Thứ Sáu, ngày 28.11.2013
Vì điều 4 hiến pháp và sự thiếu
vắng cạnh tranh chính trị, CSVN chỉ biết cai trị độc tài và chưa bao giờ
biết thật sự lãnh đạo đất nước và đưa dân tộc đi lên. Mời quý thính giả
nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Lãnh đạo và quản
trị" sẽ được Hương Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh
tối hôm nay.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 và Quận 3 thuộc Sài Gòn vào đầu
tháng 10 vừa rồi, để biện bạch cho những thất bại trong nỗ lực chống
tham nhũng của đảng cầm quyền cũng như của bản thân mình, Trương Tấn
Sang, Chủ tịch nước, giải thích:
"Với tư cách của tôi là một đồng chí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà
nước thì phải tham gia chủ trương chính sách. Cái đó dứt khoát rồi, phải
làm, rất tích cực; nhưng không thể làm trực tiếp được, tôi không thể
thay quyền điều tra được. Cái gì tôi phát hiện, về tôi kêu mấy ông chức
năng, giao ngay. Tôi theo dõi, chứ không thể bỏ qua được. Làm sao với
cương vị tôi mà dẫn quân đi làm điều tra được. Anh đội trưởng đội điều
tra quận làm được, chứ tôi không làm được việc đó đâu, phải đôn đốc anh
em thôi."
Đúng là với cương vị Chủ tịch nước, không thể đóng vai trò của một
đội trưởng đội tuần tra quận để theo dõi, phát hiện và bắt bớ những
người tham nhũng được. Không ai chối cãi điều đó cả. Tuy nhiên, có phải
vì vậy mà ông có thể thoái thác trách nhiệm của mình với tư cách một
trong vài người lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước không?
Nhớ, trong mấy năm vừa qua, ở Úc, Liên đảng đối lập không ngừng chỉ
trích chính phủ Lao Động là đã thất bại trong việc ngăn chận làn sóng di
dân bất hợp pháp tràn vào lãnh thổ của họ, chủ yếu trên các chiếc tàu
xuất phát từ Indonesia. Năm 2012, có cả thảy 17.000 người đến Úc bằng
đường biển như thế (trong đó có khoảng 6.500 người Sri Lanka và một số
người Việt Nam).
Trước những sự phê phán ấy, Thủ tướng Lao Động lúc ấy, bà Julia
Gillard, cũng như Bộ trưởng Di trú Chris Bowen, tìm đủ mọi cách để biện
hộ. Tuy nhiên, không có lời biện hộ nào giống Trương Tấn Sang cả. Không
ai nói, chẳng hạn, họ không thể đóng vai các chủ tàu ở Indonesia để từ
chối việc chở người di dân lậu sang Úc hoặc họ cũng không thể đóng vai
các thuyền trưởng các đội tuần duyên để hoặc buộc các tàu vượt biên ấy
không được nhập vào lãnh hải Úc hoặc kịp thời cứu vớt những tàu bị đắm.
Không. Bất chấp việc các nhân viên thừa hành làm việc ra sao, lỗi vẫn
thuộc về giới lãnh đạo cao nhất trong chính phủ.
Trở lại với trường hợp của Việt Nam. Dường như nhiều người, ngay cả
những người thuộc giới lãnh đạo, cho công việc lãnh đạo chỉ khoanh tròn
trong phạm vi chính sách. Đã đành chính sách chiếm một vị trí quan
trọng, có khi là quan trọng nhất trong nghệ thuật lãnh đạo. Nhưng bên
cạnh chính sách, các nhà lãnh đạo cần một tài năng khác nữa: tài quản
trị (governance). Có thể nói nghệ thuật lãnh đạo bao gồm hai khía cạnh
chính: chính sách và quản trị. Có chính sách tốt: chưa đủ. Cần có khả
năng quản trị để các chính sách đúng và hay ấy được thực hiện như ý
muốn.
Lâu nay, hầu như mọi người đều thấy rõ là giới lãnh đạo Việt Nam
không có khả năng hoạch định các chính sách rõ ràng đối với những vấn đề
quan trọng nhất của đất nước. Trước nguy cơ xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải
và âm mưu lũng đoạn kinh tế cũng như văn hóa Việt Nam của Trung Quốc,
giới lãnh đạo Việt Nam vẫn loanh quanh với những ứng phó vụn vặt và bất
nhất. Trước những suy thoái về mọi mặt, từ kinh tế đến xã hội, giáo dục
và đạo đức, giới lãnh đạo vẫn chỉ nói suông. Trước nạn tham nhũng đang
hoành hành và tàn phá đất nước, giới lãnh đạo vẫn không hề đưa ra được
một chính sách nào đàng hoàng và có tính khả thi.
Thiếu chính sách, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng thiếu cả khả
năng quản trị. Nói đến khả năng quản trị là nói đến việc xây dựng cơ chế
và hoạch định tiến trình thực thi chính sách. Cơ chế và tiến trình ấy
bao gồm cả việc cai trị (rule), quản lý (management) và kiểm soát
(control). Cả ba công việc này, để có hiệu quả, cần có ba điều kiện
chính: tính khả kiểm (accountability), sự minh bạch (transparency) và sự
linh hoạt. Thiếu hai điều kiện đầu, người ta không thể làm việc hiệu
quả, hơn nữa, không thể biết là mình làm việc không hiệu quả, hoặc nếu
biết, không thể biết nguyên nhân của cái không-hiệu-quả ấy nằm ở đâu để
sửa chữa. Có hai điều kiện ấy, nhưng nếu bộ máy quá nặng nề, cồng kềnh
và cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt, người ta cũng không thể đối phó với
các tình thế và khó khăn bất ngờ được.
Khi có cả ba điều kiện nói trên, guồng máy cai trị, quản lý và kiểm
soát sẽ tự vận động và tự điều chỉnh, không cần những người lãnh đạo cấp
cao nhất phải bận tâm để mắt theo dõi đến từng chi tiết.
Ông Trương Tấn Sang không cần phải đóng vai đội trưởng đội tuần tra
tham nhũng nhưng nếu ông có khả năng quản trị tốt, ông sẽ xây dựng được
những cơ chế và tiến trình chống tham nhũng tốt để mọi nhân viên chống
tham nhũng phải làm việc nghiêm túc; nếu không, họ sẽ bị kỷ luật hoặc bị
thay thế. Đó là điều ở Tây phương người ta đều làm được. Bởi vậy, việc
một hay vài đội trưởng đội tuần tra tham nhũng bất lực có thể là lỗi cá
nhân của họ: Lỗi cá nhân, trách nhiệm cũng thuộc về cá nhân; nhưng việc
tất cả hoặc, nhẹ nhàng hơn, hầu hết các đội trưởng đội tuần tra đều bất
lực thì lại phải được xem là lỗi ở quản trị: Lỗi quản trị, trách nhiệm
thuộc về giới lãnh đạo.
Thiếu khả năng hoạch định chính sách và cũng thiếu cả khả năng quản
trị, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay làm được gì? Theo hai nhà nghiên
cứu về Việt Nam, Adam Fforde và Jorg Wischermann, họ chỉ biết cai trị
(rule)! Cai trị là hình thức thao tác quyền lực xưa cũ nhất của nhân
loại: chỉ dùng quyền lực để bảo vệ quyền lực bằng cách bắt buộc mọi
người làm theo ý mình. Vậy thôi.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment