Thứ Sáu ngày 23.11.2012
Kết thúc chương trình là tiết mục Lá Thư Tuổi Trẻ do Phùng Kiên phụ trách. Mời quý thính giả nghe Thư Của Hồng Sơn Gửi Thầy Đinh Đăng Định qua giọng đọc của Hải Nguyên
Thầy kính mến!
Em không phải là học trò được thầy trực tiếp giảng dạy, em vốn là một học sinh nghèo ở tận Phong Điền, Thừa Thiên Huế, cách xa ngôi trường thầy dạy gần một ngàn cây số. Nhưng thưa thầy, em nghĩ rằng khoảng cách không gian, địa lý không thể là rào cản trong thời đại này, khi mà ý nghĩ, tư tưởng và nhân cách, phẩm hạnh con người có thể vượt thoát khỏi mọi rào cản, chướng ngại vật, kể cả nhà giam.
Thưa thầy, ngày Nhà Giáo Việt Nam năm nay chán lắm, sự chán nản của chúng em đã manh nha cách đây vài năm, nhưng nó cụ thể vào năm nay, năm mà em trực nhận cuộc sống, xã hội một cách rõ nét. Có thể nói, chưa bao giờ nền giáo dục Việt Nam lại rơi vào khủng hoảng, đạo đức nhà giáo lại xói mòn như bây giờ thầy ạ! Khi em nói như vậy, thầy cho em xin lỗi riêng thầy và những người còn tâm huyết, còn đạo đức, lương tri nghề nghiệp giống như thầy.
Có thể nói rằng, hai chữ "người thầy" thời cha mẹ, anh chị em đi học được đặt lên vị trí thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hai chữ ấy vừa mang tính đạo đức xã hội, vừa mang tính tâm linh. Tính đạo đức xã hội biểu lộ rõ nét trong quá trình giáo dục, truyền thụ cho học trò, người thầy luôn đóng vai trò mẫu mực, biểu tượng của đạo đức, của những chuẩn mực nhân cách mà người học trò cần trang bị để bước vào tương lai.
Chính vì lẽ ấy, người thầy luôn là một trí thức tỉnh thức, hướng học trò đi đúng đường để thụ đắc những kĩ năng, phẩm hạnh cần thiết cho một con người đích thực. Sự khiêm cung, cần kiệm, thanh liêm và hào khí của người thầy luôn đóng vai trò bản mẫu đối với học trò, giúp học trò vượt qua những tiếng gọi bản năng tục lụy, vượt qua những thói hư, tật xấu luôn rình rập để đi đến sự hoàn thiện nhất định. Và, muốn có những học trò đầy đủ đạo đức, nhân cách, người thầy luôn là mẫu mực đạo đức, là đích nhân cách của học trò.
Vô hình trung, hình ảnh người thầy, xưa một chút là những ông giáo làng đã khắc sâu vào tâm linh con người, thành những điểm sáng thanh đạm, cao khiết và đáng kính của học trò nói riêng và xã hội nói chung. Ngày Nhà Giáo Việt Nam, khái niệm ấy trở nên thiêng liêng, cao đẹp và ẩn chất sự mang ơn của những ai còn biết coi trọng ý nghĩa làm người. Một đóa hoa, một lời cầu chúc sức khỏe gửi đến thầy cô, một chiếc bánh, một bộ ấm trà được học trò kính cẩn dâng biếu thầy trong ngày này, ngoài ý nghĩa về giềng mối, thứ bậc và lòng biết ơn, còn mang ý nghĩa về sự thức tỉnh tâm linh thông qua ấn định thời gian, ấn định giao tiếp giữa những học trò đã sang sông với người thầy, ông lái đò, hay nói cách khác là bến bờ nhân cách.
Rất tiếc, những yếu tố đạo đức xã hội, tâm linh trong quan hệ thầy trò bây giờ không còn nữa, thay vào đó là quan hệ thầy trò xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ nói thầy trò xã hội chủ nghĩa vì chỉ có trong thời đại cộng sản xã hội chủ nghĩa như bây giờ mới có loại quan hệ thầy trò mà một ông hiệu trưởng đi dụ dỗ nữ sinh đi bán dâm cho quan chức cấp tỉnh để mua chuộc, nịnh bợ hầu thăng quan tiến chức như Sầm Đức Xương, trong thời đại mà ông thầy luôn khuyên học trò cố gắng đi học thêm, học để có cái chữ mà sau này cầm tấm bằng, làm kiếm vài triệu đồng hoặc vài chục triệu đồng mỗi tháng. Một thứ quan hệ mua bán con chữ một cách thô thiển và đồi trụy đúng nghĩa!
Và cũng chỉ có thời đại cộng sản xã hội chủ nghĩa mới có chuyện mua bằng, bán chức, một đất nước còn đang nghèo đói, vừa thoát mù chữ nhưng đã có vài triệu tấm bằng từ đại học đến cao học nằm trong tay giới cán bộ nhà nước. Một đất nước mà con nhà nghèo phải còng lưng học thêm, còng lưng lo lót thầy cô để có cái chữ, rồi còng lưng vào đại học để rồi khi tốt nghiệp không biết làm gì vì kiến thức đang có đã quá lạc hậu so với mặt bằng tri thức nhân loại. Một đất nước mà đến ngày Hiến Chương Nhà Giáo, phụ huynh học sinh phải cuống cuồng chạy vạy kiếm tiền mua quà cho con mình biếu thầy cô, có đói cũng phải lo quà cáp, hết thầy toán lại đến thầy lý, thầy địa, thầy văn, thầy sử... kính thưa các loại thầy!
Thử hỏi, với đà phát triển giáo dục như vậy, với nhân cách bị xói mòn thậm tệ trong giới thầy cô như vậy, với sự khủng hoảng từ trên xuống dưới như vậy, liệu học trò có đủ dũng khí để tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp? Liệu học trò có đủ niềm tin vào biểu tượng nhân cách, vào sự tốt đẹp của xã hội?
Ngay trong việc hiệu trường Sầm Đức Xương, cho đến bây giờ, ông Thủ tướng Chính phủ, ông Bộ trưởng Giáo dục, ông Chủ tịch nước vẫn chưa đứng ra xin lỗi toàn thể quốc dân. Vì đó là lời xin lỗi cần thiết, thể hiện trách nhiệm của một người lãnh đạo, một người điều hành đất nước, một người đầu ngành đã chểnh mảng, đã để một kẻ vô học, vô đạo đức, thiếu tính người lên nắm quyền hiệu trưởng, làm ảnh hưởng đến đạo đức, phẩm hạnh của không biết bao nhiêu thế hệ. Nhưng, dường như họ không làm thế, hoàn toàn không có động tịnh gì. Có thể, bản thân họ cũng ít nhiều đồng cảm với Sầm Đức Xương, không chừng họ còn dính chàm trong những vụ này nên chín bỏ làm mười cho qua chuyện. Điều này làm em hoài nghi về trình độ văn hóa và khả năng nhận thức xã hội của những con người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, họ có vẻ vô văn hóa thầy ạ!
Sự vô văn hóa của họ cũng thể hiện qua bản án sáu năm tù đối với thầy. Một thầy giáo vì sự an nguy của quốc gia, vì đời sống của cộng đồng đã đứng ra can thiệp bằng đơn từ theo đúng thủ tục pháp lý để yêu cầu ngưng một công trình có nguy cơ xấu đối với đất nước. Em nghĩ rằng đó là hành động của một trí thức tỉnh thức. Nhưng kết cục câu chuyện, người thầy tỉnh thức lại rơi vào vòng lao lý. Nếu làm một phép liên tưởng đồng nghiệp giữa thầy và sầm Đức Xương, sẽ cho ra một kết quả rất buồn cười và nhục nhã cho giới lãnh đạo đất nước, kẻ gian manh, vô liêm sỉ vẫn ung dung làm quan, người thao thức với đất nước phải ngồi tù.
Nhớ lại chuyện xưa, Thầy Chu Văn An làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, lấy hiệu là Tiều ẩn người đi ẩn hái củi, dạy học, viết sách cho tới khi mất. Sau này khi thái tử Trần Vượng lên làm vua, hằng năm, Tết đến, đích thân nhà vua tìm về quê vái thầy trả nghĩa.
Đó là câu chuyện thời phong kiến, thời rất xưa, chuyện của một người thầy mang chính khí nhưng không thực hiện được ước vọng làm sạch chốn quan trường nên về quê qui ẩn. Thời nào cũng thế, người có chính khí luôn đối diện với sự cô đơn và thất vọng. Nhưng chí ít, thời đó, có những ông vua biết trọng lẽ phải, biết chuộc lỗi lầm của kẻ lãnh đạo trước mình. Còn bây giờ, thầy cũng vì chính khí mà vào tù. Nhưng rất tiếc, thời bây giờ, dù đã cách xa thời của Thầy Chu Văn An sống gần cả ngàn năm, nhưng lại không có bậc minh quân nào cả ngoài một lũ hung quân bạo chúa đang vùi dập trí thức, đang dẫm đạp lên lương tri nhân loại!
Cho đến bao giờ đất nước được tỉnh thức? Cho đến bao giờ tuổi trẻ Việt Nam tỉnh cơn mê? Cho đến bao giờ giáo dục Việt Nam trong sạch?
Những câu hỏi ấy đang là tiếng kêu gào của dân tộc, là tiếng rên xiết của bao thế hệ đang bị đay nghiến trong một nền giáo dục tồi, nền giáo dục thầy không ra thầy, trò không ra trò, nền giáo dục cộng sản xã hội chủ nghĩa!
Em thành thật cám ơn cuộc đời này vẫn còn những người thầy đáng kính như thầy. Kính chúc thầy một mùa Hiến Chương Nhà Giáo thật bình an trong chốn lao tù xã hội chủ nghĩa! Thầy mãi là người thầy đáng kính!
No comments:
Post a Comment