Thứ Tư ngày 21.11.2012
Edmund Burke: một chính khách và tư tưởng gia Tây Phương viết: "Cái ác chỉ cần một điều kiện thiết yếu duy nhất để chiến thắng. Đó là những người có thiện tâm không làm gì cả". Chính vì không muốn cái ác chiến thắng vĩnh viễn tại Việt Nam mà 144 nhà trí thức, thay vì im lặng làm ngơ, đã quyết tâm lên tiếng bênh vực nữ sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Phương Uyên và 144 nhà trí thức" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việc các nhà trí thức ở trong và ngoài nước ký tên đòi trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên là việc làm đúng, mặc dù họ nêu lên những lý do trong việc bắt bớ khác với những điều mà nhà cầm quyền sau đó đã đưa ra.
Xin tóm tắt vụ bắt bớ cô Nguyễn Phương Uyên. Giữa Tháng Mười năm 2012, công an tới bắt cô Nguyễn Phương Uyên tại phòng trọ của cô; các bạn học cùng trường cho biết công an nêu lý do bắt bớ vì cô viết những lời chống nhà cầm quyền Trung cộng, cho nên họ cần hỏi để điều tra. Công an không đưa ra một giấy tờ hợp pháp nào trong vụ này. Cha mẹ cô không biết tin tức của con, đi hỏi hai nơi, công an đều chối, nói họ không bắt cô, tin tức được loan truyền coi như cô bị bắt cóc. Sau khi các đài phát thanh ở nước ngoài loan tin và bình luận, sau 10 ngày gia đình cô mới được công an tỉnh Long An thông báo là cô Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt, cùng với Ðinh Nguyên Kha, 24 tuổi, vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" tức là vi phạm điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự.
Dựa trên những thông tin đó, một số nhà trí thức ở trong và ngoài nước đã viết thư gửi ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, để yêu cầu can thiệp trả tự do cho sinh viên Phương Uyên. Công an đi bước kế tiếp là trưng bày "bằng chứng" để tố cáo Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha đã liên quan đến một nhân vật khác, không bị bắt, cùng tổ chức phổ biến truyền đơn chống chế độ cộng sản; cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa, và có cả 2 ký chất nổ nữa. Họ bị buộc tội theo điều 88 Luật Hình Sự. Họ không nói gì đến "tội" chống Trung Quốc cả; mà lại trưng bày cả những lời thú tội của sinh viên Phương Uyên.
Chứng kiến màn trình diễn sau cùng này, nhiều người nghĩ rằng 144 nhà trí thức ký tên gửi Trương Tấn Sang đòi trả tự do cho cô Phương Uyên đã sai lầm. Ðó là một cách đánh hạ uy tín của giới trí thức, để sau này những người trí thức nói gì người ta cũng không muốn nghe nữa.
Nghĩ như vậy là nhầm. Người có học và biết suy nghĩ phải bày tỏ thái độ, chống bất công, đòi tự do cho tất cả những người bị bắt bớ giam cầm phi lý và phi pháp. Công an bắt giam người một cách bí mật, được hỏi thì chối là không bắt để lừa gạt gia đình nạn nhân, riêng hành động đó đã vi phạm tất cả các quy tắc pháp lý của loài người văn minh, đáng lên án ngay.
Khi công an trình bày lý do việc bắt bớ giam cầm vì "tội tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự, thì người trí thức càng có lý do để phản đối và đòi trả tự do cho nạn nhân. Bởi vì điều 88 Bộ Luật Hình Sự là một điều vừa sai trái về pháp lý, vừa mơ hồ để ngỏ cửa cho người cầm quyền lạm dụng. Trong xã hội văn minh, việc phản bác những chủ trương, chính sách sai lầm của nhà nước là một quyền tự do của mọi công dân. Nếu một công dân kêu gọi dùng võ lực lật đổ nhà nước thì có thể áp dụng những đạo luật khác để buộc tội, nhưng quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng vì quyền đó quan trọng hơn cả nhà nước. Người ta có thể thay thế nhà nước này bằng một nhà nước khác; nhưng bất cứ lúc nào cũng phải kính trọng quyền tự do phát biểu, một trong những quyền làm người căn bản.
Ðiều 88 đúng là hai cái còng số tám sẵn sàng khóa tay, khóa miệng tất cả mọi người Việt Nam. Vì vậy việc kết án nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã bị những người biết suy nghĩ phản đối ngay. Kêu gọi người Việt Nam yêu nước, bây giờ bị gán cho tội "tuyên truyền chống phá nhà nước". Nếu áp dụng chính sách bỏ tù vì tội viết bài ca đề cao lòng yêu nước, nghĩa vụ chống ngoại xâm, thì tác giả những bài Bạch Ðằng Giang, Gò Ðống Ða, Nước Non Lam Sơn đều có tội hết! May mắn cho các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Quý, họ không sáng tác các bài ca đó dưới thời chế độ xã hội chủ nghĩa của các đồng chí ếch ngồi đáy giếng.
Ðúng ra, các nhà trí thức nước ta phải lên tiếng đòi tự do cho tất cả các anh chị Ðiếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, v.v... Không những thế, họ phải lên tiếng phản đối cả chính sách bắt bớ người yêu nước theo lối bắt cua trong rọ mà nhà báo Người Buôn Gió mới vạch ra. Theo Người Buôn Gió nhận xét, việc xử án Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, cùng việc bắt giam Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha có thể được "lên chương trình" đúng trước ngày đại hội của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có phải đó là những món quà của đảng Cộng sản Việt Nam tặng cho các đồng chí anh em vĩ đại hay không?
Mọi người trí thức có lương tâm, yêu nước và yêu tự do dân chủ ở trong nước đều biết số phận của mình, như Người Buôn Gió mô tả: Tất cả đều nằm trong một cái rọ và "người ta thò tay vào rọ và chọn ai đó trong số chúng ta" đem bỏ tù bất cứ lúc nào cũng được. Không riêng các người có tư tưởng, ý kiến khác với các đồng chí ếch ngồi đáy giếng mới phải đóng vai những con cua trong rọ, tất cả 90 triệu người Việt Nam đều chung số phận đó. Người bị công an trung ương hay cấp tỉnh bố ráp cũng chung số phận với những người bị công an xã nhũng nhiễu hàng ngày. Nếu suy nghĩ cho sâu sẽ thấy rằng cái việc nay nộp một cái đơn xin tổ chức biểu tình, mai gửi một bức thư xin trả tự do cho một sinh viên, cuối cùng không thay đổi được gì cả, mà những hành động đó chỉ xoa dịu tâm tư mỗi người, nhưng muốn cải thiện đời sống của 90 triệu người dân Việt Nam thì phải cần những người trẻ ở lớp tuổi 20, 30 ý thức và hành động./.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment