Sunday, May 4, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 04.05.2014  
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước chúng ta đang dừng ở phát biểu khẳng khái của cố học giả Phan Khôi khi ông chỉ trích giới lãnh đạo cộng sản:
"Nhưng các ổng có nghệ thuật của các ổng, còn tôi có nghệ thuật của tôi. Trong nghệ thuật ngụ cái cá tính của mỗi người một khác, do đó nghệ thuật tính của văn nghệ của mỗi tác giả một khác. Có thế thì mới có được cái quang cảnh "trăm hoa đua nở". Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết."
Thưa quí vị, quí bạn, chúng ta cần lưu ý, phát biểu này được đưa ra cách đây hơn nửa thế kỷ và ngay giữa Hà Nội – thủ phủ của cộng sản – và vào cái thời điện thoại bàn rất hiếm, đương nhiên không có internet, facebook hay Ipad. Nhớ lại thế, chúng ta càng thấy cái khí phách của Phan Khôi lẫm liệt như thế nào.
Nhưng xem lại tiểu sử của Phan Khôi chúng ta sẽ thấy khí phách đó là lô-dzíc.
Ngay khi còn trẻ, lúc làm báo tự do trong thời thuộc Pháp, Phan Khôi đã nổi danh là cây bút thẳng và nghiêm. Phan Khôi từng được mệnh danh là "Ngự sử văn đàn", không kiêng dè bất cứ ai, nếu thấy sai, từ Thượng thư Phạm Quỳnh tới những nhà chính trị nổi tiếng như Bùi Quang Chiêu hay học giả uyên thâm như Trần Trọng Kim.
Ngay từ năm 1928 Phan Khôi đã phát hiện và phê bình lối viết sử không chính xác của Trần Huy Liệu - người sau này là bộ trưởng tuyên truyền của chính quyền Hồ Chí Minh và là viện trưởng viện sử học tại miền Bắc.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại, tháng 06/1946, Phan Khôi đã lên một diễn đàn trong một cuộc mít-tinh để phản đối Hiệp định sơ bộ của chính quyền Hồ Chí Minh với âm mưu đưa quân Pháp vào thay quân Tưởng để dễ dàng tiêu diệt những đảng phái quốc gia Việt Nam không theo cộng sản.
Khi thấy cán bộ của Việt Minh định phá nhà thờ Hoàng Diệu, Phan Khôi đã cực lực phản đối bất chấp sự uy hiếp, đe dọa từ chính quyền Việt Minh.
Có thể nói, Phan Khôi là người rất chuộng Tây học nhưng lại có tinh thần "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu, thấy sự bất bình không bao giờ tha.
Trước những thái độ có tính đối lập với Việt Minh-cộng sản như vậy, Chính quyền Hồ Chí Minh đã khôn khéo đưa Phan Khôi ra Hà Nội để quản thúc, cách ly và đưa lên Việt Bắc sau cuộc xung đột với Pháp bùng nổ vào tháng 12 năm 1946.
Tuy nhiên, sự khôn khéo của chính quyền Hồ Chí Minh vẫn không mua chuộc hay dập tắt được cá tính độc lập, tinh thần duy lý và khát khao tự do của Phan Khôi. Như đã thấy, sau chín năm ở Việt Bắc, ngay sau khi về Hà Nội, khí phách và tự do trong Phan Khôi đã trỗi dậy.
Khí phách và tự do của Phan Khôi còn đặc biệt ở chỗ, Phan Khôi không để tình thân trói buộc tư duy của mình. Hai con trai của Phan Khôi đều làm lãnh đạo trong hệ thống chính quyền của Hồ Chí Minh; còn Hoàng Hữu Nam (tên thật là Phan Bôi), thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên trung ương đảng cộng sản, chính là em họ của Phan Khôi.
Phan Khôi còn là một trí thức nhận ra khá sớm hậu họa cộng sản. Năm 1929, Phan Khôi đã viết liên tiếp ba bài báo dài để nói về cộng sản Việt Nam.
Khi đó Phan Khôi đã nhận thấy khả năng mất tự chủ của những người cộng sản Việt Nam, ông viết:
"Những người An Nam ta phản đối lại chánh phủ Pháp, chạy ra ngoại quốc vận động cuộc cách mạng, trong ý họ cũng chẳng hề có cái tin tưởng cộng sản như chúng ta ở nhà đây, vì họ cũng sống trong một xã hội cùng với chúng ta. Song le, khi họ muốn làm cách mạng không đủ thế lực thì phải lấy thế lực của cộng sản hầu đạt được cái mục đích mình."
Phan Khôi cũng cảnh báo sự quá khích, cực đoan của cộng sản và thương những người đi theo cộng sản chỉ vì cả tin, kém hiểu biết:
"Trong một bài trước đã nói rằng cái chất đất xứ nầy thật khó mà nứt lên cái mầm cộng sản được, mà đã nứt lên được, ấy là nhờ có cơ hội. Cái cơ hội ấy tức là một số người An Nam ở ngoại quốc muốn đánh đổ chánh phủ Pháp ở đây mà không đủ sức, thành ra phải lấy thế lực của đảng cộng sản ngoại quốc. Đó rồi họ mới đem cái chủ nghĩa quá khích ấy về mà tuyên truyền cho anh em trong nhà. Trong khi đó thì anh em ở nhà đây lại có một phần đông chịu ảnh hưởng của sự sưu cao thuế nặng, của sự làm ăn gay khổ tóm lại là sự áp bách về kinh tế, đau chân há miệng mà chẳng biết kêu với ai, thình lình nghe được những lời cổ động bùi tai ấy thì theo rờm rờm.... Phần đông anh em lao động học thức không có, kiến văn hẹp hòi, mà lại ở vào trong cái cảnh gian truân; cái nghề, hễ nguy thì phải tìm đường mà chạy, thiệt không thể trách."
Ngay năm 1929, Phan Khôi đã thấy nguy cơ lệ thuộc của cộng sản Việt Nam vào cộng sản Trung Quốc. Ông viết:
"Chánh phủ cũng vẫn biết đảng cộng sản An Nam có lẽ chưa phải trực tiếp thọ giáo với ông thầy Tô Nga, mà có lẽ gián tiếp thọ giáo với đảng cộng sản Tàu."
Cuối cùng, Phan Khôi rất lo lắng:
"Theo cộng sản cũng là một sự nguy hiểm, phải tu phải rẹt chớ chẳng phải chơi đâu."
Sự tinh tường và khí phách thiên bẩm như thế không thể sống chung được với chính quyền cộng sản là điều tất yếu.
Giữa năm 1958, sau nhiều động thái thăm dò, chuẩn bị, chính quyền Hồ Chí Minh ra tay đàn áp công khai "Nhân văn-Giai phẩm". Hàng trăm người lần lượt bị trấn áp, bỏ tù. Phan Khôi 71 tuổi bị khai trừ khỏi Hội nhà văn, bị đuổi ra khỏi nơi đang ở, bị theo dõi chặt, cấm viết, cấm xuất bản.
Ngày 16 tháng 01 năm 1959, Phan Khôi trút hơi thở cuối cùng trong sự hằn học, cảnh giác của chính quyền. Nhưng, như chính Phan Khôi tiên đoán, không có chi.
"Làm sao cũng chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi. Làm chi cũng chẳng làm chi. Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao."
Mộ phần của Phan Khôi đến nay vẫn bị thất lạc. Nhưng thể phách, tư tưởng Phan Khôi luôn hiển hiện.
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(04/05/2014)

No comments:

Post a Comment