Thứ Ba, ngày 26.11.2013
Cả hai đảng CSTQ và CSVN đều tham
nhũng và tham quyền cố vị như nhau. Tuy nhiên đảng CSTQ trong suốt gần 4
thập niên, đã chứng tỏ khả năng sáng tạo và quản trị kinh tế vượt trội
CSVN. Kết quả là như một quốc gia, thế của Việt Nam ngày càng yếu và
càng lệ thuộc TQ như một chư hầu bé bỏng. Sự khác biệt một phần được
phản ảnh qua nhân cách khác biệt giữa một Nguyễn Phú Trọng ngày càng
giáo điều, thiển cận và một Tập Cận Bình nhúc nhích cải tổ thêm. Mời quý
thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Trung Quốc
nhúc nhích cải tổ thêm" sẽ được Hương Dương trình bày để kết thúc
chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài
nguyên," đó là một bước nhích về phía trước, sau phiên họp bốn ngày của
Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc ngày hôm qua, 12 tháng 11
năm 2013. Gọi là một bước tiến, vì trước đó ngôn ngữ chính thức của
Trung Cộng chỉ coi thị trường đóng "vai trò cốt yếu."
Từ địa vị "cốt yếu" nâng lên địa vị quyết định, nhiều nhà quan sát
quốc tế thấy có một chuyển hướng; vai trò của thị trường sẽ mạnh hơn,
chính quyền sẽ giảm bớt quyền can thiệp. Ðặc biệt, họ lại nhắc đến vai
trò của thị trường trong việc "phân bố tài nguyên," khiến người ta thấy
sẽ có một cuộc cải tổ trong việc điều hành hệ thống ngân hàng, để cứu
nguy cả nền tài chánh.
Hội nghị Trung ương Ðảng thứ ba, sau đại hội thứ 18, quyết định sẽ
lập một "ủy ban" với mục đích "cải tổ sâu xa" hơn theo chiều hướng kể
trên
Cũng vì mối lo dân chúng luôn luôn bất mãn, nếu kinh tế tiếp tục suy
yếu thì bạo loạn có thể xẩy ra, cho nên Tập Cận Bình đã thuyết phục được
205 người trong Ban Chấp hành Trung Ương chấp nhận nhích một bước về
phía trước. Kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc độ tăng trưởng trong hai năm
qua, hậu quả của một quyết định thay đổi đường lối, tỷ lệ gia tăng của
Tổng sản lượng (GDP) chỉ còn khoảng 7.5% thay vì 9 đến 10% trước đây. Ðó
là một chính sách nhằm chuyển hướng cả nền kinh tế, vì người Trung Hoa
biết rằng "mô hình kinh tế" mà Bắc Kinh theo đuổi từ mươi năm nay dần
dần đi đến một ngõ cụt nguy hiểm.
Trước đây họ chỉ bơm tiền dự trữ của nhà nước cho chính quyền các địa
phương cho các công trình xây dựng lớn, nhằm giữ những con số và một
hình ảnh tốt đẹp. Ðường lối này được các cán bộ địa phương hoan nghênh;
vì họ có thể trưng ra các con số chứng tỏ địa phương mình vẫn "phát
triển tốt." Mặt khác, mỗi công trình xây dựng lại là một dịp cho các
quan lớn, quan nhỏ rút ruột. Ðể thực hiện chính sách này, đảng Cộng sản
Trung Quốc dùng các ngân hàng do nhà nước làm chủ bơm tiền vào nền kinh
tế, bằng cách cho vay với lãi suất nhẹ, mà nếu không trả lại được cũng
bỏ qua.
Tổng số nợ ở nước Trung Hoa đã tăng từ 125% lên tới 210% GDP từ năm
2006 đến 2012. Nhưng các món tiền cho vay đó được dùng như thế nào? Rất
nhiều "thị xã ma" đã xuất hiện, gồm những ngôi nhà và cao ốc mọc lên mà
không có ai mua hay thuê. Nhiều thứ hàng hóa được sản xuất được chất
đống trong nhà kho, bến cảng, từ than đá, đồ chơi, cho tới các máy điện
dùng trong nhà, không có người tiêu thụ.
Cho nên, từ năm ngoái Bắc Kinh đã giảm bớt việc đổ tiền vào những dự
án đầu tư phí phạm để tránh mối lo lạm phát và sự suy sụp của cả hệ
thống tài chánh. Quyết định để cho thị trường đóng vai trò quan trọng
hơn trong việc phân bố tài nguyên cho thấy Bắc Kinh đã công nhận phải
thay đổi.
Vì con đường phát triển theo lối đó đang đi vào ngõ cụt, cho nên đảng
Cộng sản Trung Quốc mới nhích thêm một bước cải tổ kinh tế, khi họ
tuyên bố "Thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài
nguyên." Ðây có thể là một quyết định của Tập Cận Bình nghiêng theo ý
kiến của chủ tịch Ngân hàng Nhân dân, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou
Xiaochuan), đứng đầu ngân hàng trung ương từ năm 2002.
Chu Tiểu Xuyên chủ trương tăng thêm cạnh tranh trong hệ thống ngân
hàng, và tạo cơ hội cho các ngân hàng tư nhân nhỏ xuất hiện, cũng như
nhận thêm vốn đầu tư của của người ngoại quốc. Một đề nghị của ông là
cho các ngân hàng tự quyết định lãi suất trả cho người gửi tiền, kích
thích cạnh tranh họ với nhau. Biện pháp đó cũng giúp cho người dân bình
thường có thêm tiền trong túi, có thể tiêu thụ nhiều hơn; đúng chủ
trương chuyển tài nguyên từ các vụ cho vay đầu tư phí phạm sang người
tiêu thụ.
Chính các ngân hàng tư này sẽ cho các xí nghiệp tư nhân nhỏ và trung
vay tiền, thay vì bao nhiêu tiền dân để dành bị các ngân hàng của nhà
nước chuyển cho các xí nghiệp quốc doanh.
Ðó chính là ý nghĩa của quyết định cho thị trường sẽ đóng vai trò
quyết định trong việc phân bố tài nguyên. Nếu được thực hiện thì trong
mười năm tới kinh tế Trung Quốc sẽ thay đổi rất nhiều. Ðó cũng là ý
nghĩa của lời văn được công bố sau hội nghị, nói sẽ "tăng cường quan hệ
giữa nhà nước và thị trường" với mục đích giúp nền kinh tế có hiệu quả
và sản năng cao hơn.
Một điều hiển nhiên ai cũng phải biết là khi tài nguyên của cả xã hội
được trao cho các cán bộ sử dụng thì không có hiệu quả bằng đưa vào tay
các nhà kinh doanh tư. Thị trường hóa việc điều hòa và phân bố tài
nguyên chắc chắn sẽ giúp cho cả xã hội cùng tiến bộ.
Nhưng bước tiến kinh tế mới của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thực
hiện được hay không? Tất cả còn tùy thuộc quyền lực của Tập Cận Bình,
liệu ông ta có khả năng bắt các cán bộ cấp dưới thi hành chính sách mới
hay không. Từ năm ngoái, khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố chuyển
hướng nền kinh tế, nhiều chuyên gia nổi tiếng đã tỏ ý nghi ngờ hiệu quả.
Tại sao các cán bộ Trung Cộng lại ù lì như thế? Vì hệ thống đảng
khuyến khích các cán bộ làm sao báo cáo các con số cho đẹp, chứ không
cần biết đến các vụ đầu tư ích lợi thiết thực do dân hay không. Ông Liêu
Kim Chung giải thích: "Tất cả guồng máy chạy vì các cán bộ ai cũng chỉ
lo thăng quan tiến chức mà thôi. Tôi không thấy triển vọng mọi sự sẽ sắp
được thay đổi."
Chỉ khi nào đảng Cộng sản chịu cải tổ hệ thống chính trị, thì lúc đó
mới hy vọng có được một chính quyền "của dân, do dân và vì dân."
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment