Ông Trần Trường trở lại Mỹ để gây quỹ đòi lại đất tại Việt Nam
Trong buổi họp báo mời truyền thông Việt Ngữ tại San Jose, California, vào thứ bẩy 17 tháng 11, ông Trần Trường cho biết lý do trở về Mỹ là để gây quỹ mướn luật sư đòi lại mảnh đất tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền chiếm đoạt. Ngoài ra ông cũng muốn xin lỗi đồng bào hải ngoại tha thứ cho ông về việc treo cờ CSVN và hình Hồ Chí Minh trong tiệm tại Westminster, California vào năm 1999,
khiến hàng chục ngàn người Việt phẫn nộ và biểu tình suốt 55 ngày đêm. Ông Trường cho biết đã bán tài sản tại Mỹ và đưa gia đình về Việt Nam làm ăn vào năm 2005. Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Trường đã làm ao nuôi cá bán, nhưng bị kiện ra toà và tài sản bị cưỡng chế. Ông ta cũng trình bầy những điều phũ phàng xẩy ra trong 8 năm sống dưới chế độ cộng sản. Ông Trần Trường sẽ trở lại Việt Nam trong vòng 3 tuần, nhưng muốn cầu cứu cộng đồng tị nạn cộng sản lên tiếng giúp ông đòi lại tài sản bị cướp tại Việt Nam. Hiện nay rất nhiều dân oan khiếu kiện nhà cầm quyền Hà Nội suốt bao năm nay nhưng cũng không có kết quả. Điển hình là vụ cưỡng chiếm đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn xẩy ra gần 1 năm nay, nhưng không thấy các lãnh đạo địa phương bị truy tố về tội chỉ huy cướp đất, nổ súng, phá nhà dân, vơ vét tài sản một cách phi pháp.Thêm một thành phố Mỹ sắp ra nghị quyết không tiếp phái đoàn Việt Nam
Thị trưởng Miguel Pulido tại thành phố Santa Ana, thuộc quận Cam, California cho biết sẽ đưa vấn đề không tiếp quan chức từ Việt Nam ra thảo luận vào ngày thứ hai 19 tháng 11 sau khi cộng đồng người Việt thúc dục bắt chước các nghị quyết tương tự tại thành phố Westsminster và Garden Grove vào năm 2004. Thị trưởng Pulido và nghị viên Claudia Alvarez đểu ủng hộ nghị quyết này. Được biết nghị quyết sẽ buộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đến thị trưởng thành phố ít nhất 10 ngày trước khi giới chức Việt Nam đến thăm để cảnh sát có thời gian chuẩn bị đối phó khi có biểu tình xẩy ra. Cảnh sát trưởng Kevin Raney tại Garden Grove cho biết có một lần nghị quyết được áp dụng. Ông kể lại một phái đoàn Việt Nam đang ở Washington DC đã liên lạc về việc ghé tới Garden Grove, nhưng đã bỏ ý định khi được giải thích sự có mặt của họ tại đây sẽ đưa đến cuộc biểu tình phản đối từ cộng đồng người Việt.
Tổ chức nhân quyền quốc tế chê tuyên ngôn nhân quyền của ASEAN
Liên Minh Nhân Quyền Thế Giới, gồm 64 tổ chức nhân quyền, đã lên tiếng chỉ trích bản tuyên ngôn nhân quyền được 10 nước hội viên ASEAN soạn thảo và ký kết tại Cam Bốt vào chủ nhật vì không bao gồm các điều khoản căn bản của tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc được áp dụng hơn 6 thập niên qua. Được biết tuyên ngôn nhân quyền của ASEAN đòi người dân phải hoàn tất trách nhiệm công dân trước khi được bảo vệ, và các nước hội viên được quyết định nhân quyền tùy theo hoàn cảnh. Ông Phil Robertson thuộc tổ chức Human Rights Watch cho rằng các nước hội viên trong khối ASEAN chỉ muốn có tuyên ngôn nhân quyền để trấn an lẫn nhau về tình trạng nhân quyền trong khu vực. Được biết Phi Luật Tân đã vận động vào thứ bẩy để có thêm điều khoản bắt các nước thực thi nhân quyền theo căn bản quốc tế, nhưng các tổ chức nhân quyền cho rằng điều này cũng không thay đổi được gì vì bị các điều khoản khác che lấp. Cam Bốt bị cáo buộc bao năm nay về tình trạng cưỡng chiếm đất của dân và trao cho các nhóm có quyền lực. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho biết hơn 3 trăm người Cam Bốt bị giết vì quan điểm chính trị kể từ khi cuộc nội chiến chấm dứt vào năm 1991 nhưng không một ai bị truy tố. Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn sau khi được gia nhập vào tổ chức mậu dịch thế giới. Miến Điện vẫn đàn áp sắc dân thiểu số hồi giáo, và luật lệ tại Singapaore vẫn quá khắc khe đối với người dân.
Hoa Kỳ cần áp lực Cam Bốt đẩy mạnh tiến trình dân chủ
Ông Brad Adams thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch mong đợi nhiều cải thiện nhân quyền tại Cam Bốt nhân chuyến công du của tổng thống Hoa Kỳ. Ông Adams cho rằng tổng thống Obama cần thẳng thắn chỉ trích thủ tướng Hun Sen về chính sách đàn áp dân chủ, nhân quyền và củng cố quyền lực suốt đời. Thái độ nhẹ nhàng khuyến khích các nước độc tài sẽ không mang lại kết quả như Hoa Kỳ từng chứng kiến trong các cuộc nổi dậy từ Mùa Xuân Ả Rập. Hiện nay đảng cầm quyền tại Cam Bốt thường xuyên hăm doạ, dùng vũ lực và tòa án để đàn áp thành viên các đảng đối lập và người bất đồng chính kiến. Ông Adams kêu gọi tổng thống Obama gây áp lực buộc thủ tướng Hun Sen cho phép bầu cử tự do, thả tất cả tù chính trị và chấm dứt chính sách cưỡng chiếm đất của dân. Các cơ quan hoặc quan chức cao cấp phải bị xử phạt khi lạm quyền. Vào ngày 15 tháng 11, chính quyền Hun Sen đã bắt giam 8 người Cam Bốt sống gần phi trường vì đã vẽ biểu hiệu cầu cứu và hình tổng thống Obama trên nóc nhà với hy vọng trường hợp bị đuổi nhà của họ được biết đến. Các trẻ bụi đời trên hè phố cũng bị nhốt để làm đẹp bộ mặt của thành phố trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu.
No comments:
Post a Comment