Wednesday, October 2, 2024

Thấy gì qua yêu cầu dẫn độ ông Y Quynh Bdap?

Bình Luận

Dù bị tòa án Thái Lan ra quyết định cho dẫn độ ông Y Quynh Bdap về VN nhưng quyết định cuối cùng vẫn hoàn toàn thuộc về chính phủ Thái Lan bởi có nhiều lý do vi phạm pháp luật từ chính tòa án VN.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Luật sư Đặng Đình Mạnh với tựa đề:Thấy gì qua yêu cầu dẫn độ ông Y Quynh Bdap sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Đặng Đình Mạnh.

Ngày 30 Tháng Chín, 2024, tòa án tại Thái Lan đã ra phán quyết cho phép chính phủ nước này quyết định việc dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam.

Trước đó, tháng Tám 2023, chế độ Cộng Sản trong nước đã phát lệnh truy nã và yêu cầu chính quyền Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bdap, người đang tỵ nạn chính trị tại nước này về Việt Nam, với cáo buộc “khủng bố” liên quan đến vụ nổ súng vào trụ sở công an tại tỉnh Đắk Lắk hồi Tháng Sáu 2023.

Nguyên, ông Y Quynh Bdap (sinh năm 1992), một người Êđê và là một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của người Thượng theo đạo Tin Lành ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Ông cũng là người đồng sáng lập tổ chức xã hội dân sự Người Thượng vì Công lý.

Trong một động thái hiếm hoi của nền tư pháp, Tháng Giêng 2024, ông Y Quynh Bdap đã bị xét xử vắng mặt với mức hình phạt lên đến 10 năm tù giam. Chưa hết, thượng tuần Tháng Ba 2024, Bộ Công an CSVN chính thức gán cho tổ chức Người Thượng vì Công lý là tổ chức khủng bố.

Việc xét xử vắng mặt

Từ trước cho đến nay, trong các vụ điều tra hình sự, mỗi khi vắng mặt nghi can sẽ dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án) ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra. Vì vắng mặt thì không có cơ sở để điều tra vụ án và kết luận rằng nghi can ấy có tội hay không. Không bao giờ có việc nghi can vắng mặt mà vẫn tiến hành điều tra và xét xử rồi tuyên án vắng mặt tại tòa án.

Điều này hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam vốn không có bất kỳ quy định nào về thủ tục xét xử vắng mặt bị cáo. Luật pháp không quy định thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được phép làm.

Cho đến Tháng Tám 2023, Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam vẫn chưa hề có thay đổi gì về việc được phép xét xử vắng mặt. Thế nhưng, lần đầu tiên, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tại Việt Nam đã điều tra, truy tố và xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người bị cáo buộc về nhiều tội danh liên quan đến hối lộ quan chức của chế độ, vi phạm quy định đấu thầu, đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Mục đích của việc xét xử vắng mặt, tuyên án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có tội và chính thức trở thành tội phạm, là cơ sở để chế độ trong nước yêu cầu quốc gia mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang cư trú phải cho dẫn độ bà ấy về Việt Nam để thụ án. Lý do này, chính báo chí trong nước đã công khai dẫn tin thông qua lời giải thích của quan chức cao cấp thuộc Ban Nội chính Trung ương [1].

Đồng thời, với việc tuyên bản án hình sự xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn một cách không có cơ sở pháp luật như vậy, tòa án Việt Nam đã cố ý tạo thành một án lệ phi pháp để xét xử các vụ án hình sự khác cũng vắng mặt các nghi can. Từ đó, yêu cầu dẫn độ, nhất là đối với các nghi can đang tỵ nạn chính trị tại nước ngoài.

Đến Tháng Giêng 2024, khi xét xử vụ án hình sự đối với 100 nghi can bị cáo buộc tội danh “Khủng bố” vì sự việc bạo động xảy ra vào Tháng Sáu 2023 tại Đắk Lắk, thì lần nữa, nhiều nghi can đang sinh sống ở nước ngoài đã bị điều tra, truy tố và xét xử vắng mặt, trong đó có trường hợp ông Y Quynh Bdap, người tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018.

Chưa kể rằng, về dẫn độ, tuy hiện nay Việt Nam và Thái Lan chưa ký kết Hiệp định Dẫn độ, nhưng vào thượng tuần Tháng Ba 2010, chính quyền hai nước đã từng ký kết Hiệp định “Về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự”. Trong đó, việc “chuyển giao” người quy định chỉ đặt ra đối với trường hợp người đã bị kết tội hình sự mà thôi[2].

Thế nên, đánh giá về phương diện pháp lý. Việc tòa án tỉnh Đắk Lắk xét xử, tuyên án hình sự vắng mặt đối với ông I Quynh Bdap không chỉ hoàn trái với quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam hiện hành, mà còn thể hiện sự tùy tiện lợi dụng vụ án để đàn áp riêng đối với trường hợp ông Y Quynh Bdap vì động cơ chính trị rõ rệt.

Việc xét xử lưu động

Trước đây, các tòa án không chỉ xét xử tại trụ sở tòa án, mà còn thường xuyên đưa các vụ án hình sự ra xét xử lưu động tại các nơi công cộng, như: Chợ, trường học, công viên, đường phố… với mục đích để thị uy đối với người dân.

Nhưng từ năm 2018, chính ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã yêu cầu dừng việc xét xử lưu động vì các mặt hạn chế của nó.

Vì lẽ, xét xử lưu động là tàn tích xét xử man rợ, vô nhân đạo từ xa xưa để lại mà khi đó, việc xét xử không phải bằng một hội đồng xét xử có hiểu biết pháp luật, mà hầu như bằng cả cộng đồng như bộ tộc cùng tham gia xét xử. Thậm chí, việc thi hành án được thực hiện ngay tại chỗ bằng cách đám đông ném đá trừng trị người bị xét xử.

Tuy luật về tố tụng hình sự Việt Nam chưa từng quy định thủ tục xét xử lưu động, nhưng nhiều tòa án đã tùy tiện quyết định việc xét xử lưu động các vụ án hình sự. Thậm chí, đã từng có bị cáo tự tử vì xấu hổ khi biết vụ án mình sẽ bị đưa ra xét xử theo thủ tục lưu động trước công chúng tại địa phương nơi người này sinh sống.

Hơn nữa, thủ tục này cũng không bảo đảm một loạt nguyên tắc hình sự căn bản như “Suy đoán vô tội”, hoặc “Một người chỉ được xem là tội phạm khi có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật”, hay “Nguyên tắc thẩm phán độc lập xét xử” và “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”…

Vì lẽ, khi đưa ra xét xử thì bị cáo vẫn chưa phải là tội phạm. Do đó, trình bày hành vi của họ như một hành vi tội phạm ra trước mặt công chúng là bất hợp pháp và không chính đáng. Chưa kể rằng thái độ xét xử của hội đồng xét xử và phản ứng của công chúng qua diễn biến trong phiên tòa cũng sẽ tạo sự tác động qua lại, làm ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của thẩm phán, cũng như yêu cầu xét xử khách quan của hội đồng xét xử.

Ngoài ra, việc xét xử lưu động còn gây hậu quả kéo dài cho đến khi người bị xét xử đã thụ án xong, trở về địa phương, thì sự hòa nhập của họ với xã hội sẽ càng khó khăn với những định kiến trước đó của công chúng địa phương đối với họ qua phiên tòa lưu động.

Thế nên, việc chính quyền ngừng xét xử lưu động với người Kinh nhưng lại quyết định đưa ra xét xử lưu động đối với 100 người Thượng tại Đắk Lắk vào ngày 16 Tháng Giêng 2024 là một sự kiện hết sức đáng lên án. Chúng không chỉ đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền, các quy chuẩn luật pháp văn minh mà còn là sự phân biệt chủng tộc rất đáng xấu hổ.

Chứng cứ ngoại phạm hoàn hảo

Nhiều vụ án hình sự oan ức đã từng bị phanh phui đã cho thấy rất rõ về tình trạng dùng nhục hình, tra tấn một cách phổ biến của tất cả các điều tra viên để ép buộc các nghi can phải nhận tội, hoặc đổ tội cho các nghi can khác để bản thân thân mình được giảm nhẹ hình phạt. Vì nếu không, sẽ không thể giải thích được một người không phạm tội, lại nhận mình có tội, thậm chí, diễn án (thực nghiệm điều tra) lại y như thật trong các vụ án oan. Thế nên, việc cưỡng bức các nghi can trong vụ án khai đổ tội cho Y Quynh Bdap như là một trong các thủ phạm chủ chốt của vụ án là khả năng không thể loại trừ.

Không chỉ thế, việc cáo buộc tội danh “Khủng bố”, một tội danh mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không thể chấp nhận cho Y Quynh Bdap là một sự tính toán thâm hiểm của chính quyền trong nước. Chúng sẽ khiến các quốc gia khác, bao gồm cả quốc gia mà Y Quynh Bdap đang tỵ nạn phải e ngại nếu còn chứa chấp sẽ trục xuất hoặc cho dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam.

Bên cạnh những điều ấy, tất cả các chứng cứ buộc tội của chính quyền đối với Y Quynh Bdap đều trở nên kém thuyết phục đến tuyệt đối. Vì lẽ, Y Quynh Bdap có chứng cứ ngoại phạm hoàn hảo. Ông ấy ở BangKok, Thái Lan nơi cách xa tỉnh Đắk Lắk đến hai đường biên giới được kiểm soát nghiêm ngặt, gồm Thái Lan – Cambodia và Cambodia – Việt Nam vào thời điểm Tháng Sáu 2023, thời điểm xảy ra cuộc bạo động.

Chính bản án hình sự sơ thẩm số 08/2024 ngày 20 Tháng Giêng 2024 của Tòa án Nhân dân Tỉnh Đắk Lắk, phần ghi về lý lịch của Y Quynh Bdap tại trang số 23 cũng đã thừa nhận chứng cứ ngoại phạm hoàn hảo của Y Quynh Bdap như sau: “Bị cáo vượt biên sang Thái Lan từ năm 2018 cho đến nay”. Nếu Y Quynh Bdap đã “…vượt biên sang Thái Lan từ năm 2018 cho đến nay” thì lấy đâu ra một Y Quynh Bdap nào ở Đắk Lắk vào ngày 11 Tháng Sáu 2023 để phạm tội khủng bố?

Cho thấy, phán quyết ngày 30 Tháng Chín 2024 của tòa án Thái Lan là hết sức khó hiểu. Tuy vậy, về thủ tục, phán quyết của tòa án chỉ đánh giá về việc dẫn độ có thể được chấp nhận hay không, chứ không phải là phán quyết cưỡng hành đối với quyền hành pháp. Y Quynh Bdap vẫn còn 30 ngày để kháng cáo và bản thân chính phủ Thái Lan cũng vẫn có toàn quyền để quyết định thực hiện việc dẫn độ hay không? Mọi việc vẫn còn đang ở phía trước.

 

No comments:

Post a Comment