Thứ Ba, ngày 19.11.2013
Dưới chế độ người bóc lột người của
CSVN thì chính sách an sinh xã hội bị đem ra làm bình phong cho tham
nhũng như thế nào?. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin
gửi đến quý thính giả bài viết của Ms. Nguyễn Trung Tôn có tựa đề:
“Chính Sách An Sinh Xã Hội Trong Nền Dân Chủ Giả Hiệu” sẽ được Tâm Anh
trình bày để tiếp nối chương trình tối nay.
An sinh xã hội là chính sách nhằm bảo đảm mức sống và các dịch vụ tối
thiểu cho đại khối dân chúng và góp phần giảm bớt sự chênh lệch giầu
nghèo quá lớn trong xã hội. Nhưng tại Việt Nam hiện nay thì chính sách
này lại là một trong những nguyên nhân gây thêm nhiều mâu thuẫn và uất
hận trong xã hội. Nó còn tạo ra nhiều cơ hội cho những kẻ đục nước béo
cò vơ vét ngân sách nhà nước.
Một trong những nhức nhối lớn nhất gần đây về dân sinh là vấn đề y
đức. Mức bê tha của đạo đức trong ngành y đã đến độ báo động liên tục và
vô cùng cấp bách. Sau những vụ gây chấn động dư luận trong tháng 10
chưa lắng xuống thì sáng ngày 5/11/2013, cháu Hồ Thị Trinh hơn 2 tháng
tuổi ở Hướng Hóa Quảng Trị lại phải nhập viện vì đã bị tiêm chủng loại
vaccine Quinvaxem "5 trong 1" tại Trạm y tế xã A Dơi trước đó. Cháu đã
tử vong vào ngày 10/11. Rồi tiếp theo là trường hợp chị Nguyễn Thị Hương
(SN 1988, thôn 6, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tử
vong do bị các bác sĩ cắt ruột thừa nhầm phải ruột già.
Trong những năm gần đây, người dân được nghe nhiều chính sách mới của
nhà nước mà theo các tuyên bố là nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách
trong lĩnh vực an sinh xã hội như: Xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa,
ưu đãi người có công cách mạng, trợ cấp cho người cao tuổi, trợ cấp cho
người khuyết tật... Trên giấy tờ tất cả nghe đều hay, đều tốt. Nhưng
trên thực tế thì các chương trình này chỉ tạo cơ hội cho những người có
chức có quyền ăn bẩn ngân sách quốc gia và lại tạo thêm bất mãn trong
nhân dân vì ngân sách đó chính là tiền thuế vắt ra từ dân. Tóm tắt là
dân đã nghèo nay lại phải nộp thêm tiền cho cán bộ giàu, nhân danh các
dịch vụ an sinh xã hội mà người dân không được hưởng.
Đây là tình trạng bất trị vì kẻ lập ra chương trình, cung cấp ngân
khoản cho chương trình, thực hiện chương trình và thanh tra việc thực
hiện đều cùng là một nhóm và đã ăn đồng chia đều với nhau. Không có cơ
quan độc lập nào có thể xen vào. Một hậu quả đặc biệt nguy hại của hệ
thống "đá bóng kiêm thổi còi" này là hiện tượng "hàng giả". Hàng giả bao
gồm cả thuốc giả, bằng bác sĩ giả, điểm thi bác sĩ giả, giờ trực bệnh
viện giả, giấy chứng thương chứng tử giả...v.v....
Một cách tóm tắt, trong xã hội không có dân chủ đa nguyên, các tệ nạn
cứ ngày một trầm trọng vì những kẻ cai trị không thể tự giải phẫu và
người dân không có quyền gì trong tay, chỉ có 2 con đường, đó là hối lộ
hay cắn răng chịu đựng.
Ngay cả khi không trông nhờ gì vào nhà nước và kiếm sống hoàn toàn
bằng sức lao động của chính mình, người dân vẫn không thoát nổi cái lưới
tham nhũng, o ép của những kẻ nắm quyền. Xin kể một thí dụ nhỏ mà một
người bạn tôi ở Đồng Nai, làm việc trong nhà máy mía đường La Ngà, kể
cho tôi biết. Ở quê anh người dân trồng mía bán cho nhà máy mía đường La
Ngà, khi mía tới tuổi thu hoạch thì phải cắt trong một khoảng thời gian
nhất định. Nếu thu hoạch muộn thì mía sẽ bị kém chất lượng. Khối lượng
cũng bị hao hụt. Giá thành bị giảm xuống vì mía ra bông và có bấc. Không
những thế, việc thu hoạc muộn còn ảnh hưởng tới thời vụ sản xuất của
năm sau. Bởi lý do đó, gia đình nông dân nào cũng mong bán ngay khi thời
vụ tới. Tuy nhiên vì diện tích trồng mía của cả vùng rất rộng nên không
phải muốn bán là bán được ngay, kể cả việc bán theo giá kinh tế thị
trường. Các gia đình cán bộ đang có chức có quyền luôn là người được bán
mía trước, còn bà con nông dân phải chấp nhận bán sau. Vì vậy lại sinh
ra nạn đút lót chạy chọt để bán mía trước. Gia đình nào không có khả
năng chạy chọt thì phải chấp nhận thiệt thòi. Người dân nghèo không ai
dám ra mặt lên tiếng vì sợ bị trả thù.
Vì những lý do như vậy nên trong xã hội, khoảng cách giầu nghèo ngày
càng gia tăng giữa những người có chức có quyền và những người cúi đầu
chấp nhận đi bằng đầu gối. Hỡi những người dân Việt Nam yêu kính, chúng
ta chấp nhận sống kiểu này thêm bao nhiêu lâu nữa, thêm bao nhiêu đời
con đời cháu nữa? Đến bao giờ chúng ta mới dám phản đối những trò bóc
lột mới nhân danh "an sinh xã hội", mới dám tiễn đưa chủ nghĩa cộng sản
về với Các Mác, Lê Nin; để xây dựng một nền dân chủ thật sự của dân, do
dân và vì dân?
Nguyễn Trung Tôn
No comments:
Post a Comment