ca dao VN có câu:
Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng cũng còn trơ trơ!
Một nước Việt có chiều dài lịch sử gần 5000 năm đã lưu lại tên tuổi
của nhiều bậc minh quân, văn thần và võ thánh đã đóng góp tâm huyết cho
sự trường tồn của dân tộc. Nhưng ngược lại với những người được "lưu
danh thiên cổ" đó, lịch sử Việt cũng ghi lại những tên tuổi "lưu xú vạn
niên" như gian thần Trần Ích Tắc. Trong ngôn ngữ VN, cái tên Trần Ích
Tắc đã đồng nghĩa với "tội bán nước" và "tiếp tay cho giặc" để xâm chiếm
đất nước.
Đây là nỗi ô nhục to lớn của triều đại nhà Trần, nhưng các hành động
"mãi quốc cầu vinh" vẫn tiếp tục diễn ra ở các triều đại sau đó, nhất là
trong những giờ phút sinh tử của đất nước. Và bây giờ, trong giờ phút
Tổ Quốc lâm nguy hiện nay, nỗi ô nhục ấy đang tái hiện dưới chủ trương
"hèn với giặc, ác với dân" của tập đoàn lãnh đạo CSVN.
Ô nhục hơn nữa là trong mấy tuần qua, Trung Cộng không chỉ trưng dẫn
công hàm "bán nước" của Phạm Văn Đồng mà còn liên tục khẳng định rằng VN
đã ký kết nhiều thỏa thuận xác nhận chủ quyền của Trung Cộng ở vùng
biển Hoàng Sa, nơi đang có giàn khoan Hải Dương 981 gây phẫn nộ trong
lòng người Việt.
Nếu đảng CSVN im lặng trước các cáo buộc đó, thì có nghĩa là họ đã
công nhận về sự thật đó và lịch sử đã lặp lại nỗi ô nhục của một tập
đoàn Trần Ích Tắc lén lút đầu hàng kẻ thù phương Bắc và tự nguyện dâng
hiến mảnh giang sơn gấm vóc cho Tàu cộng.
Và nếu đúng như thế thì gian thần Trần Ích Tắc sẽ không còn cô đơn
dưới suối vàng, vì đang có một bầy hậu duệ cùng chia xẻ tội danh "bán
nước"!
No comments:
Post a Comment