Saturday, June 9, 2012

Hoa Kỳ và Cam Ranh: Phỏng vấn Trần Bình Nam về chuyến đi của ông Leon Panetta


Thứ Năm ngày 07.06.2012     
ĐLSN: Thưa ông, ông Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta vừa đến thăm viếng hải cảng Cam Ranh hôm Chủ nhật 3 tháng 6 khởi đầu chuyến thăm viếng Việt Nam 3 ngày với một nghị trình thảo luận nhiều vấn đề. Ông ghi nhận chuyến đi này như thế nào?

TBN: Xin chào ký giả Hải Sơn. Như các hãng truyền thông quốc tế đã đưa tin, ông bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, sau khi tham dự hội nghị an ninh Shangri-La với 27 bộ trưởng quốc phòng khác trên thế giới ở Singapore trong đó có bộ trưởng quốc phòng Trung quốc và Việt Nam, thì ngày hôm sau 3 tháng 6 ông đã bay thẳng đến thăm căn cứ Cam Ranh. Đây là một bản tin quan trọng và đáng quan tâm, vì đây là lần đầu tiên một ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm Cam Ranh kể từ năm 1973 khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam .
ĐLSN: Nó quan trọng và đáng quan tâm ở những điểm nào, thưa ông?
TBN: Có hai điểm đáng quan tâm: Thứ nhất từ khi Nga rút ra khỏi Cam Ranh năm 2002 vì Nga không còn thế tại Tây Thái Bình Dương và tiền thuê căn cứ quá đắt, có giả thuyết Trung quốc đã ngỏ ý muốn xử dụng thuê bao hải cảng Cam Ranh với giá cao, nhưng Hà Nội đã không cho thuê để giữ tính trung lập giữa các thế lực, Nga, Tàu, Mỹ, Ấn Độ ... Nay ông Panetta đến thăm Cam Ranh chứng tỏ có sự chuyển hướng về chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam về sự xử dụng căn cứ Cam Ranh .
Thứ hai, tại Singapore ông Panetta đã báo trước Hoa Kỳ đang chuyển dần Hải lực sang vùng Á châu Thái Bình Dương trong vòng 8 năm tới .
Ông nói rằng Trung quốc đừng ngạc nhiên nếu trong tương lai Hoa Kỳ đưa thêm nhân sự và tàu chiến vào vùng Á châu Thái Bình Dương. Ông cũng không ngần ngại tiết lộ rằng cho đến năm 2020, 60% chiến hạm trong tổng số khoảng 280 chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ sẽ hiện diện tại vùng Á châu Thái Bình Dương, trong đó có 6 trong số 11 mẫu hạm. Ông Panetta nói kế hoạch bố trí dài hạn 8 năm trước mắt của Hải quân Hoa Kỳ đã được dự liệu dù ngân sách quốc phòng được cắt giảm.
ĐLSN: Theo ông Cam Ranh quan trọng đến mức độ nào? Ông có thể nói qua về căn cứ Cam Ranh không?
TBN: Trong vùng Á châu có nhiều căn cứ Hải quân quan trọng như Subic Bay, Okinawa ... Hoa Kỳ có thể xử dụng, nhưng Cam Ranh quan trọng nhất, vì rộng, nước sâu, tàu ra vào nhanh chóng. Con đường tàu chạy từ eo biển Malacca lên Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn điểm gần nhất chỉ cách hải cảng Cam Ranh 50 km.
Các thế kỷ trước khi các chúa Nguyễn thực hiện cuộc Nam tiến, các Chúa không để ý đến hải cảng này. Người Pháp đến họ cũng chỉ ghi nhận là hải cảng tốt. Hạm đội Nga Hòang có xử dụng một lần đầu thế kỷ thứ 19, Nhật Bản có dùng trong đệ nhị thế chiến .
Mãi đến 1964 Hải quân Hoa Kỳ mới bắt đầu nghiên cứu địa hình cảng Cam Ranh.
Từ năm 1965 đến năm 1973 Cam Ranh trở thành một cứ điểm quan trọng. Quân đội và tiếp liệu cho toàn cuộc chiến Việt Nam đều ra vào qua cảng Cam Ranh. Sau Hiệp Định Paris 1973 Hoa Kỳ rút các lực lượng ra khỏi Cam Ranh, và giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa không có phương tiện duy trì Cam Ranh như một căn cứ nên chỉ xử dụng một cách giới hạn, chính yếu là phi trường .
Năm 1975, sau khi Hà nội chiếm miền Nam, Hải quân Bắc Việt một phần không có nhu cầu, một phần không có khả năng nên căn cứ Cam Ranh bỏ trống. Năm 1979, sau cuộc chiến biên giới với Trung quốc, Việt Nam cho Nga thuê Cam Ranh trong 25 năm. Mục đích chính yếu là dùng sự hiện diện của Nga ngăn ngừa một cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung quốc. Nga đã biến cải Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn. Năm 1991 Liên bang Xô viết sụp đổ, quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc thay đổi.
Giữa năm 2002, Nga rút khỏi Cam Ranh. Và như đã nói, có tin đồn sau khi Nga rút đi, Trung quốc ve vãn Hà Nội để thuê cảng Cam Ranh, nhưng Hà Nội không thuận dù căn cứ Cam Ranh vẫn bỏ trống .
Những năm gần đây Hà Nội cho chuyển phi trường dân sự Nha Trang vào Cam Ranh dùng cho các chuyến bay nội địa. Người ta đoán Hà Nội có ý dân sự hóa hải cảng Cam Ranh, và sau đó quốc tế hóa nó để giải tỏa áp lực đòi thuê bao xử dụng của Trung quốc.
ĐLSN: Thế nay, theo ông Hà Nội thay đổi thái độ về việc xử dụng căn cứ Cam Ranh. Và có ý dành sự dễ dãi cho Hoa Kỳ chăng ?
TBN: Còn quá sớm để qủa quyết như vậy. Nhưng trước thái độ xâm lấn Biển Đông của Trung quốc trong những năm qua, nhất là việc bắt giữ đánh đập ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng quần đảo Hòang Sa, việc phá các kế hoạch dò tìm dầu thô của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế trong năm 2011, và qua năm 2012 này Trung quốc tiếp tục tăng các hành động khủng bố ngư dân, Việt Nam chắc không thể chỉ dùng phương pháp ôn hòa mãi được . Cho nên việc tiếp đón ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta có thể là một cảnh báo cho Trung quốc biết họ đừng đi qúa xa trong hành động lấn ép Việt Nam.
ĐLSN: Ông có nghĩ Trung quốc sẽ hiểu thông điệp nhắn gởi này này để đừng đi quá trớn không ? Và quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc sẽ thay đổi như thế nào sau chuyến thăm viếng này ?
TBN: Trong tình hình hiện nay Cam Ranh trở thành một cái chìa khóa giải quyết cuộc tranh chấp Biển Đông. Và như đã nói, nếu trong 10 năm qua (từ 2002 khi Nga rút ra khỏi Cam Ranh) Việt Nam đã từ chối mọi ve vãn quốc tế xử dụng cảng Cam Ranh và nhắm quốc tế hóa cảng này là một chính sách khéo léo thì với các chuyển biến càng lúc càng tăng cường độ của Trung quốc có thể buộc Việt Nam phải có một chọn lựa khác.
Đi xa như việc Việt Nam liên minh an ninh có văn bản với Hoa Kỳ thì còn quá sớm để bàn tới. Nhưng nếu có giao kèo để Hoa Kỳ xử dụng Cam Ranh thì có lẽ cũng là một thế bài giải nước bí của Việt Nam. Trước đây người ta vẫn đặt câu hỏi: Hoa Kỳ có muốn xử dụng lại Cam Ranh hay không. Và không ai có câu trả lời dứt khoát. Chuyến thăm viếng Cam Ranh của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta và sự tiếp đón nồng hậu của Việt Nam là một câu trả lời từ hai phía Mỹ, Việt không nhầm lẫn được.
Tín hiểu chuyển đổi chính sách của Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ làm Trung quốc rà soát và điều chỉnh lại chiến thuật tiến ra Biển Đông của họ. Và lịch trình Hoa Kỳ thuê bao Cam Ranh để làm căn cứ tiếp vận cho Hạm đội 7 còn tùy thuộc vào sự điều chỉnh này.
Có thể còn rất lâu những toan tính – nếu có – giữa Việt Nam với Hoa Kỳ mới thành sự thật. Nhưng chuyến thăm Cam Ranh của ông Panetta sẽ làm cho tính cách bè bạn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thay đổi, và quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam sẽ không còn như trước. Khẩu hiệu quan hệ dựa trên 16 chữ vàng sẽ trở thành trống rỗng và "giả dối" hơn bao giờ hết.

No comments:

Post a Comment