Thứ Ba ngày 20.11.2012
"Góc khuất cuộc đời" là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài. Mời quí thính giả lắng nghe Chuyện những người bám biển ở Bình Minh, phóng sự này do Việt Trung thực hiện, qua giọng đọc Hướng Dương.
Nói họ là những người bám biển, là những người đứng ở đầu sóng, ngọn gió để vận động sinh nhai, điều này không sai, nhưng ngoài ý nghĩa sinh nhai, dường như họ tự đeo mang một sứ mệnh lớn lao mà câu chuyện đầy gió, sóng, nước mắt, mồ hôi và máu của họ mới nghe tưởng chừng không phải sự thật, khó mà tin được: Sứ mệnh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Người xưa thường nói "lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm", đúng vậy, với mỗi chuyến ra khơi dài dằng dặt suốt ba tháng trời, lênh đênh giữa biển khơi, tịnh không bóng người, không bóng cây, chỉ thấy mênh mông là nước, xa tít là chân trời, và xa hơn chút nữa là mối nguy từ thiên nhiên, từ con người đang rình rập. Tuy khó khăn trăm bề nhưng những ngư dân bám biển vẫn không thể bỏ biển lên bờ, đời sống của họ đã gắn liền với biển, máu huyết của họ mang mùi hăng của muối, của biển trời thiêng liêng.
Anh Hà Thoại, một ngư dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam kể với chúng tôi:
Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vốn là một xã đặc biệt nhất trong tỉnh bởi nó có địa thế hiểm trở, nằm sát biển và có những con người, những số phận, những tính cách kỳ lạ. Họ yêu biển, sống, chết với biển và trở thành một phần không thể thiếu của đại dương bởi vì đại dương đã lấy đi niềm vui, sự may mắn cũng như tình yêu, lẽ sống của họ.
Nói nghe vô lý, mà đó là sự thật, nó thật một trăm phần trăm bởi một trăm phần trăm người dân trong xã này, không có người nào là không làm nghề biển, và họ, một trăm phần trăm có người thân mất tích trên biển, một trăm phần trăm đau khổ vì biển nhưng không thể rời bỏ biển cả.
Bão Chanchu, cơn siêu bão Thái Bình Dương năm 2006 đã cướp đi hơn 150 sinh mạng của xã Bình Minh và để lại những hậu quả vô cùng thảm khốc, con mất cha, em mất anh, vợ mất chồng, có những người vợ chờ chồng mãi không thấy về, hóa điên loạn, được đưa vào bệnh viện tâm thần, vài tuần sau lại nhảy lầu tự tử. Cuối cùng, bỏ lại đàn con nhỏ bơ vơ, mồ côi.
Mỗi một chuyến ra khơi, giã biệt vợ con, người thân, những chàng trai biển bắt đầu hành trình của mình, thằng tiến về Trường Sa, ngư trường lớn của Việt Nam, mảnh đất thiêng mà mỗi khi đến nơi, việc đầu tiên của mỗi ngư dân là đốt nhang, tưởng nhớ công ơn của những người lính đảo đã một lần đi không trở lại, đã hòa máu thịt vào đại dương để giữ phần biển đảo tổ quốc.
Thường, hành trình của vạn chài bắt đầu từ âu thuyền, xuất bến, ra biển Đông và ra Trường Sa, ở đó, chạng vạng tối, họ ngừng mọi công việc trong giây lát để thắp nhang những linh hồn mộ gió của lính biển hy sinh cho quốc gia, dân tộc, sau đó họ bủa thúng chài theo hướng gió. Vị trí đầu ngọn gió được họ chọn cách những điểm bị Trung Quốc chiếm đóng chừng 16, 17 hải lý. Bủa thúng chài xong, họ cho thuyền trôi lênh đênh theo gió và thúng chài cũng trôi lênh đênh theo gió suốt đêm. Sáng mai, thuyền chài nổ máy, tăng tốc đi tìm những bạn chài trên thúng. Một đêm câu mực được bắt đầu và kết thúc như vậy.
Ông Trần, một thuyền viên đánh cá ở Trường Sa nói rằng chuyện bị tàu Trung Quốc đổi bắt là chuyện như cơm bữa, không có gì xa lạ. Vấn đề của ngư dân là phải đánh bắt ngay trong khu vực mà cha ông của họ đã từng bỏ xương máu để bảo vệ. Họ quyết tâm làm việc, đánh bắt ngay trong khu vực nguy hiểm mà chưa chắc đã có sản lượng cao không phải vì chén cơm, manh áo trước mắt mà họ làm vậy vì tương lai, vì một ngư trường Việt Nam rộng lớn cho con cháu mai hậu. Chính vì vậy mà họ không quảng khó khăn, không sợ chết, chấp nhận mọi nguy hiểm, rủi ro để giữ Trường Sa.
Một người yêu cầu giấu tên nói với chúng tôi rằng mỗi khi ngồi vào thúng chài, lênh đênh theo con sóng, anh luôn cầu nguyện cha ông ban cho anh được bình an, câu được nhiều mực để có tiền mà nuôi vợ con và ban cho anh sức mạnh kiên cường để bám biển, giữ phần máu thịt quê hương. Giữa biển mênh mông anh không thấy cô đơn, hiu quạnh.
Nhưng khi lên bờ, giữa thế giới con người phù hoa, anh thấy rất cô đơn, bởi dường như không có mấy người thấy được nỗi đau đang mất dần phía biển của quê hương, và ngay cả chính phủ, nhà nước, dường như cũng đang bán non, bán vội và bán đứng phần biển đảo, máu thịt của tổ tiên Việt Nam.
No comments:
Post a Comment