Friday, March 3, 2017

Formosa: Pháp chế xã hội chủ nghĩa không đủ khả năng giải quyết những vấn nạn lớn của đất nước

QuanĐiểm

Trên thế giới đương đại, tất cả những quốc gia kinh tế phát triển, xã hội công bằng và văn minh đều nhờ sự hiện hữu của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Nếu hỏi rằng, trong 3 yếu tố nền tảng là hiến định, pháp trị và đa nguyên, thì yếu tố nào là quan trọng nhất. Câu trả lời chắc chắn là yếu tố pháp trị. Dĩ nhiên hai yếu tố còn lại là hiến định và đa nguyên sẽ củng cố và bảo vệ cho tinh thần pháp trị bền vững, chân thực và thăng hoa.

Chính vì thế, cũng trong thế giới đương đại, chưa có câu tuyên bố của lĩnh đạo chính trị nào, kém trí tuệ và nguy hiểm cho dân tộc họ, bằng câu tuyên bố của cố Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Duẩn:
“Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ”.
Ngày hôm nay, thế kỷ 20 đã qua và thế kỷ 21 bắt đầu. Tuy nhiên thảm họa môi trường Formosa và những hệ lụy của nó chứng tỏ rằng, mặc dù đảng CSVN đã tung nhiều hỏa mù mị dân, đánh lừa dư luận về đổi mới, về nhà nước pháp quyền, nhưng trong bản chất, vẫn theo tinh thần của Lê Duẩn. Tức là không cần luật pháp gì cả. Giải quyết trong nội bộ đảng. Nếu có sai lầm thì phê bình và tự phê qua loa là đủ.
Thật vậy đại họa môi sinh tại Vũng Áng do Formosa gây ra là một đại họa khôn tiền khoáng hậu trong lịch sử đất nước. Mức độ thiệt hại còn cao hơn nhiều nếu so sánh với những thảm họa môi sinh khác trên thế giới, như vụ loang dầu Deepwater Horizon tại Vịnh Mexico do hãng BP gây ra, năm 2010, phải bồi thường thiệt hại cho chính phủ và tư nhân Hoa Kỳ lên đến hằng trăm tỷ Mỹ Kim.
Tuy nhiên, thay vì hành xử theo tinh thần pháp trị như tại Hoa Kỳ, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị đảng CSVN, trong tinh thần của TBT Lê Duẩn đề xướng, đã coi thường luật pháp và phạm những sai lầm như sau:
1. Không truy tố Formosa chính thức trước tòa án
2. Không cung cấp cho tòa tất cả những dữ kiện về thiệt hại cho đất nước một cách khách quan
3. Không cho phép dân chúng, nhất là các ngư dân trình tòa những thiệt hại của cá nhân hoặc tập thể
4. Không truy tố những cá nhân lãnh đạo trong tập đoàn Formosa về những vi phạm hình sự nghiêm trọng trong tác động hủy hoại môi trường
5. Đi đêm với tập đoàn Formosa, nhận một gói bồi thường trị giá rẻ bèo đến mức độ buồn cười là $500 triệu Mỹ Kim
6. Ngăn chận các ngư dân và đồng bào nộp đơn kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại cho cá nhân và tự động quyết định bồi thường cho mỗi gia đình là $500 Mỹ Kim.
Một câu hỏi quan trọng phải làm sáng tỏ là: sau hành động bất chấp luật pháp nên trên của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người dân bị thiệt hại vì đại họa Vũng Áng có quyền pháp lý kiện Formosa với tư các cá nhân hay không?
Sau khi nghiên cứu tình trạng pháp lý tại Việt Nam thì câu trả lời khẳng định là có.
Thật vậy chính Hiến pháp 2013 ghi rõ:
Điều 30 (1) quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 102 (3) ghi rõ là Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thêm vào đó, Công Ước Quốc Tế về các quyền Dân Sự và Chính Trị cũng đã được CSVN phê chuẩn cũng ghi rõ tại điều 14 (1):
– Mọi người đều bình đẳng trước tòa án hoặc pháp đình. Trong những phán xét về những cáo buộc hình luật hoặc liên hệ đến quyền lợi và trách nhiệm trong một phiên tòa, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một pháp đình có thẩm quyền, độc lập và công tâm do luật định.
Cuối cùng, trong tinh thần hiến pháp và công ước quốc tế nêu trên, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự Việt Nam năm 2015 cũng có những điều khoản minh thị.
Điều 4 (1) về Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ghi rõ:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Điều 4 (2) còn nhấn mạnh là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Và sau cùng, Điều 26 (6) quy định rõ rệt những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm cả những “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,” tức những tranh chấp giữa ngư dân hoặc bất cứ người dân nào và Formosa, nếu hành động tắc trách của công ty này gây thiệt hại cho họ.
Những chỉ dẫn trên chứng minh rằng, trong thế kỷ 21, khi ngăn chận người dân miền Trung khiếu kiện Formosa, chính quyền Nguyễn Xuân Phúc, dưới sự chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng như cố TBT Lê Duẩn trước đây, trong thâm tâm của họ, luôn luôn ngồi xổm trên hiến pháp, luật pháp và khinh thường tất cả mọi công ước quốc tế về nhân quyền và dân quyền họ ký kết.
Đối với đảng CSVN, quyền lực phe nhóm và quyền lợi đảng phái là những động cơ tối quan trọng có tính quyết định.
Chính vì thế, chỉ có sự cáo chung của đảng CSVN, vứt vào sọt rác của lịch sử khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa què quặt và quyết tâm xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, mới có hy vọng khai thông sinh lộ cho dân tộc, đem lại phú cường và công bằng xã hội cho toàn dân Việt Nam.
Xin cám ơn quý vị đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment