CPJ MỞ CHIẾN DỊCH ĐÒI TRẢ TỰ DO CHO ĐIẾU CÀY – NGUYỄN VĂN HẢI
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả Thế giới, gọi tắt là CPJ, vừa phổ biến một thỉnh
nguyện thư kêu gọi nhà cầm quyền VN phải trả tự do cho blogger Điếu Cày
– Nguyễn Văn Hải, một tù nhân lương tâm đang thọ án 12 năm về tội danh
gán ghép "tuyên truyền chống nhà nước".
Cần nhắc lại, blogger Điếu Cày là một sáng lập viên của Câu lạc bộ
Nhà báo Tự do, một trang mạng thảo luận về các đề tài chính trị, bất
công xã hội, cũng như phản đối việc Trung Cộng xâm lấn Biển Đông. Vào
ngày 26/11 tới đây, Điếu Cày là một trong 4 người sẽ được CPJ trao tặng
giải thưởng Tự do Báo chí năm 2013.
Giám đốc điều hành chi nhánh CPJ ở Á châu cho biết, đây là lần đầu
tiên tổ chức này phát động chiến dịch ký thỉnh nguyện thư để can thiệp
cho một nhà báo VN, và Điếu Cày được chọn là một khuôn mặt tiêu biểu
trong số hàng trăm blogger đã bị bạo quyền VN bắt giam trong những năm
vừa qua. Tổ chức ký giả quốc tế này hy vọng là trong ngày trao giải
thưởng, thỉnh nguyện thư sẽ có nhiều chữ ký của những người nổi tiếng
trên thế giới.
VIỆT NAM THÚ NHẬN KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT MẠNG LƯỚI INTERNET
Bộ trưởng Thông tin csvn Nguyễn Bắc Son vào hôm qua thú nhận là bạo
quyền CSVN không thể kiểm soát được mạng internet, lý do là nhiều trang
mạng được thiết lập trên các hệ thống ở ngoại quốc nên không nằm trong
sự khống chế của nghị định 72.
Ông Son trình bày trước phiên họp quốc hội là nhà nước cũng vừa ban
hành một nghị định mới, mang số 159, có hiệu lực kể từ đầu năm tới. Nội
dung sẽ phạt vạ thật nặng những vụ vi phạm trong ngành xuất bản và báo
chí, với mức phạt có thể lên đến 500 ngàn đồng nếu loan tin mà không
trích dẫn nguồn tin đến từ đâu.
NỀN NÔNG NGHIỆP VN ĐANG SUY THOÁI, GIỚI NÔNG DÂN ĐANG LAO ĐAO
Trong buổi trả lời chất vấn của quốc hội vào hôm qua, bộ trưởng nông
nghiệp Cao Đức Phát thừa nhận là mức tăng trưởng nông nghiệp đang suy
giảm và đời sống nông dân ngày càng khó khăn. Tuy nhiên ông Phát không
thể giải thích nguyên nhân nào dẫn đến tình hình bi đát này, và cũng
không đưa ra được một giải pháp cụ thể nào để giải quyết.
Cần biết rằng, hơn 70% dân số VN là sống ở vùng nông thôn, và nông
nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế VN. Tuy nhiên theo thống kê,
mức tăng trưởng nông nghiệp trong năm nay chỉ vào khoảng 3%, và hầu hết
các nông sản chủ lực như gạo, cà phê, cá tra đều gặp khó khăn trong việc
xuất cảng, hay đều rơi vào tình trạng "được mùa thì mất giá".
Thế nhưng cũng vào hôm qua, trả lời câu hỏi là "liệu 5 năm nữa VN có
bằng Thái Lan hay không?", bộ trưởng khoa học công nghệ Nguyễn Quân hùng
hồn tuyên bố là kỹ thuật canh tác của VN không thua kém Thái Lan và đến
năm 2020 có thể vượt qua mặt nước này. Cũng cần nhắc lại, vào thời kỳ
gần 40 nằm về trước, trước khi csvn cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, thì
nền kinh tế ở miền Nam Việt Nam đã vượt hẵn Thái Lan về mọi mặt.
BỘ GIAO THÔNG VN LẠI ĐƯA RA KẾ HOẠCH "MOI TIỀN" CỦA DÂN
Bộ giao thông VN vừa đệ trình kế hoạch hạn chế lưu thông tại Sài Gòn
và Hà Nội, bằng hai loại lệ phí mới là "lệ phí lưu hành nội đô" và "lệ
phí đậu xe". Có nghĩa là nếu chạy vào trung tâm thành phố, giới chủ xe
phải mua vé lưu thông và nếu muốn đậu xe thì cũng phải mua vé.
Bộ giao thông VN khẳng định rằng, với hai lệ phí mới này, số lượng xe
gắn máy sẽ giảm đáng kể và sẽ khuyến khích được người dân gia tăng xử
dụng hệ thống chuyên chở công cộng.
Theo tính toán của một chuyên gia, thì cộng thêm các lệ phí mới này,
một chủ nhân xe gắn máy sẽ phải đóng tổng cộng 10 loại lệ phí giao thông
mỗi năm, với tổng số tiền lên đến 31 triệu đồng, tức khoảng 1500 Mỹ
kim.
DÂN TRUNG LƯU HỒNG KÔNG ÀO ẠT BỎ NƯỚC RA ĐI
Thế giới đang chứng kiến một làn sóng di tản ra ngoại quốc của người
dân Hồng Kông vì không thể sống dưới sự cai trị của đảng cộng sản Trung
Quốc.
Cần nhắc lại là trước khi nước Anh giao trả nhượng địa này cho Trung
Cộng vào năm 1997, giới trung lưu Hồng Kông đã ào ạt di dân sang Mỹ, Úc
và Canada. Làn sóng di tản này giảm dần, thậm chí là nhiều người đã quay
về sau khi Trung Cộng cam kết tôn trọng quy chế bán tự trị tại lãnh địa
này.
Tuy nhiên những chính sách hà khắc của Trung Cộng trong mấy năm qua,
cộng với sự phản cảm đối với những người Hoa đến từ lục địa, đã khiến
người dân Hồng Kông cảm thấy ngột ngạt hơn và quyết định phải bỏ nước ra
đi. Thống kê mới nhất cho biết là số lượng di dân ra nước ngoài đã tăng
gấp 6 lần so với năm ngoái.
No comments:
Post a Comment