Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Ngọc Sương & Hải Vân
1.SÀI GÒN: LƯỢNG KIỀU HỐI ĐẠT KỶ LỤC HƠN 7,4 TỶ ĐÔ-LA CHỈ TRONG 9 THÁNG
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tại Sài Gòn công bố, lượng kiều hối chuyển về thành phố này đã đạt gần 7,4 tỷ USD trong 9 tháng, tính từ đầu năm. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Báo cáo của NHNN cho thấy lượng kiều hối chuyển về Sài Gòn trong chín tháng đầu của năm 2024 bằng 78,1% so với cả năm 2023 (là năm có lượng kiều hối chuyển về cao nhất, đạt 9,46 tỷ USD).
Trong đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á là 53,8%, chiếm tỷ trọng cao nhất. Lượng tiền từ châu Mỹ tăng 4,4%, châu Đại Dương tăng 20% trong khi khu vực châu Âu giảm 19,1% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Hà Nội, hiện Việt Nam có khoảng 6 triệu người sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó 80 % tập trung ở những nước phát triển. Số liệu này là 2,7 triệu người cách đây 20 năm. Ngoài lượng kiều hối từ những người định cư từ làn sóng tị nạn sau năm 1975, nhiều năm gần đây, số đi lao động xuất khẩu khoảng 120.000- 140.000 người mỗi năm gửi về khoảng 3,5 đến bốn tỷ USD.
Năm 1993, Việt Nam bắt đầu thống kê lượng kiều hối chuyển về nước. Tính đến năm 2022, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt trên 190 tỷ USD. Số này gần tương đương nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân trong cùng kỳ.
2.LHQ KÊU GỌI VIỆT NAM TRẢ TỰ DO CHO TIẾN SĨ PHẠM CHÍ DŨNG
Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về vấn đề bắt giữ tùy tiện (UNWGAD) vừa đưa ra kết luận rằng Hà Nội đã vi phạm các công ước quốc tế và giam giữ tùy tiện khi bỏ tù nhà báo tự do, tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
UNWGAD đã thông qua bản ý kiến về trường hợp của ông Dũng tại phiên họp thứ 100 của nhóm này vào ngày 30/8/2024.
Nhóm này tuyên bố rằng, “việc tước đoạt quyền tự do của ông Phạm Chí Dũng là tùy tiện và trái với nhiều quyền khác nhau được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, 58 tuổi, bị bắt giam ngày 16/11/2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, cùng với hai thành viên khác của Hội Nhà báo Độc lập là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Dũng bị tuyên án 15 năm tù, trong khi ông Thụy và ông Tuấn mỗi người bị phạt 11 năm tù giam.
Trước đó, vào năm 2021, UNWGAD ra tuyên bố ông Tuấn bị giam giữ tùy tiện và ra tuyên bố tương tự vào năm 2023 đối với trường hợp ông Thụy. Ông Dũng là người cuối cùng thuộc trong nhóm ba người bị cầm tù của Hội Nhà báo Độc lập mà UNWGAD ra kết luận trên.
Việt Nam chưa phản hồi về tuyên bố của UNWGAD.
3.MỸ TRỪNG PHẠT DOANH NGHIỆP TRUNG CỘNG SẢN XUẤT DRON ĐƯỢC NGA SỬ DỤNG ĐỂ XÂM LƯỢC UKRAINE
Bộ Tài Chính Mỹ hôm 17/10 ra thông báo trừng phạt 2 công ty Trung Cộng và một công ty ở Nga liên quan đến việc sản xuất drone mà Matxcơva sử dụng để tấn công Ukraina. Đây là lần đầu tiên, Hoa Kỳ ban hành những biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Cộng vì “cộng tác với công ty Nga để phát triển và trực tiếp sản xuất hệ thống vũ khí hoàn chỉnh”.
Hai công ty tại Hoa Lục bị trừng phạt là Xiamen Limbach Aircraft Engine Co chuyên sản xuất động cơ cho drone dòng Garpiya của Nga và Redlepus Vector Industry Shenzhen Co. vì đã vận chuyển drone. Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn Nga Trading House Vector và một công dân Nga, Artem Mikhailovich Yamshchikov, cũng bị nhắm đến.
Trước đây, Mỹ đã trừng phạt nhiều công ty Trung Cộng nhưng chỉ liên quan đến việc cung cấp linh kiện vũ khí cho doanh nghiệp Nga. Washington khẳng định sẽ “tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới để khiến Trung Quốc hiểu rằng hành vi này là không thể chấp nhận được và phải có biện pháp ngăn cản”.
No comments:
Post a Comment