Hệ thống pháp lý CSVN có hai vấn nạn căn bản: Thứ nhất là hiến pháp và luật pháp ngang nhiên vi phạm nhân quyền. Thứ hai là ngay cả trong trường hợp luật pháp quy định một nhân quyền căn bản, thì các cơ quan hữu trách vẫn xem không ra gì, vì truyền thống độc tài vô pháp vô thiên của chế độ. Ví dụ điển hình là "quyền im lặng trong tố tụng hình sự", vốn là một nhân quyền then chốt trong luật hình sự tại các quốc gia dân chủ. Quyền này, tuy không minh thị, nhưng tiềm ẩn trong các điều 48 & 49 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (TTHS), đã không được các cơ quan điều tra CSVN tôn trọng. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Luật sư Nguyễn Văn Đài với tựa đề: "Quyền im lặng trong Tố tụng hình sự" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Hầu hết các nước trên thế giới, công dân của họ đều có quyền im lặng và quyền có luật sư. Điều này được qui định cụ thể trong luật và không phân biệt đó là vụ án hình sự bình thường, vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia hay liên quan đến chính trị. Nếu các quyền này không được tôn trọng thì bản án sẽ bị hủy bỏ vì không có giá trị.
Ở Việt Nam, quyền im lặng không được qui định trực tiếp và rõ ràng trong Bộ luật Tố Tụng Hình Sự. Nhưng trong điều 10 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự qui định: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội."
Theo qui định này có nghĩa là bất kỳ công dân nào khi bị tạm giữ, tạm giam, bị đưa ra xét xử không cần thiết phải đưa ra những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh là mình vô tội. Tức là không có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra như: Ngày hôm đó anh, chị ở đâu và làm gì? Hôm đó anh, chị đi đâu và gặp ai hay có biết người này, người kia không?... Và những câu hỏi tương tự như vậy. Đó là việc của cơ quan điều tra phải đưa ra chứng cứ để chứng minh rằng ngày đó, vào thời điểm đó người đang bị điều tra có mặt hay có liên quan đến địa điểm và thời gian sảy ra một vụ án nào đó, có liên quan đến một nghi can nào đó.
Qui định này còn có nghĩa là người đang bị tạm giữ, tạm giam để điều tra có quyền im lặng trước các câu hỏi của cơ quan điều tra hoặc có quyền bác bỏ các chứng cứ cáo buộc đó mà không có nghĩa vụ phải chứng minh ngược lại.
Việc người bị tạm giữ, tạm giam để điều tra thực hiện quyền im lặng của mình, cương quyết không chịu hợp tác với cơ quan điều tra có bị xử lý nặng hơn các trường hợp thông thường khác khi bị đưa ra tòa xét xử hay không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bởi vì:
Thứ nhất, điều 48, 49 Bộ luật TTHS qui định người bị tạm giữ, tạm giam được quyền trình bày lời khai. Đó không phải là nghĩa vụ. Tức là người bị tạm giữ, tạm giam có quyền im lặng trong suốt quá trình tố tụng.
Thứ hai, trong điều 48 Bộ luật hình sự không qui định hành vi "ngoan cố", "im lặng không khai báo" là lý do tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Tại sao người bị tạm giữ, tạm giam nên thực hiện quyền im lặng của mình?
Phần lớn người bị tạm giữ, tạm giam có sự hiểu biết hạn chế về pháp luật, trong khi phải đối diện một mình với các điều tra viên được đào tạo bài bản và đầy kinh nghiệm. Đồng thời những người bị tạm giữ, tạm giam đang bị khủng hoảng tinh thần, đang lo lắng, nên dễ dàng rơi vào "bẫy" của điều tra viên để cung cấp lời khai theo ý của họ. Tới khi luật sư được tiếp cận hồ sơ thì mọi việc đã rồi, cho dù luật sư có cực kỳ tài giỏi cũng không thể làm thay đổi quan điểm của cơ quan điều tra. Vì thế, người bị tạm giữ, tạm giam nên im lặng trước mọi câu hỏi, trước sự đe dọa hay dụ dỗ của các điều tra viên... để khi bình tĩnh trở lại, sẽ sáng suốt trong mọi tình huống, nếu không, chính mình tự kết tội mình.
Người bị tạm giữ, tạm giam nên làm gì?
Yêu cầu cơ quan điều tra tôn trọng quyền công dân, danh dự, nhân phẩm của mình... vì lúc đó người bị tạm giữ, tạm giam chưa hoàn toàn bị mất quyền công dân.
Yêu cầu cơ quan điều tra không được xúc phạm, đe dọa.
Yêu cầu cơ quan điều tra liên lạc với gia đình và người thân của mình, thông báo việc mình đang bị tạm giữ, tạm giam. Thông báo gia đình thuê luật sư để bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.
Thực hiện quyền im lặng của mình cho đến khi luật sư có mặt, lúc ấy sẽ tham khảo ý kiến luật sư điều gì cần trả lời hoặc không cần trả lời.
Người bị tạm giữ, tạm giam cần phải kiên định, vững vàng đến khi bị đưa ra tòa, bất chấp sự đe dọa, dụ dỗ của các điều tra viên, cho dù thời gian tạm giữ, tạm giam kéo dài bao lâu.
IM LẶNG là quyền con người trong Tố Tụng Hình Sự. Cơ quan điều tra phải tôn trọng sự im lặng của người bị tạm giữ, tạm giam là tôn trọng quyền con người.
No comments:
Post a Comment