Thứ Bảy ngày 24.11.2012
Hoài bão của khoa học gia là tìm chân lý để soi sáng cho trí tuệ và phụng sự con người. Trong khi đó, chính quyền cộng sản chuyên sử dụng các mánh khoé gian dối để phục vụ cho bạo quyền hầu đàn áp con người. Chính vì thế, cộng sản chủ nghĩa và các khoa học gia chân chính thuộc hai chiến tuyến khác nhau. Khoa học gia mà biện minh cho độc tài đảng trị là đã bán lương tâm cho ác quỷ rồi. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Lê Anh Hùng với tựa đề: "Khoa học và Chính trị" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thời gian gần đây, giữa lúc tình hình đất nước đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu hơn trên hầu khắp các phương diện từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục cho đến an ninh - quốc phòng, những phát ngôn sơ sẩy của một vài nhà khoa học kiêm chính trị gia không chỉ khiến cho dân chúng chưng hửng mà còn gây ra nhiều xúc động trong dư luận.
Tiêu biểu cho những bình luận thiếu chín chắn như thế là lời khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, trong một bài viết hơn một năm trước trên báo Nhân Dân: "Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN... khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản", và phát biểu của GS.TS Nguyễn Lân Dũng (hiện là Ủy viên Ủy ban T.Ư. Mặt trận Tổ Quốc) trong cuộc phỏng vấn ngày 15/8/2012: "Ban Chấp hành Trung ương đã đại diện cho toàn nhân dân rồi"!!!
Người ta chưng hửng là vì những "phát ngôn nhân" đó không phải chỉ là những chính trị gia thuần túy, mà họ là những nhà khoa học với đầy đủ học hàm, học vị khiến bao người phải "ngưỡng phục".
Khoa học và chính trị rõ ràng là hai lĩnh vực không mấy tương thích với nhau. Trong khi nhà khoa học, theo đúng nghĩa, luôn nói những gì mà mình tin là đúng về mặt khoa học... thì nhà chính trị lại thường phát ngôn điều mà những người quyết định vận mệnh chính trị của mình muốn nghe, bất kể đó là cử tri trong chế độ dân chủ hay trong chế độ độc tài đảng trị. Trung thực là đức tính tối quan trọng đối với một nhà khoa học, chứ không phải là tấm vé thông hành đắc dụng trong chính trị, đặc biệt là ở các quốc gia cộng sản, nơi mà sự giả dối đã ngự trị ngay từ đầu. Khoa học không cần tới bất kỳ một bộ xiêm y lộng lẫy nào để khẳng định về mình, trong khi chính trị - từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây - luôn là một nghệ thuật, một loại hình "sân khấu" với đủ kiểu "diễn viên", chính diện cũng như phản diện.
Giáo sư Tạ Quang Bửu và GS. Nguyễn Minh Thuyết là những nhà khoa học kiêm chính trị gia tiêu biểu đã để lại dấu ấn của mình trên chính trường Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Họ đều là những người được biết đến với bản tính bộc trực, thẳng thắn và trên hết là vì dân, vì nước. Vài ví dụ đó đủ cho chúng ta thấy những nhà khoa học thành công trong chính trị ở Việt Nam là không hề thiếu, dù dưới chế độ độc tài đảng trị thì đây là điều không đơn giản chút nào. Ngay cả với GS Nguyễn Đình Tứ, một người vẫn được đánh giá cao cả về tài năng lẫn nhân cách và là nhà khoa học duy nhất được "vinh dự" đặt chân vào Bộ Chính trị, người ta cũng thấy tiếc cho ông như một nhà khoa học xuất chúng của nước nhà.
Bất luận thế nào, giới khoa học cũng là "hiền tài" và "nguyên khí" của quốc gia. Cách đây ngót 70 năm, nhiều nhà khoa học xuất chúng của Việt Nam đã dấn thân và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả, chí công vô tư trước tình thế "dầu sôi lửa bỏng" của nước nhà. Tài năng là một khái niệm khó lượng định, song nhân cách xem ra lại không khó đến vậy, như đại thi hào Nguyễn Du xưa vẫn tâm niệm: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Lịch sử dường như lại một lần nữa đặt lên vai các nhà khoa học chân chính trong và ngoài nước một sứ mệnh nặng nề mà cao cả, bất kể họ có tham gia vào sân chơi chính trị hay không. Bởi, chính họ, những tinh hoa của giống nòi, là những người đầu tiên nhận ra đâu là căn nguyên của tình trạng tụt hậu, trì trệ và rối ren hiện nay của nước nhà./.
Lê Anh Hùng
No comments:
Post a Comment