Saturday, November 7, 2020

Văn Thần Nguyễn Trãi

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, khi nước Việt bị giặc Minh xâm lấn, một người ở huyện Phượng Sơn, tỉnh Hải Dương, tình nguyện tham gia vào đoàn nghĩa quân của đức Lê Lợi. Suốt 10 năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc và được xem là khai quốc công thần ở thời đầu nhà Hậu Lê. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Văn Thần Nguyễn Trãi  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, tỉnh Hải Dương. Cha là Tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh và mẹ là Trần Thị Thái, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán. Năm 20 tuổi, Nguyễn Trãi đỗ Tiến sĩ và hai cha con cùng làm quan thời nhà Hồ.

Năm 1407, giặc Minh xâm chiếm nước Việt, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa sang Tàu. Nghe lời cha khuyên tại ải Nam Quan, Nguyễn Trãi trở về, mấy năm sau gia nhập vào đoàn quân khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi.

Khi đầu quân, Nguyễn Trãi dâng bản “Bình Ngô Sách” là 3 kế sách đánh đuổi giặc Minh, chủ yếu là chiến lược “Công Tâm” để thu phục lòng người. Lê Lợi phong cho ông làm Tuyên phong Đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, lo việc quân cơ và viết thảo hịch.

Khi quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ 3, lương thực thiếu thốn, quân sĩ mỏi mệt. Phía quân Minh cũng yếu thế nên muốn giảng hòa. Sau khi nghe Nguyễn Trãi phân tích tình hình chiến sự, Lê Lợi chấp thuận nghị hòa.

Thời gian này, Nguyễn Trãi cho binh sĩ dùng mật ong viết lên lá cây 8 chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, loài kiến ăn khoét thành chữ trên mặt lá. Lá khô rơi rụng theo dòng nước trôi khắp nơi như điềm trời nên mọi người dân đều tin Lê Lợi sẽ thắng trận.

Tháng 8 năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn tấn công vào Tân Bình, Thuận Hóa, chiếm các vùng đất từ dãy Tam Điệp đến đèo Hải Vân. Quân Minh rút về cố thủ trong 5 thành: Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, chờ quân cứu viện.

Tháng 9 năm 1426, quân Lam Sơn tấn công ra Bắc, chiến thắng quân Minh ở Tốt Động, Chúc Động, sau đó tiến ra Đông Quan.

Đầu năm 1427, Nguyễn Trãi được phong làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành khu Mật viện sự. Ông viết thư chiêu hàng và các tướng giữ thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đều chịu đầu hàng. Và đích thân ông vào thành Tam Giang chiêu hàng được chỉ huy sứ Lưu Thanh.

Cuối năm 1427, nhà Minh sai Liễu Thăng đem 10 vạn quân từ Quảng Tây, Mộc Thạnh đem 5 vạn quân từ Vân Nam, tiến sang cứu Vương Thông. Nhưng 2 đạo viện binh này đã bị nghĩa quân Lam Sơn phục kích tiêu diệt trong trận Chi Lăng, Xương Giang. Quân Minh xin nghị hòa. Theo lời khuyên của Nguyễn Trãi, Lê Lợi đồng ý đình chiến và cho phép giặc Minh rút quân về nước. 

Ngày 29/4/1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, xưng là Lê Thái Tổ, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh, giao cho Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” để bố cáo về chiến thắng giặc Minh và ông được ban tước Hầu và được khắc tên trên bảng Khai quốc Công thần. Đầu năm 1438, ông về hưu ở Côn Sơn.

Khi vua Lê Thái Tông băng hà, cả gia quyến ông bị “tru di tam tộc” vì tội “đầu độc Vua”. Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho đức Nguyễn Trãi.

Hiện đền thờ đức Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Hà Nội còn lưu giữ bức chân dung ông trên lụa và nhiều bức hoành phi nêu cao công đức.

Tháng 1 năm 1964, đền thờ này được xếp vào Di tích Lịch sử Văn hóa và năm 1980, UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là một danh nhân thế giới. Tên của ông được đặt cho nhiều con đường lớn tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

Lịch sử nước Việt, không những ghi nhận những đóng góp về quân sự mà còn vinh danh những tác phẩm văn chương của ông qua những bài văn thơ trong “Ức Trai thi tập”, “Quốc Âm thi tập”, “Ức Trai thi phú”, “Băng Hồ di sự lục” và đặc biệt là bài “Bình Ngô đại cáo”. Bài này được xem là “Bản tuyên ngôn độc lập thứ 2” của nước Việt, trong đó có đoạn mô tả sự đau khổ tột cùng của người dân dưới gót giầy xâm lược của giặc Tàu phương Bắc là:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.

Với chủ trương “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân”, và “Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo”, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã biến thành một cuộc chiến giữa thiện và ác, “Lấy chí nhân thay cường bạo”, “Đem đại nghĩa thắng hung tàn”, nên Đại Việt đã khoan dung cho quân giặc rút về Tàu.

Điều đáng nói hơn nữa, là nếu đổi 2 chữ “quân Minh” trong bài “Bình Ngô đại cáo” bằng cụm từ “chế độ cộng sản”, thì áng văn này đã vượt thời gian và không gian của hơn 500 năm về trước. Lý do là xã hội Việt Nam hôm nay, cũng không khác gì thời kỳ bị giặc Minh chiếm đóng. Nếu có khác thì chỉ khác là những kẻ cai trị hiện nay là người Việt chứ không phải lũ giặc Minh.

Nhưng cả 2 thời đại đều có một điểm chung và đây là một điều may mắn cho dân tộc Việt. Đó là dù trong giai đoạn đen tối của đất nước nhưng “hào kiệt thời nào cũng có”.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sản sinh ra nhiều văn thần võ tướng được ghi vào lịch sử và hiện nay, cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản cũng đã và đang xuất hiện nhiều bậc anh hùng và anh thư của nước Việt. Một khi chế độ cộng sản VN sụp đổ, ắt sẽ có “áng văn tuyệt tác” không kém gì bài “Bình Ngô đại cáo” của đức Nguyễn Trãi viết gần 600 năm về trước./.

No comments:

Post a Comment