Thứ Hai ngày 19.11.2012
Khi nói đến nền Văn Hoá của một dân tộc, một quốc gia người ta thường muốn giới thiệu để đề cao hay nhấn mạnh đến những điểm đặc sắc, tốt đẹp tiêu biểu cho con người hay đất nước đó. Nhưng ở Việt Nam hiện nay,có những điều được gọi là văn hóa thì lại là những thứ trái ngược lại với suy nghĩ giản dị, bình thường của chúng ta.Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Người Yêu Nước có tựa đề: " Đôi điều về Nền Văn Hoá mới" sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Văn hóa là một khái niệm rất rộng, và có hàng trăm định nghĩa thế nào là Văn hóa. Thầy giáo của tôi đã nói tóm gọn rằng, Văn hóa là những tập quán thói quen mà một xã hội thường xuyên chấp nhận, coi như điều bình thường. Văn hóa không hoàn toàn đồng nghĩa với kiến thức. Có nhiều người rất có học thức, có bằng đại học, tiến sỹ, nhưng có những hành vi ứng xử lạc lõng nên vẫn bị coi là vô văn hóa. Văn hóa mới ở VN ngày nay như thế nào:
Văn hóa phong bì đã trở thành tập tục thói quen khắp mọi lúc mọi nơi, đi đâu cũng phải có phong bì: chạy trường lớp, tết thầy cô, khám bệnh, chung chi cho sếp, chạy dự án, chạy chức... và cả chạy án. Người nghèo xin thứ gì đơn giản, phong bì thường mỏng và là loại phong bì bán đầy ở Bưu điện. Người giàu hoặc việc cần chạy là rất quan trọng, phong bì là túi đựng chai rượu ngoại trong đó có vài xấp xanh đỏ. Cũng đôi khi phong bì được biến tấu thành "bánh Trung Thu, có nhân hạt xoàn". Anh nào đi xin việc hay chạy chọt mà không có phong bì thì bị coi là đồ vô văn hóa.
Văn hóa giao thông mọi khi tắc đường, nếu tôi leo xe máy lên vỉa hè mà phóng thì chẳng hề bị coi là thiếu văn hóa, mọi người quen việc đó rồi. Đèn xanh đỏ chỉ có tác dụng nếu nó nằm ở ngã tư có mặt cảnh sát, nếu anh nào nửa đêm dừng xe đợi đèn đỏ tại ngã tư sẽ bị cho là khờ Chạy xe khách xe tải đường dài bao giờ cũng phải có chuyện hối lộ cho cảnh sát giao thông. Dịp hè vừa rồi, chính tôi đã từng nghe một cảnh sát GT ở Thanh Hóa khoảng hơn 30 tuổi, mắng một ông tài sắp đến tuổi về hưu: "Chạy xe già đời như mày mà kém văn hóa thế, đưa có chừng này mà gọi là qua được à, hồi xưa đi học lớp mấy?"
Văn hóa dối trá, cái này thì tràn lan khắp nơi, từ cấp cao đến cấp thấp, từ già đến trẻ, từ việc lớn đến việc nhỏ. Dân gian thường nói: "Đài nói láo, báo nói phét". Dối trá có mặt khắp mọi nơi: Cán bộ dùng bằng giả, ngoài thị trường bán đầy đồ giả, học sinh đi thi thì dùng phao, ca sỹ thì hát nhép, nhà văn nhà thơ thì đạo sách, cuộc thi Bài hát Việt trên truyền hình thì sắp xếp sẵn kết quả, nông dân dùng các loại thuốc tăng trọng, xuất khẩu tôm cá thì cho cả kim loại vào cho tăng cân, công an muốn bắt Luật sư họ Cù thì cũng phải dùng đến 2 bao cao su... Các loại con số thống kê chính thức của Nhà nước luôn luôn không đáng tin. Chẳng hạn Tập đoàn Petrolimex năm nào cũng báo lỗ, lỗ nặng, để đòi được tăng giá bán xăng dầu, đến khi sắp bán cổ phiếu ra thị trường, muốn thu hút người mua, thì lại công bố là lãi lớn Trong xã hội toàn dối trá, ai thật thà trung thực thì bị coi là " ngu" hoặc thậm chí bị hại. Như thầy giáo Khoa "Người đương thời", chỉ vì muốn tố cáo sự giả dối trong Giáo dục mà bị đánh tơi bời, đánh hội đồng bằng cả nghành Giáo dục từ cấp trường đến cấp Bộ. Ông đại tá an ninh về hưu ở Đồ Sơn khi tố cáo tiêu cực đất đai bị cả Chi bộ và Quận ủy kỷ luật vì phá hoại sự đoàn kết trong việc ăn đất của đảng, và vì thiểu số không phục tùng đa số.
Nói về văn hóa dối trá thì nhiều lắm, kể từ giờ cho đến tết sang năm cũng không thể hết được. Tất cả các loại Văn hóa tôi tạm nêu ở trên đều là Văn hóa mới trong thời XHCN đấy nhé. Chỉ có một loại Văn hóa mà hiện nay báo chí chính thống của Đảng vẫn thường xuyên kêu là thiếu, cần phải có ngay, đó là "Văn hóa Từ chức".
Ngày trước có ông Bộ trưởng Nông nghiệp từ chức, báo chí bàn tán bình luận ầm ĩ, hàng trăm bài báo trong mấy tháng liền, bởi vì đó là hiện tượng rất cá biệt ở ta hiện nay. Chắc là chỉ đến khi nào mà tin về ông này ông nọ từ chức được đăng ở một góc nhỏ và ít bài bình luận, thì khi đó "Từ chức" mới được xếp vào loại "Văn hóa mới".
Người Yêu Nước
No comments:
Post a Comment