Sunday, June 24, 2012

Tin Tức thứ Bảy ngày 23.06.2012


Kêu gọi xuống đường ủng hộ Luật Biển

Nhóm Nhật Ký Yêu Nước đã phổ biến trên mạng lời kêu gọi người dân tham gia cuộc tuần hành ôn hoà tại Hà Nội và Sài Gòn vào lúc 8 giờ sáng ngày chủ nhật mùng 1 tháng 7 để ủng hộ Luật Biển vừa được thông qua tại quốc hội, và phản đối quyết định thành lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.

Lời kêu gọi xác nhận cuộc tuần hành không có ban tổ chức, nhưng bất cứ ai bất bình, muốn bầy tỏ lòng yêu nước đều có thể tham gia và vận động người thân cùng xuống đường. Được biết địa điểm khởi hành tại Hà Nội sẽ là khu vực tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ và đoàn biểu tình sẽ kéo đến toà đại sứ Trung Quốc tại số 46 Phố Hoàng Diệu. Tại Sài Gòn, địa điểm khởi hành sẽ là công viên 30 tháng 4 và tuần hành đến toà lãnh sự Trung Quốc tại số 175 Hai Bà Trưng. Nhóm Nhật Ký Yêu Nước cho biết đây là cuộc tuần hành ôn hoà, hoàn toàn bất bạo động, và phù hợp với hiến pháp Việt Nam. Lời kêu gọi cũng nhắc người tham gia biểu tình không mang theo những đồ vật có thể bị nghi là vũ khí. Tất cả biểu ngữ đều có nội dung phản đối Trung Quốc bằng tiếng Việt hoặc tiếng Tàu. Nên mang theo cờ hoặc mặc áo in cờ Việt Nam.

Con gái ủy viên bộ chính trị hết làm chủ tịch công ty Vinaconex

Hôm thứ sáu 22 tháng 6, công ty xây dựng Vinaconex cho biết cô Tô Linh Hương đã hết làm chủ tịch và thành viên của hội đồng quản trị công ty kể từ thứ năm 21 tháng 6/2012. Phó tổng giám đốc Bùi Anh Ninh được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2012-2017 kể từ ngày 22 tháng 6. Quyết định trên cho thấy cô Tô Linh Hương, con gái ủy viên bộ Chính Trị Tô Huy Rứa chỉ làm chủ tịch công ty Vinaconex được 2 tháng. Tưởng cần nhắc lại, đại hội cổ đông PVV đã bầu cô Tô Linh Hương, 24 tuổi, tốt nghiệp học viện Báo Chí và Truyền Thông làm chủ tịch công ty xây cất Vinaconex vào ngày 14 tháng 4 gây nhiều dư luận xôn xao. Các trang blog tại Việt Nam đặt nghi vấn về khả năng của cô Hương, và nhiều người cho rằng cô được làm chủ tịch vì nhờ thế lực của cha. Một số con cái quan chức khác tại Việt Nam cũng đang nắm các chức vụ cao, nhưng phần lớn làm trong lãnh vực chuyên môn đã tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng.

Dân biểu Aung San Suu Kyi kêu gọi Anh quốc giúp Miến Điện xây dựng nền Dân Chủ

Lảnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi kêu gọi Anh quốc và các cường quốc phương Tây giúp đở đất nước bà xây dựng nền dân chủ sau nửa thế kỷ sống dưới chế độ quân phiệt. Bà nói "Đất nước của tôi hôm nay đang bắt đầu cho một cuộc hành trình về phía trước, tôi hy vọng là tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Còn rất nhiều chướng ngại phải vượt qua nhưng sự hổ trợ của nhân dân Anh quốc cũng như của mọi người trên toàn thế giới sẽ giúp chúng tôi tiến xa hơn nữa". Lời mời điều trần trước lưỡng viện quốc hội Anh quốc là một vinh dự mà thông thường chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia. Chỉ có một người phụ nữ khác cũng được vinh dự này là nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị. Sự cởi trói về chính trị của Miến Điện trong năm qua đã đưa đất nước này trở lại vị trí được sự chú ý của các nhà đầu tư. Ngoài việc đình chỉ lệnh trừng phạt của EU, Hoa Kỳ cho biết sẽ gỡ bỏ các hạn chế kinh tế và tài chính của nền kinh tế Miến Điện. Nhật Bản cũng đã xóa bỏ khoảng nợ chừng 3,7 tỉ mỹ kim.

Đài Loan phản đối Luật Biển của Việt Nam

Chính quyền Đài Bắc lên tiếng phản đối Việt Nam minh định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trong Luật Biển được quốc hội thông qua vào thứ năm. Thông tin từ bộ ngoại giao Đài Loan nêu lên yếu tố lịch sử, địa lý và luật quốc tế để công bố các quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Đài Loan. Ngoài ra, Chính quyền Đài Bắc cũng kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác khai thác khoán sản trong vùng biển tranh chấp một cách công bằng và an bình. Trong khi đó quốc hội Trung quốc đòi quốc hội Việt Nam phải sửa sai khi thông qua Luật Biển. Công văn từ ủy ban ngoại giao quốc hội Trung Quốc hy vọng các đại biểu Việt Nam tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và đìều chỉnh hành vi sai trái để bảo vệ mối tương quan ngọai giao Việt-Trung và duy trì mối thân thiện giữa quốc hội hai nước". Cuối thư quốc hội Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các vùng biển xung quanh khu vực.

No comments:

Post a Comment