Monday, May 5, 2014

Luật sư làm nông

Thứ Hai, ngày 05.05.2014    
Rất hiếm để có một luật sư bào chữa miễn phí cho dân nghèo mà lại vô cùng đặc biệt trong chế độ CS bạo tàn VN. Trong tiết mục CNNM, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Huỳnh Bá Hải có tựa đề " Luật sư làm nông" , sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay
Dư luận trong và ngoài nước dạo này quan tâm đến một luật sư ở Phú Yên. Luật sư Võ An Đôn tham gia bào chữa miễn phí cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an tỉnh Phú Yên giết chết. Vụ án đang được Viện kiểm sát tối cao kháng nghị hủy án điều tra lại từ đầu. Cũng có nghĩa là số phận của vị luật sư đi vào một khúc quanh mới. Một vài người quen của chúng tôi tại các cơ quan nội chính của tỉnh Phú Yên gợi ý chúng tôi liên lạc với luật sư Võ An Đôn, vì theo các quan chức Phú Yên là nhất định sau vụ này số phận của luật sư Võ An Đôn sẽ "lên bờ xuống ruộng".
Chúng tôi gọi về ngay ngày 1/5 nhưng luật sư Võ An Đôn đang loay hoay ngoài vườn cho các công việc đồng áng của nhà nông. Tôi không biết phải gọi anh là luật sư nông dân, hay luật sư nhà nông hay luật sư cho nông dân hoặc luật sư đi làm nông. Vì thực tế anh không sống bằng nghề luật sư mà sống bằng nghề làm nông với hơn 2 sào ruộng có nuôi con bò, trong vườn trồng rau, nhà có nuôi gà nuôi heo.
Như anh khẳng định anh sống bằng nghề nông, cánh đồng huyện Tây Hòa quê anh là vựa lúa chính của cả Miền Trung. Các vụ việc anh tham gia đều miễn phí vì thân chủ của anh toàn là người nghèo của các huyện Miền Núi phía Tây của Phú Yên. Những trẻ vị thành niên miền núi phạm pháp gia đình luôn nhờ anh giúp đỡ pháp lý cho họ. Có thể nói đây là Văn phòng luật sư Miền Núi duy nhất của cả Việt Nam. Các văn phòng luật sư khác thì chọn các thành phố lớn. Nghề luật sư vốn coi trọng bề ngoài với văn phòng sang trọng ở những con phố trung tâm của các đô thị lớn.
Vụ án Ngô Thanh Kiều bị công an Phú Yên giết hại không phải là vụ án miễn phí đầu tiên mà anh bào chữa.
Bằng chất giọng đặc biệt của người Phú Yên với âm "a" thành ra âm "e", vị luật sư vẫn chất phác như giọng nói của anh. Anh phân tích vụ án về nội dung cũng như hình thức thật sâu sắc mà báo chí lề đảng trong nước không dám đăng:
1. Thẩm quyền xét xử : Khi có kháng nghị của Viện Kiểm Sát Tối Cao thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải là cấp tỉnh được ủy quyền. Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này tòa án cấp huyện xét xử là vi phạm tố tụng rõ rệt nhất.
2. Yếu tố cảm xúc tình cảm được đặt cao hơn cách áp dụng luật pháp; truy tố và các biện pháp ngăn chặn rất là tùy tiện. Khi có 4 bị cáo tại ngoại thì sự thông cung dễ dàng.
3. Nội dung vụ án có 3 vấn đề vi phạm rõ rệt nhất:
3.1. Triệu tập các nhân chứng không đầy đủ. Trong hồ sơ có 21 nhân chứng nhưng tại tòa chỉ có 7 nhân chứng tức chỉ 1/3 nhân chứng được triệu tập là thiếu tính thuyết phục.
3.2. Áp dụng các điều khoản khác nhau cho cùng một tội danh đồng phạm. Bị cáo Thành Thảo thì bị truy tố khoản 3 điều 298 còn 4 bị cáo kia thì bị truy tố theo khỏan 1 điều 298 Bộ luật Hình sự.
3.3. Bỏ lọt tội phạm: Thượng tá công an Lê Đức Hoàn là người chủ mưu của vụ giết người nhưng không truy tố. Vai trò cầm đầu của ông thượng tá công an rất rõ như ký lệnh bắt, chỉ đạo tra tấn nạn nhân, chỉ đạo các dàn xếp và cả kế hoạch chạy tội nhưng không bị VKS hay tòa án truy tố là bỏ lọt tội phạm.
Kết quả Viện kiểm sát tối cao ra kháng nghị hủy án coi như một liều thuốc cứu vãn tình trạng nguy hiểm cho luật sư. Từ khi tham dự vụ này thì LS thường xuyên gặp các đe dọa gián tiếp qua người thân, bạn bè rằng công an Phú Yên sẽ trả thù vị luật sư. Ngay cả một nguồn tin trong tỉnh ủy cũng cho chúng tôi biết sự nguy hiểm của vị "luật sư làm nông" sẽ phải gặp trong tương lai gần.
Nhờ có công việc làm nông nên anh hiểu cho người dân nghèo quê anh phải đối phó với hệ thống pháp luật chồng chéo. Anh tin rằng luật pháp sẽ chiến thắng nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi: Liệu thượng tôn pháp luật có hiệu quả khi nhiều người vẫn có uy quyền hơn luật, họ tuyên bố luật là chính họ? Vị luật sư chỉ cười chua chát.
Đoàn luật sư Phú Yên có 15 luật sư, mở 8 văn phòng luật sư. Văn phòng luật sư của anh đặt ngay tại nhà là thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa tỉnh Phú Yên. Nơi này cách thành phố Tuy Hòa 25 km. Nhà anh chưa kết nối internet. Anh từng tốt nghiệp 2 trường đại học tại Sài Gòn là ngành Xã hội học của ĐHXH&NV (Đại Học Xã Hội và Nhân Văn) và Luật Hình Sự của Đại Học Luật thành phố. Anh từng công tác tại văn phòng tỉnh ủy nhưng thấy không thích hợp với bản chất trung thực của nhà nông nên anh về vườn, mở văn phòng luật sư chuyên giúp đỡ cho người dân nghèo quê anh cũng như người sắc tộc thiểu số ở phía Tây của Phú Yên. Anh từng mở văn phòng luật sư lấy tên là Luật Sư Dân Chủ nhưng vì quá "nhạy cảm" nên bị hành te tua.
Anh chấp nhận làm một luật sư nghèo bảo vệ cho người nghèo hơn là chạy theo các giá trị vật chất bằng cách chạy án như nhiều luật sư khác.
Tạm biệt anh, không biết có tương lai sáng sủa nào cho anh hay không? Và lẽ nào người tốt bị lãng quên sao?
Huỳnh Bá Hải

No comments:

Post a Comment