Wednesday, June 13, 2012

Càng học bác càng suy thoái, tham nhũng hơn


Thứ Ba ngày 12.06.2012     

Lời dẫn: Các đảng CS còn sót lại trên thế giới ngày hôm nay thật sự chỉ là những thây ma biết đi của lịch sử, làm sao có thể điều hành các thuộc cấp một cách hiệu năng. Đảng đã mang bệnh trầm kha từ thượng tầng cơ sở thì dù TBT Nguyễn Phú Trọng có kêu gào rớt cả quai hàm, đảng viên các cấp cũng tiếp tục tham nhũng tận răng. Học theo gương Bác Hồ, Bác Mao hay Bác Xít Ta Lin cũng chỉ làm trò rẻ tiền mà thôi, vì trong đảng CSVN không còn ai có không có chính tâm thành ý. Xin quý thính giả nghe bài tóm lược bình luận của Phạm Trần qua giọng đọc của Song Thập.
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện từ đầu năm 2007 theo Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 đã hoàn toàn thất bại dù được Bộ Chính trị kêu gọi "tiếp tục đẩy mạnh" bằng Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011.

Bằng chứng này không những chỉ thấy từ hai bài viết mới nhất của báo Quân đội Nhân Dân, tiếng nói của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận trung ương của Mặt trận Tổ Quốc, tổ chức chính trị ngoại vi của đảng mà còn phát ra từ cửa miệng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.
Trước hết, Trọng tuyên bố tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 16-5-2012 tại Hà Nội rằng: "Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 cũng còn những hạn chế, tồn tại. Việc triển khai nhìn chung còn chậm. Một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương chưa hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch của Ban Bí Thư. Trong tổ chức thực hiện, nhiều việc còn lúng túng, nhất là trong các hoạt động cụ thể ở địa phương và cơ sở..."
Tại sao lại vẫn còn nhiều "hạn chế, tồn tại, hình thức", thậm chí có nhiều "đoàn thể Trung ương chưa hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao" và chưa có nhiều "cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia việc học tập quan trọng này?"
Bởi vì tình trạng "trên bảo dưới không nghe" và "đùn đẩy trách nhiệm" đã phổ biến trong đảng theo nguyên tắc "thượng bất chính, thì hạ phải lọan", hay "nhân nào thì sinh ra quả ấy" không sai đi đâu một ly.
Đó là lý do tại sao đảng không phòng, chống nổi tham nhũng, lãng phí từ khi có Nghị quyết 6 (lần 2) năm 1999 thời đảng khóa VIII về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay".
Mười ba năm sau, tham nhũng, lãng phí vẫn là khối u bất trị khiến đảng khóa XI phải ra thêm Nghị quyết 4 ngày 31/12/2011 cũng về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Sở dĩ tệ nạn tham nhũng đã thành mối đe dọa cho sự sống còn của đảng vì mỗi cán bộ, đảng viên bây giờ là một ông vua con sống theo chủ nghĩa cá nhân.
Ngoài 19 điều nghiêm cấm, nhiều thành phần cán bộ, đảng viên còn phải có cuộc sống trong sáng, minh bạch chuyện công với việc tư để làm gương cho dân và người dưới quyền. Một trong những việc làm này là "minh bạch tài sản, thu nhập" đã được quy định trong Nghị định Chính phủ số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007.
Nhưng ai phải kê khai tài sản?
Bây giờ 5 năm sau, đố ai biết các hồ sơ khai báo này do ai giữ và cất ở đâu?
Chuyện trớ trêu của màn kịch "tự biên tự diễn" hình thức này là người dân đừng hy vọng có ngày sẽ được nhìn hay đọc để so sánh với khối tài sản của chìm, của nổi kếch xù của nhiều cán bộ, đảng viên đang phơi ra trước mắt mọi người.
Chuyện tham nhũng cũng được nhiều Đại biểu than phiền ở diễn đàn Quốc hội nhưng xem ra đã biến thành chuyện "nghe qua rồi bỏ" nên ngày 7/6/2012 ông Lê Như Tiến, Đại biểu của tỉnh Quảng Trị đã phải gay gắt hơn.
Ông nói: "Tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước..."
Vì vậy, báo QĐND mới khẩn trương báo động rằng: "Đảng, toàn dân, toàn quân cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tệ nạn tham nhũng, lãng phí đang là "quốc nạn" làm cản trở, gây tắc nghẽn công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn nạn tham nhũng mà Người ví như là "giặc nội xâm".
Trong khi đó báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc lại kêu gọi toàn đảng phải ra sức "Ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân", của tác giả Nguyễn Minh Đức trong số ra ngày 06/06/2012.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm, yếu kém nói trên, nhưng đáng chú ý nhất là bắt nguồn từ sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Và suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân."
Vậy có ai thử hỏi Nguyễn Phú Trọng xem cái "bộ phận không nhỏ" này là bao nhiêu trong số trên 3 triệu đảng viên?
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nói với Báo Tuổi Trẻ ngày 3/5/2012 rằng: "... điều nghiêm trọng hơn là vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, có khi làm lệch lạc về chủ trương, chính sách, nên hết sức nguy hiểm. Lần đầu tiên trong văn kiện đã được Tổng bí thư cảnh báo vấn đề lợi ích nhóm, nên rất hệ trọng."
À thì ra trong đảng bây giờ có nhiều nhóm "lợi ích" quá. Chúng mạnh đến nỗi có thể "làm lệch lạc" được cả "chủ trương" và "chính sách" của đảng thì nguy thật rồi!
Vì vậy ông Sang mới cảnh giác rằng: "Chống tham nhũng, lãng phí... thực chất cũng là xây dựng Đảng. Hai vấn đề này đều có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chẳng hạn như nếu cuối nhiệm kỳ này, trung ương công bố rằng việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 thật tốt, nhưng tham nhũng, lãng phí không giảm là không thành công. Chắc chắn là như thế. Hay nói rõ hơn, nếu như trung ương lãnh đạo chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ không làm giảm đi, không đẩy lùi được thì cũng có nghĩa nghị quyết trung ương 4 không thành công. Nếu không muốn nói là thất bại."
Lời nói của Sang đưa ra trước khi Ban Chấp hành Trung ương tước mất chức Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng để trao cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 15/05/2012.
Như vậy, nếu đến 2016, khi nhiệm kỳ đảng khóa XI chấm dứt mà tham nhũng vẫn ngồi chễm chệ trên mũi đảng thì Nguyễn Phú Trọng có mất chức không hay cả Sang và đảng CSVN sẽ tiêu tùng luôn?
Phạm Trần
(06/012)

No comments:

Post a Comment