Friday, November 22, 2013

Tin tức ngày thứ Sáu, 22.11.2013

VN GIA TĂNG VIỆC HỢP TÁC KHAI THÁC DẦU KHÍ VỚI ẤN ĐỘ Ở BIỂN ĐÔNG

Vào hôm qua, nhân chuyến công du tại Ấn Độ, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã ký kết một hiệp định gia tăng khai thác dầu khí với Ấn Độ ở Biển Đông, nơi đang diễn ra các tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng. Hiệp định này cho phép Ấn Độ thăm dò thêm 3 khu vực có tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa VN.

Ngay lập tức Trung Cộng lên tiếng phản đối hiệp định này, trong khi giới báo chí Ấn Độ nhận định là hai nước Việt - Ấn đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ về quốc phòng và kinh tế nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Cộng trong khu vực.
Phát biểu sau lễ ký kết hiệp định, Thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố VN là một đối tác quan trọng trong chính sách "Tiến về phương Đông" của Ấn Độ. Ông Singh cho biết thêm là Ấn Độ sẽ cho VN vay 100 triệu Mỹ kim để mua một số tàu tuần duyên.
Song song với hiệp định dầu khí nói trên, hai nước cũng ký kết một bản thỏa thuận chung, theo đó thì tập đoàn điện lực Tata của Ấn sẽ giúp xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng, với công suất lên đến 1300 MW và phí tổn là 1 tỷ 800 triệu Mỹ kim.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG HỨA HẸN SẼ GIẢI QUYẾT TOÀN BỘ SỐ NỢ XẤU

Trong báo cáo đọc trước quốc hội vào chiều hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn là sẽ giải quyết xong toàn bộ số nợ xấu lên đến 5 tỷ Mỹ kim trong vòng hai năm tới. Mặc dù thú nhận là thị trường bất động sản hiện chưa phục hồi, nhưng ông Dũng tin rằng mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ đạt được 5.8% và lên đến 6% trong năm tới.
Trả lời một số chất vấn, ông Dũng thừa nhận trách nhiệm yếu kém của nhà cầm quyền trong việc kiểm soát ngành thủy điện, đã dẫn đến những vụ lụt lội nghiêm trọng hiện nay, và hứa hẹn sẽ đình chỉ xây dựng những dự án thủy điện nguy hiểm.
Tuy nhiên, ông Dũng không có thời gian trả lời về tình hình tham nhũng và những vụ án lớn vẫn chưa được giải quyết, đang khiến cho người dân mất niềm tin vào chế độ. Ông Dũng hứa hẹn là sẽ trả lời bằng văn thư về những câu hỏi liên quan đến quốc nạn này.

VỊNH CAM RANH KHÔNG CÒN QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI HOA KỲ

Một chuyên gia quốc tế về tình hình VN vừa đưa ra nhận định là cảng Cam Ranh đã không còn nắm giữ vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, sau chiến dịch cứu trợ nhanh chóng và thiết thực của quân đội Mỹ ở Philippines sau siêu bão Hải Yến.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về VN thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng, việc Hoa Kỳ có thể phản ứng rất nhanh tại Philippines là vì quân đội hai nước thường xuyên diễn tập các cứu trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai.
Chiến dịch cứu trợ sau bão Hải Yến cũng cho thấy sự thành công của Phi trong chính sách siết chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và cho phép quân đội Mỹ gia tăng việc trú đóng trên đất Phi. Điều này khiến cho vịnh Cam Ranh, một căn cứ cũ Hoa Kỳ trong cuộc chiến VN, đã trở nên không cần thiết vì lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đã chứng tỏ được khả năng nhanh nhẹn trong việc phối hợp với các nước Đông Nam Á như Indonesia và Philippines trong các đợt thiên tai và chống khủng bố trong mấy năm qua.

INDONESIA ĐÌNH CHỈ CÁC HỢP TÁC QUÂN SỰ VỚI NƯỚC ÚC

Trước lập trường nhất quyết không xin lỗi của Thủ tướng Úc, chính phủ Indonesia đã ra lệnh đình chỉ mọi hợp tác quân sự với Úc để trả đũa việc cơ quan tình báo Úc từng nghe lén điện thoại của tổng thống Indonesia vào năm 2009.
Tổng thống Susilo Yudhoyono của Nam Dương ra lệnh tạm ngưng các hợp tác chống buôn người, trao đổi tin tức tình báo và các cuộc diễn tập quân sự giữa hai nước.
Cần biết là vụ này khởi nguồn từ các tài liệu do một nhân viên quốc phòng Mỹ khi ra về các vụ nghe lén trên thế giới. Vào năm 2009, cơ quan tình báo Úc đã nghe lén các cú điện thoại của hai vợ chồng ông Yuhoyno. Tuy nhiên đương kim thủ tướng Úc khi ấy là ông Kevin Rudd thuộc đảng Lao Động, trong khi Thủ tướng Tony Abbott chỉ vừa lên nhậm chức vào tháng 7 năm nay.

TRUNG CỘNG ĐÒI HỎI ÂU CHÂU MỞ CỬA CHO CÁC CÔNG TY TRUNG QUỐC TRÀN VÀO

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vào hôm qua kêu gọi khối Âu châu hãy dẹp bỏ các kiểm soát nghiêm ngặt để tạo điều kiện cho các công ty Trung Cộng vào làm ăn ở Âu châu.
Phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh Trung Cộng và Âu châu, họ Tập tuyên bố là hai bên nên chống lại các hình thức bảo vệ thị trường nội địa, và hy vọng khối Ấu châu sẽ tạo ra một không gian thuận lợi cho các công ty Trung Cộng tiến vào làm ăn.
Cần nói thêm, khối Âu châu là đối tác lớn nhất của Trung Cộng, ngược lại thì Trung Cộng chỉ là đối tác thứ nhì của khối Âu châu sau nước Mỹ. Mối quan hệ giữa Trung Cộng và Âu châu đã trở nên căng thẳng trong thời gian qua sau một loạt các tranh chấp về thương mại, đến từ các sản phẩm như sắt thép, rượu vang và các tấm quang điện.

No comments:

Post a Comment