Sunday, March 26, 2017

Tin tức Chủ Nhật, 26.03.2017

TinTức

Thêm một người bất đồng chính kiến bị bắt
Facebooker Nguyễn Hữu Đăng đã bị công quận 12, Sài Gòn bắt vào ngày 24/3 với tội danh gán ghép tuyên truyền chống nhà nước. Ông Đăng, 34 tuổi, có tài khoản trên Facebook với tên Đăng Solomon. Văn bản của cơ quan an ninh điều tra nói rằng ông Đăng đã lập nhiều tài khoản trên Youtube, Facebook để tải các video gọi là “xuyên tạc lịch sử, xúc phạm, hạ uy tín các nhà lãnh đạo Việt Nam”, cũng như “kích động, kêu gọi biểu tình chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Trong vòng một tuần trở lại đây, hai Facebooker khác cũng đã bị bắt giữ vì tội danh này , đó là Bùi Hiếu Võ bị bắt ngày 17/3 tại Sàigòn, và Phan Kim Khánh, bị bắt hôm 21/3 tại Phú Thọ. Cả 3 facebooker trên không phải là những nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến.

Nước ở cảng Chân Mây – Huế bị nhiễm độc
Ngày 23/3, có vệt nước lạ màu vàng xuất hiện tại khu vực bờ kè ở cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế). 7g00 sáng hôm sau, người dân bắt đầu thấy hiện tượng cá chết hàng loạt quanh khu vực xuất hiện vệt nước lạ màu vàng này. Ngoài số cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bên dưới còn thấy nhiều đàn cá bơi lờ đờ, có dấu hiệu sắp chết. Vệt nước lạ màu vàng xuất hiện từ ngày 23/3 đến nay vẫn chưa biến mất. Mùi hôi tanh từ vệt nước này kéo dài nhiều cây số khiến nhiều người ở đây vô cùng khó chịu và không còn dám ăn cá nữa.

Ngư dân Cam Ranh kiến nghị khẩn cấp vì tài sản của họ bị xâm phạm nghiêm trọng
Vào ngày 10/03, có năm chiếc sà lan của hai Công ty Cái Mép và Môi Trường Xanh khai thác trái phép cát biển Vịnh Cam Ranh tiến vào khu vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của ngư dân tại đây. Khi ngư dân ra ngăn cản thì bọn xã hội đen trên sà lan được Bộ đội vùng 4 Hải quân bảo kê đã dùng dao, búa, mã tấu… tấn công ngư dân. Vì thế, ngày 20/3, ngư dân huyện Cam Ranh đã viết đơn lần thứ 4 cầu cứu khẩn cấp sự can thiệp của nhà cầm quyền CSVN vì tài sản của họ đang bị xâm phạm nghiêm trọng do sự khai thác trái phép cát biển Vịnh Cam Ranh của hai Công ty nói trên. Việc khai thác cát này tuy trái phép nhưng được Bộ đội Vùng 4 Hải quân bảo kê. Ngư dân đã yêu cầu nhà cầm quyền can thiệp giải quyết nhiều lần nhưng nhà cầm quyền đã làm ngơ vô trách nhiệm.

20 chủ cơ sở đông lạnh ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị chủ tịch tỉnh lừa
Hơn 20 chủ cơ sở đông lạnh ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã nhiều lần kéo đến Ủy ban Nhân dân tỉnh hay nhà riêng của Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh để đòi tiền bồi thường liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra nhưng vô ích. Họ không chỉ là nạn nhân của Formosa mà còn là nạn nhân sự lừa mị của nhà cầm quyền địa phương.
Năm ngoái, khi thảm họa môi trường bắt đầu nổ ra ở 4 tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4, thì Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh kêu gọi 50 cơ sở đông lạnh hãy thu mua hải sản giúp ngư dân 4 tỉnh để bảo đảm an ninh trật tự trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng Nhân dân các cấp xảy ra 2 tháng sau đó. Ông Khánh hứa chắc chắn rằng nhà nước sẽ hỗ trợ cho những cơ sở này. Tin tưởng vào lời hứa của ông cán bộ cộng sản này, các cơ sở này đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thu mua hải sản. Tuy nhiên, cho đến hôm nay họ không nhận được một đồng nào từ các cấp chính quyền. Trong khi đó, các hải sản đông lạnh không thể tiêu thụ được và đang có nguy cơ bị phân hủy vì các cơ sở không còn đủ tiền bạc để bảo quản. Nguy cơ phá sản không thể tránh được trước sự vô trách nhiệm của ông chủ tịch tỉnh đối với lời hứa của ông trước đây.

CSVN nhờ đại sứ Mỹ tác động lên Google và Facebook
Hôm 21/3, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của CSVN đã kêu gọi đại sứ Hoa Kỳ là ông Ted Osius tác động lên Google và Facebook để hai cơ quan này có người đại diện tại Việt Nam hầu CSVN dễ bàn bạc hơn khi giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Google chỉ chặn những video clip mà CSVN yêu cầu gỡ bỏ để người ở Việt Nam không xem được, còn người ở nước ngoài vẫn xem được, nhưng ông Tuấn yêu cầu là những video ấy phải gỡ bỏ hoàn toàn. Những năm qua, CSVN bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này.

Các nhà đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông biểu tình phản đối cuộc bầu cử bị Trung cộng can thiệp
Vào hôm nay, Chủ tịch đặc khu hành chính của Hồng Kông được chỉ định bởi một hội đồng bầu cử gồm 1.194 thành viên, đại diện những nhóm lợi ích hầu hết thân Bắc Kinh. Chỉ có một phần tư số đại biểu này thuộc phe dân chủ. Vì thế, tiến trình bầu cử này bị người dân đánh giá là trò hề, và viễn cảnh cải cách chính trị tại đây trở nên ngày càng xa vời. Để phản đối cuộc bầu cử trò hề có sự can thiệp của Bắc Kinh này, thứ bảy 25/3, các nhà tranh đấu dân chủ và hàng trăm người ủng hộ dân chủ đã xuống đường tại Hồng Kông.

Trung cộng cưỡng chế khu vực tu viện Tây Tạng vì sợ ảnh hưởng ngày càng lớn của khu vực này
Khu vực Larung Gar là khu vực tu viện nổi tiếng của Tây Tạng gồm hàng ngàn ngôi nhà nhỏ bé gắn chi chít vào một sườn núi cao ở Tứ Xuyên đang bị nhà cầm quyền Bắc Kinh âm thầm giải tỏa. Lý do là vì ảnh hưởng của khu vực này ngày càng rộng lớn tạo nên làn sóng phản kháng vào năm 2008, rồi có 146 vụ tự thiêu từ 2009 đến nay, nhất là từ đầu thập niên 80, các tăng ni và người hành hương đổ xô đi viếng tu viện này ngày càng đông. Vì thế, từ giữa năm 2016, lệnh trục xuất đã được bí mật đưa ra, để giảm số cư dân tại đây từ 20,000 xuống còn 5,000. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet ước lượng có khoảng 6.700 người đã bị cưỡng bức di dời một cách tàn bạo, 1.500 căn nhà bị ủi sập.

No comments:

Post a Comment