Chủ nhật ngày 24.11.2013
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Cái gọi là « Quốc hội Việt Nam » lại đang nhóm họp tại Hà Nội. Theo
một số chuyên gia, chi phí trung bình cho mỗi ngày họp của "Quốc hội
Việt Nam" mất vào khoảng một (01) tỷ Đồng.
Tiền này ở đâu ra? Xin thưa với quí vị, quí bạn, đó là tiền từ túi
của tất cả chúng ta, không kể một ai, từ em bé mới sinh cho tới cụ già
trên giường bệnh, từ người lính đang canh gác nơi đảo xa cho tới rất
nhiều bà con người Việt đang sống ở nhiều nơi trên thế giới. Một tỷ Đồng
chi phí mỗi ngày họp của "Quốc hội Việt Nam" được lấy gián tiếp từ các
khoản thuế chúng ta phải trả khi mua các loại hàng hóa, từ các khoản phí
chúng ta phải đóng khi đi trên các con lộ, khi qua các cây cầu có thu
phí, từ các khoản đóng góp khác mà bà con chúng ta vẫn phải đóng ở
phường khóm và cả từ những khoản phí chuyển tiền kiều hối từ ngoài về
Việt Nam, vân, vân.
Lẽ đương nhiên, quốc hội hay nghị viện nào trên thế giới thì cũng
phải dùng tiền của dân để hoạt động. Nhưng điều vô lý và khác trong sự
tiêu tiền dân của "Quốc hội Việt Nam" là ở chỗ cả cái gọi là "Quốc hội"
đó không chịu sự ràng buộc, kiểm soát của người dân từ khâu bầu thành
viên cho đến các hoạt động hội họp, quyết nghị của nó.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta không để ý hoặc không nhận thấy sự
vô lý ngang ngược như thế của cái "Quốc hội Việt Nam" là do sự vô lý này
đã diễn ra từ rất lâu rồi. Từ ngay những ngày chính phủ của ông Hồ Chí
Minh bỏ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để đánh Pháp. Rồi khi thắng Pháp,
đất nước bị chia làm hai ở sông Bến Hải, khi trở về Hà Nội, cái "Quốc
hội Việt Nam" của ông Hồ Chí Minh, từ đó đến nay, cứ ngang nhiên tự động
lấy tiền của dân để chi phí cho các kỳ hội họp dài ngắn, chi phí cho
các đại biểu, nhân viên thừa hành của nó một cách tùy ý, mà chẳng cần
phải lo lắng hay quan tâm tới ý kiến của người chi tiền là Dân.
Đấy là nói tới sự vô lý trong việc tùy tiện chi tiêu tiền bạc của
người khác. Còn về cái giá trị hay hiệu quả của "Quốc hội Việt Nam" ra
sao đối với đất nước, xã hội?
Chỉ cần lược qua lịch sử của "Quốc hội Việt Nam" từ năm 1954 tới nay
chúng ta cũng thấy cái "Quốc hội Việt Nam" chỉ như một con sen, một con
dấu triện cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về mặt chính sách tổng quát, mọi nghị quyết lớn của "Quốc hội Việt
Nam" cho đất nước đều chỉ thấy chạy sau các cương lĩnh, nghị quyết của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam quyết đánh miền Nam
thì "Quốc hội Việt Nam" cũng hô hào đánh chiếm miền Nam. Nếu Đảng Cộng
sản Việt Nam hục hặc, xung đột với Trung Cộng thì "Quốc hội Việt Nam"
cũng kêu gào đánh Tàu xâm lược. Nhưng khi Đảng Cộng sản Việt Nam ký kết
những công hàm, văn kiện để ve vãn Trung Cộng, nhường chủ quyền, lãnh
thổ cho Trung Cộng như công hàm Phạm Văn Đồng 1958, các hiệp định biên
giới năm 1999, hiệp định vùng biển năm 2000 thì "Quốc hội Việt Nam" lại
hoàn toàn im lặng, như không biết. Trong vài năm gần đây, trước sự xâm
lấn, gây hấn hết sức ngang ngược của Trung Cộng và trước việc Đảng Cộng
sản Việt Nam trấn áp ngang nhiên những người yêu nước thì "Quốc hội Việt
Nam" lại cũng hoàn toàn lặng thinh như một cơ quan không có người.
Không chỉ có thế, "Quốc hội Việt Nam" còn là nơi để cho Đảng Cộng sản
Việt Nam thử nghiệm các kỹ xảo mỵ dân, đánh lạc hướng dư luận, reo rắc
thêm hy vọng hão huyền hoặc chỉ là nơi để cho một số nhân vật, phe phái
trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trình diễn, phô trương quyền lực,
thanh thế.
Như quí vị, quí bạn đã thấy, những phiên chất vấn và trả lời chất vấn
được truyền hình trực tiếp là một tiết mục mới của "Quốc hội Việt Nam"
từ hơn chục năm qua. Tiết mục này thực là một điều mới và rất hấp dẫn
đối với dân chúng. Nhưng việc hỏi cái gì và đáp như thế nào đều là những
kịch bản được soạn sẵn với sự phê duyệt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hay bài phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng về việc từ chức cách đây hơn
một năm thì thực chất chỉ là một động thái để xoa dịu sự bức xúc của dân
chúng và là một cơ hội để Nguyễn Tấn Dũng khẳng định uy lực cá nhân bản
thân.
Hoặc mấy ngày qua, ông Nguyễn Hòa Bình, cựu thiếu tướng công an, vừa
là đại biểu quốc hội, vừa là viện trưởng viện kiểm sát nhân tối cao có
đề xuất về việc quốc hội phải kiểm soát việc mua vũ khí của chính phủ.
Đề xuất này có hình thức rất trách nhiệm và xác đáng trong việc ước chế
quyền lực và kiểm soát chi tiêu công. Nhưng cũng giống như những điều kể
trên, ý kiến của ông Nguyễn Hòa Bình này có được bao nhiêu thành thật
khi ông ta vẫn là đồng đảng với cả chính phủ?
Và tại sao tuyệt đại đa số thành viên của "Quốc hội" đều là đồng đảng, đồng hội đồng thuyền với nhau?
Như thế chúng ta có thể hiểu: "Quốc hội Việt Nam" rất sợ bị lật tẩy
các màn kịch nếu để cho người ngoài đảng có mặt nhiều hơn. Và khi đó họ
cũng sẽ rất khó tiêu tiền dân một cách vô tội vạ được nữa.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(24/11/2013)
No comments:
Post a Comment