Trước sự kiện VN muốn tiến gần với Tây phương nhất là Mỹ đã khiến Trung cộng thấy bất an và đã ra tay tấn công một cách tàn bạo vào các ngư dân VN nhưng lại thâm hiểm mời VN hợp tác trong việc chế tạo máy bay hầu đưa VN vào thế mắc kẹt với Mỹ.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hoàng Trường được đăng trên
blog của tác giả với
tựa đề: “Sau ‘hành xử thô bạo’
Trung Quốc sẽ làm gì?” sẽ được Hướng Dương trình bày để
kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Hoàng Trường / Blog Hoàng Trường.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi truy đuổi và
tấn công ngư dân Quảng Ngãi của lực lượng Trung cộng, gọi đây là "hành xử
thô bạo". Theo thông báo, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại
sứ quán Trung cộng tại Hà Nội, chính thức phản đối những hành vi này.
Thái
độ cứng rắn trên phản ảnh rõ sự bất bình của Việt Nam trước những hành động của
Trung cộng liên tiếp vi phạm chủ quyền và quyền lợi của ngư dân Việt Nam tại
vùng biển Hoàng Sa.
Từ
trước đến nay, Trung cộng luôn luôn tìm cách duy trì ảnh hưởng đối với Việt
Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội ngày càng mở rộng quan hệ với các nước
phương Tây và Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến lược “cái gậy và củ cà rốt,”
nhằm kiềm chế Việt Nam. Thời gian gần đây, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm
tới thăm các nước Mỹ, Pháp, Ireland… và tham gia các diễn đàn quốc tế càng
khiến Bắc Kinh tăng cường các hành động quân sự và ngoại giao để tạo sức ép đối
với Việt Nam. Theo Reuters, từ ngày 30/9 đến 1/10, Trung cộng đã khai triển các
cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại Biển Đông, thể hiện rõ ràng sự phản ứng
của họ trước những nỗ lực ngoại giao “hướng Tây” của Việt Nam. Trong khi đó,
Trung cộng vẫn khẳng định tàu cá Việt Nam “đã vi phạm vùng biển Hoàng Sa”, nhằm
giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ tấn công này trong mắt công luận quốc tế.
Trong
bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, câu hỏi “Trung cộng sẽ làm gì tiếp?”
không chỉ đơn giản là một lời báo động mà còn là một dự đoán có căn bản về
những hành động tiếp theo của Bắc Kinh. Các hành vi hung hăng của Trung cộng
đối với ngư dân Việt Nam không phải là những sự kiện riêng lẻ, mà là một phần
trong chiến thuật “vùng xám” mà Bắc Kinh áp dụng ở Biển Đông. Tương lai, Trung
cộng có thể tiếp tục phối hợp các biện pháp quân sự và ngoại giao để gia tăng
áp lực lên Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm khi Hà Nội đang có những
thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao. Bắc Kinh có thể lợi dụng thời điểm này để
làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn chặn nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt
quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trung cộng có thể sử dụng sức mạnh
kinh tế và các đòn bẩy ngoại giao nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, từ
đó buộc Hà Nội phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại để tránh rơi vào tình thế
bất lợi. Câu hỏi quan trọng đặt ra là Trung cộng sẽ điều chỉnh chiến lược
"vừa đánh vừa đàm" ra sao trong tương lai gần?
Dù
hai bên Việt Nam và Trung cộng từng có những thỏa thuận mang tính nhượng bộ như
Hà Nội chia sẻ “tương lai chung” với Bắc Kinh và tuyên bố ủng hộ các sáng kiến
về “an ninh – phát triển – văn minh toàn cầu” của Trung cộng, Bắc Kinh vẫn
không từ bỏ những hành động nhằm gây sức ép cả về ngoại giao lẫn quân sự với Hà
Nội. Đặc biệt, giới phân tích chú ý đến thời điểm nhạy cảm khi TBT — CTN Tô Lâm
chuẩn bị gặp gỡ TBT — CTN Tập Cận Bình. Ngày 19/8/2024, Trung cộng cho tàu cố
tình va chạm vào tàu Philippines gần bãi cạn Sabina Shoal thuộc quần đảo Trường
Sa. Nhiều chuyên gia nhận định, đây không chỉ là hành động nhắm đến
Philippines, mà còn là cách Trung cộng gửi thông điệp cảnh cáo gián tiếp đến
Việt Nam: Việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ hay phương Tây sẽ không làm thay
đổi chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Sự kiện này xảy ra ngay
trước khi ông Tập và ông Tô Lâm cùng duyệt đội quân danh dự tại Đại sảnh đường
Nhân dân ở Bắc Kinh, cho thấy Trung cộng luôn biết cách sử dụng thời điểm nhạy
cảm để gia tăng áp lực đối với Việt Nam.
Dựa
vào các hành động gần đây của Bắc Kinh, có thể dự đoán rằng Trung cộng sẽ tiếp
tục duy trì một chiến lược kết hợp giữa sức mạnh cứng và mềm nhằm đạt được các
mục tiêu của mình trong khu vực Biển Đông. Về mặt quân sự, việc Bắc Kinh tiến
hành các cuộc tuần tra và tập trận gần khu vực tranh chấp với các nước láng
giềng sẽ tiếp tục được tăng cường, tạo ra áp lực liên tục lên các nước Đông Nam
Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Trung cộng có thể sẽ tìm cách chia
rẽ ASEAN, khai thác các mối quan hệ không đồng đều giữa các thành viên của khối
này để làm suy yếu lập trường chung của ASEAN đối với các vấn đề tranh chấp
trên biển. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thể gia tăng sức ép kinh tế, thông qua
các biện pháp như hạn chế xuất nhập cảng hoặc sử dụng đòn bẫy tài chính, nhằm
gây khó khăn cho Việt Nam trong việc duy trì các quan hệ đối tác chiến lược với
phương Tây. Tuy nhiên, với sự chủ động và kiên định của Việt Nam trong việc
củng cố các mối quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu, Trung cộng có thể sẽ phải điều
chỉnh chiến lược của mình, tạo ra sự cân bằng giữa việc gây sức ép và duy trì
mối quan hệ hợp tác cần thiết với Việt Nam.
Nhân
dịp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp
tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung cộng ở Bắc Kinh, ngày 30/9, Bộ trưởng
Công nghiệp và Công nghệ Trung cộng đã kêu gọi Việt Nam hợp tác với Trung cộng
trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy bay. Trước bối cảnh Trung cộng mong muốn
tăng cường hợp tác kinh tế và kỹ thuật với Việt Nam, Hà Nội sẽ phải đối mặt với
áp lực không nhỏ từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Chính quyền
Washington, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung cộng và mối quan hệ
căng thẳng ngày càng gia tăng về kỹ thuật, sẽ theo dõi chặt chẽ các bước đi của
Việt Nam. Bất kỳ sự hợp tác quá gần gũi nào với Bắc Kinh trong các lĩnh vực kỹ
thuật cao, chẳng hạn như vũ trụ và hàng không, có thể gây ra những hệ quả đối
với quan hệ Việt – Mỹ. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần duy trì một chiến lược
“ngoại giao cân bằng bền”, tiếp tục thu hút đầu tư và hỗ trợ từ phương Tây,
đồng thời không để mối quan hệ với Trung cộng trở nên căng thẳng quá mức. Khả
năng quản trị mối quan hệ này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ lợi
ích quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến an ninh
và chủ quyền tại Biển Đông. Tương lai gần sẽ chứng kiến những quyết định quan
trọng của Hà Nội trong việc điều hướng mối quan hệ song phương phức tạp này.
No comments:
Post a Comment