Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Hướng Dương trình bày sau đây.
1/ HAI TNLT VẪN KIÊN CƯỜNG TUYỆT THỰC Ở TRẠI GIAM SỐ 6
Ông Đặng Đình Bách đã ăn trở lại khi sức khỏe của ông bị
suy sụp nghiêm trọng, nhưng hai tù nhân lương tâm khác là ông Bùi Văn Thuận và Trịnh Bá Tư tiếp
tục cuộc tuyệt thực của mình sang ngày thứ 19 trong trại giam số 6 của huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An.
Cả ba ông bắt đầu cuộc tranh đấu của mình từ ngày 28/9 vừa
qua để phản đối hình thức giam giữ tù nhân trong "chuồng cọp" ở phân
trại 1, cũng như đòi trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến đang bị
lao tù ở Việt Nam.
Ngày 16/10, ông Trịnh Bá Khiêm, cha của ông Trịnh Bá Tư,
cùng con gái là Trịnh Thị Thảo, đã đến trại giam để thăm gặp nhà đấu tranh này,
người đang thọ án 8 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Bà Thảo cho biết là sức khỏe của ông Tư tạm ổn định dù có
bị hoa mắt và chóng mặt, bị giảm cân đến 9 ký lô. Riêng ông Thuận bị đau khớp
nặng và không đi lại được trong khoảng vài ngày qua. Bà cho biết một cai tù nói
rằng sẽ đề nghị cấp trên chấm dứt tình trạng “chuồng cọp” đối với các tù nhân
chính trị.
Trước đó, vào ngày 9/10, đám cai tù vào khám xét nhưng
không tìm được gì vì hai ông Thuận và Tư đã cho toàn bộ thực phẩm dự trữ của
mình cho các bạn tù khác.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị kết án 16 năm tù với cáo
buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”, đã bị giam trong cùng phân trại với 3 tù
nhân nói trên trước khi được phóng thích vào cuối tháng trước.
Ông là người trải nghiệm bị giam giữ trong "chuồng
cọp" từ giữa tháng 4 cho đến khi được trả tự do. Trên trang mạng, ông đã
công bố thư gửi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm với đề nghị xoá bỏ chế độ
giam giữ chuồng cọp vô nhân đạo.
2/ CHUYÊN GIA LHQ THÚC GIỤC THÁI LAN HỦY BỎ DẪN ĐỘ ÔNG Y QUYNH BDAP
Các chuyên gia đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vào hôm qua 16/10
ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại sâu sắc về phán quyết của tòa hình sự
Thái Lan là dẫn độ nhà đấu tranh người Thượng Y Quynh Bdap về Việt Nam. Các
chuyên gia thúc giục chính phủ Thái Lan xem xét lại quyết định này.
Cần biết là tòa hình sự Thái Lan hôm 30/9 đã ra phán quyết
dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo đề nghị của bạo quyền Việt Nam.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lo ngại ông Y Quynh Bdap sẽ
có thể bị “mất tích, tra tấn hoặc đối xử tàn tệ và trừng phạt” nếu bị dẫn độ về
nước. Họ cho rằng chính quyền Thái Lan có thể từ chối phán quyết nói trên vì
hai nước Thái Lan và VN không ký kết một hiệp định về dẫn độ.
Vào tháng Giêng năm nay, ông Y Quynh Bdap và 99 người khác
đã bị tòa án lưu động ở tỉnh Đắc Lắc xét xử sau vụ nổ súng vào hai trụ sở ở
tỉnh này vào tháng 6 năm ngoái, khiến 9 người chết. Ông Y Quynh Bdap đã bị kết
án vắng mặt với bản án 10 năm về tội “khủng bố” trong vụ tấn công này.
Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án
phiên tòa xét xử này vì cho rằng phiên tòa lưu động thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng
và không có tính độc lập, bị ảnh hưởng bởi động cơ chính trị.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì
Công lý, đã sang tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Liên Hiệp Quốc cấp
quy chế tị nạn. Tuy nhiên, ông đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào ngày 11/6
vừa qua với cáo buộc “lưu trú quá hạn”.
3/ VN ĐANG BỊ ĐIỀU TRA VỚI HƠN 150 VỤ KIỆN BÁN PHÁ GIÁ
Các sản phẩm thép cán nóng và đúc bằng sợi của Việt Nam
đang phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại các
thị trường lớn gồm Úc và Mỹ.
Báo chí lề đảng vào hôm 15/10 loan tin trên, cho biết là Ủy
ban Chống bán phá giá Úc đã thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối
với sản phẩm thanh cốt thép cán nóng
nhập cảng từ Indonesia, Mã Lai,
Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Ủy ban Chống bán phá giá Úc dự trù ban hành kết luận sơ khởi
vào ngày 25/11 và đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 2 năm tới.
Theo báo chí lề đảng, Việt Nam là quốc gia xuất cảng thép
cán nóng sang thị trường Úc, thường nằm trong nhóm các nước xuất cảng chính với
hơn 6% thị phần. Tổng kim ngạch xuất cảng thép cán nóng của Việt Nam sang Úc đã
tăng mạnh trong các năm qua, từ mức gần 3 triệu Úc kim vào năm 2021 lên đến 16
triệu Mỹ kim vào năm ngoái.
Sản phẩm thép cán nóng của Việt Nam gần đây cũng liên tục
bị điều tra chống bán phá giá tại Âu châu và Ấn Độ. Bộ công thương VN trước đó
đã cảnh báo rủi ro sản phẩm này sẽ bị Úc điều tra và lưu ý các công ty tránh
dùng nguyên liệu từ Trung Cộng.
Trong khi đó, bộ thương mại Mỹ đã tiếp nhận đơn đề nghị
điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đúc bằng sợi nhập cảng
từ Việt Nam và Trung Cộng. Có 8 công ty VN bị cáo buộc bán phá giá và nhận trợ
cấp của nhà nước trong vụ kiện này, với mức từ 300 đến 600%.
Theo thống kê của bộ công thương VN, đến hết tháng 8 vừa
qua, đã có 257 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường đối với các sản
phẩm xuất cảng của Việt Nam.
4/ MẪU HẠM LIÊU NINH CỦA TRUNG CỘNG TẬP TRẬN Ở BIỂN ĐÔNG
Phát ngôn nhân bộ quốc phòng Trung Cộng vào hôm
15/10 đã xác nhận là hải đội mẫu hạm
Liêu Ninh đã đến Biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận thường kỳ và
sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự một cách thường xuyên.
Chính phủ Nhật Bản trước đó ra thông cáo báo chí, đính
kèm những tấm ảnh cho thấy, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, tuần dương hạm Anshan
và khu trục hạm Urumqi đã được phát giác đang di chuyển trong khu vực cách đảo
Yonaguni 409 cây số về phía nam. Sau đó, các tàu này đã di chuyển về phía Biển
Đông trong cùng ngày.
Phát ngôn nhân Ngô Khiêm của Trung Cộng sau đó tố
cáo là Nhật Bản đã cường điệu về vụ này. Theo cáo buộc của họ Ngô, các “nhiếp ảnh gia” người Nhật
đang cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người. Họ Ngô cho biết là hải quân Trung
Cộng gần đây đã tổ chức cho hải đội Liêu Ninh tiến hành các cuộc tập trận
thường kỳ ở Biển Đông.
Nhóm hải đội này đã tham gia cuộc tập trận tại Đài
Loan vào ngày 14/10 nhẵm bao quanh đảo quốc này. Lực lượng hải quân Nhật Bản xác nhận là
hải đội Liêu Ninh đã thực hiện 90 lần phóng lên chiến đấu cơ và 50 lần cất cánh
và hạ cánh các trực thăng.
Theo thông cáo, khu trục hạm Kirisame của Nhật đã
tiến hành giám sát và thu thập thông tin, trong đó lưu ý là các chiến đấu cơ của
không quân Nhật đã cất cánh để đáp trả các đợt phóng chiến đấu cơ của Liêu Ninh.
No comments:
Post a Comment