Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Minh Nguyệt và Vũ Đình
1/ BÀ NGUYỄN THÚY HẠNH ĐÃ MÃN HẠN TÙ SAU PHIÊN XỬ KÍN
Tòa án Hà Nội đã tuyên bà Nguyễn Thúy Hạnh 3 năm rưởi tù
giam trong một phiên tòa kín vào tháng 7, đến hôm qua 7/10 bà vừa hết án và trở
về nhà.
Bà Hạnh 61 tuổi bị bắt vào ngày 7/4 năm 2021 với cáo buộc
“tuyên truyền chống phá nhà nước”. Trong thời gian điều tra, bà bị đưa vào viện
Pháp y Tâm thần Trung ương để chữa trị chứng bệnh trầm cảm và tiếp tục được đưa
đi xạ trị ở bệnh viện sau khi phát giác bà bị ung thư cổ tử cung.
Chồng bà là ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết là bà Hạnh bị đưa
ra xét xử kín vào ngày 31/7 trong phiên tòa không có luật sư bào chữa, với mức
án tù là ba năm sáu tháng, nhưng không có án quản chế. Sau phiên tòa sơ thẩm,
bà bị đưa về trại tạm giam số 2 của công an Hà Nội, và được đưa đi chữa trị
bệnh ung thư theo định kỳ.
Điều lạ lùng là vào sáng 7/10, gia đình tập trung ở gần trại
tạm giam số 2 của công an Hà Nội để đón bà Hạnh nhưng sau đó lại nhận được cuộc
gọi của bà từ Thanh Hóa. Ông Chênh cho biết là bọn công an bất ngờ đưa bà Hạnh
vào trại giam ở Thanh Hóa, sau đó mới thả bà.
Cần nhắc lại là vào năm 2016, bà Nguyễn Thúy Hạnh ra ứng cử
quốc hội với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ
nữ. Tuy nhiên bà cũng như một số ứng viên độc lập khác không thể vượt qua vòng
hiệp thương.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là người sáng lập và điều hành Quỹ 50K
chuyên giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp khó khăn.
2/ THÉP CHỐNG ĂN MÒN VN BỊ MỸ MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
Bộ thương mại Hoa Kỳ đã chính thức mở cộc điều tra chống
bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn, tức thép CORE, nhập cảng
từ Việt Nam.
Bộ công thương cho hay tin trên và giới báo chí lề đảng đã
loan tin này vào ngày 6/10. Ngoài Việt Nam, bộ thương mại Mỹ cũng khởi xướng
điều tra đối với các nước như Canada, Mexico, Brazil, Hòa Lan, Đài Loan, Thổ
Nhĩ Kỳ, Úc và Nam Phi.
Theo bộ công thương VN, đây đều là các quốc gia thuộc 10 nước
xuất cảng sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ, chiếm tới 75% kim ngạch nhập cảng
vào Hoa Kỳ năm 2023. Thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 6 tháng đầu năm nay và
chống trợ cấp là năm 2023.
Việt Nam là nước chịu biên độ chống bán phá giá cao nhất
trong 10 nước bị điều tra, lên tới gần 200% và thời kỳ điều tra thiệt hại ba
năm, tức từ năm 2021 đến năm 2023.
Trong thông báo điều tra, bộ thương mại Hoa Kỳ xác định
trong ba năm qua, Việt Nam đã xuất cảng các sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ,
xếp thứ ba trong số 10 nước bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico.
3/ HÒA LAN ĐẦU TƯ HƠN 400 TRIỆU ÂU KIM ĐỂ CHẾ DRONE CHO UKRAINE
Trong chuyến thăm bất ngờ đến Kiev vào
hôm 6/10, Bộ trưởng quốc phòng Hòa Lan Ruben Brekelmans cho biết nước này sẽ
đầu tư khoảng 400 triệu Âu kim để sản xuất các loại drone tiên tiến cho Ukraine.
Ông Brekelmans cũng thông báo là các
chiến đấu cơ F-16 đã hoạt động bảo vệ không phận của Kiev, và trong những tháng
tới, Ukraine sẽ nhận được thêm chiến đấu cơ này.
Trả lời báo chí, ông Brekelmans cho biết là kế hoạch đầu tư
vào drone hỗ trợ Ukraine, bao gồm việc kết hợp kiến thức của cả hai nước để cải thiện công
nghệ được xử dụng trên chiến trường, tập trung vào nhiều loại
drone, như drone trinh sát, phòng thủ và tấn công. Khoảng một nửa số tiền đầu
tư sẽ được chi ở Hòa Lan, nửa còn lại sẽ dành cho Ukraine và một số nước khác.
Cần biết là kể từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga vào
Ukraine, Hòa Lan đã thông báo gói hỗ trợ 10 tỷ Âu kim về quân sự cho Kiev. Hòa
Lan cũng đã hỗ trợ hệ thống phòng không của Ukraine qua việc cung cấp 16 chiến
đấu cơ F-16 và thúc đẩy các đồng minh có hành động tương tự.
Vào hôm 6/10, Hòa Lan cam kết sẽ cấp thêm cho Ukraine 24
chiếc F-16. Bộ trưởng quốc phòng Hòa Lan khẳng định các chiến đấu cơ đầu tiên
đã hoạt động trong không phận Ukraine. Các đợt tiếp theo sẽ được chuyển giao trong
những tháng tới, có thể là đầu năm sau.
Hòa Lan cũng sẽ chuyển giao đạn dược và nhiên liệu cho
F-16, đồng thời tìm cách mở rộng chương trình đào tạo phi công cho Ukraine,
thông qua các đối tác và nhà sản xuất Lockheed Martin.
4/ DO THÁI TỔ CHỨC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ ĐẪM MÁU 7/10 NĂM NGOÁI
Người dân Do Thái đã tổ chức các buổi lễ trang nghiêm vào hôm
qua 7/10 để đánh dấu một năm kể từ vụ tấn công chết chóc nhất trong lịch sử đất
nước. Biến cố này diễn ra sau cuộc đột kích do phe Hamas cầm đầu vào năm ngoái
đã phá vỡ cảm giác an ninh của họ và châm ngòi cho các cuộc chiến tranh kéo dài
ở Trung Đông.
Ngược lại phe Hamas cũng kỷ niệm 1 năm ngày nổ ra cuộc tấn
công nói trên bằng cách bắn một loạt phi đạn vào thành phố Tel Aviv nhằm nhấn
mạnh khả năng phục hồi của họ sau một năm chiến tranh và tàn phá ở Gaza.
Cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới một năm trước, khiến
người Do Thái không kịp chuẩn bị trong một ngày lễ lớn của người dân Do Thái,
đã làm lung lay niềm tin của họ vào các nhà lãnh đạo và quân đội của họ. Khoảng
100 con tin bị bắt vào ngày hôm đó vẫn chưa được trả tự do, một phần ba trong
số đó được cho là đã chết và các nỗ lực ngừng bắn đã bị đình trệ.
Cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn và Do Thái đang tiến hành
một cuộc chiến mới chống lại phe Hezbollah ở Lebanon. Ngoài ra còn có một cuộc
xung đột leo thang với Iran, quốc gia ủng hộ Hamas và Hezbollah, đe dọa kéo khu
vực này vào một cuộc xung đột thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Không có sự kiện kỷ niệm chính thức nào được lên kế hoạch ở
Gaza, nơi giao tranh vẫn đang diễn ra, nhiều khu vực rộng lớn đã bị phá hủy
hoàn toàn và hầu hết người dân đã phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi đó, người dân Do Thái đã đổ xô đến các buổi lễ,
nghĩa trang và địa điểm tưởng niệm trên khắp đất nước để tưởng nhớ hàng trăm
nạn nhân, hàng chục con tin vẫn đang bị giam cầm và những người lính đã hy sinh
trong trận chiến. Các buổi lễ tưởng niệm cũng được lên kế hoạch trên khắp châu
Âu và những nơi khác.
Các chiến binh do Hamas cầm đầu đã giết khoảng 1200 người,
chủ yếu là thường dân, trong vụ tấn công ngày 7/10 và bắt cóc thêm 250 người
khác.
Cờ tại quốc hội của Do Thái đã được treo rủ, và một buổi lễ
chính thức của nhà nước được phát sóng vào tối ngày 7/10. Buổi lễ được ghi hình
trước mà không có khán giả tại thành phố Ofakim ở phía nam, một trong số nhiều
cộng đồng và căn cứ quân đội đã bị tấn công một năm trước.
Cuộc chiến ở Gaza đã giết chết hơn 41 ngàn người Palestine,
khiến hơn 2 triệu dân Palestine phải rời
bỏ nhà cửa và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo dẫn đến nạn đói lan rộng.
No comments:
Post a Comment