Friday, October 18, 2024

SỰ KHÁC NHAU GIỮA ĐỐI TÁC KIẾM ĂN VÀ ĐỒNG MINH Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN

Quan Điểm

Việt Nam ta có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tuy nhiên csVN lại khác, chế độ này lại thích câu: “Thùng rỗng kêu to”. Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề:SỰ KHÁC NHAU GIỮA ĐỐI TÁC KIẾM ĂN VÀ ĐỒNG MINH Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN”, qua giọng đọc của HẢI NGUYÊN để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Còn nhớ câu nói kinh điển từ khi csVN bắt đầu đổi mới là: “Đổi mới chứ không đổi màu, hòa nhập chứ không để hòa tan”. Câu nói này của csVN không chỉ dùng để tuyên truyền, nhưng nó cho thấy bản chất và sự thống nhất trong hành động của những người lãnh đạo đảng csVN, là không bao giờ từ bỏ con đường đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 8 quốc gia. Đầu tiên là Trung quốc, rồi đến Liên Bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và mới đây là Pháp. Đặc biệt Pháp là nước đầu tiên trong EU, có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam. Trong 8 nước kể trên, ngoài Trung quốc và Nga, thì 6 nước còn lại đều thuộc các quốc gia dân chủ tư bản phát triển.

Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đến nay vẫn chưa có định nghĩa hoàn chỉnh. Nó chỉ được hiểu nôm na là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Ngoài ra csVN còn có 10 Đối tác Chiến lược, là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau, có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự.

Chưa hết, csVN còn có 13 Đối tác Toàn diện là quan hệ thông thường giữa các nước, đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.

Nhìn vào số lượng hợp tác của csVN với các nước, dễ khiến cho nhiều người nghĩ rằng csVN có tài ngoại giao và như cách nói của lãnh đạo đảng là Việt Nam có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế. Điều này đã khiến cho một số người dân hoặc vài người trẻ tuổi trong nước, thường dùng từ tự hào và ngạo nghễ để tự sướng cái lỗ tai. Trên thực tế thì Việt Nam vẫn là một quốc gia tụt hậu, hay không muốn nói là nghèo khổ so với các lân bang, chứ chưa cần so sánh với các quốc gia phát triển. Việc csVN ký kết hợp tác hay hợp tác chiến lược toàn diện, nó không giúp gì cho sự phát triển của quốc gia. Bởi vì thứ nhất mô hình chính trị của csVN là hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia dân chủ. Thứ hai trình độ quản trị quốc gia của csVN không có mục tiêu làm cho dân giầu, nước mạnh. Những kẻ lãnh đạo ở Việt Nam chỉ chăm chăm củng cố quyền lực, thu lợi bất chính mà không cần xét đến hậu quả xấu lâu dài. Thứ ba chế độ này thiếu tôn trọng nhân quyền, không đặt con người là trọng tâm của sự phát triển. Thứ tư quyền dân sự và chính trị, nhất là quyền tự do ngôn luận của người dân không được bảo vệ. Và thứ năm chế độ csVN không hề có uy tín trước quốc tế, vì họ yêu thích sự thất hứa - họ nói mà không làm.

Chính vì vậy nên việc csVN ký kết Đối tác chiến lược hay Chiến lược toàn toàn diện với các nước khác, thực chất cũng chỉ là dựa trên quyền lợi riêng lẻ, chủ yếu là về kinh tế của từng quốc gia với nhau. Việc này khác hoàn toàn so với việc ký kết gia nhập một Khối Liên minh hay quan hệ đối tác Đồng minh, bởi vì nó bao gồm cả chính trị, quân sự, ngoại giao, công nghệ và cả thông tin tình báo.

CSVN có một kỹ năng và tư duy rất đặc biệt đó là: “Mặc vest đi Phương Tây xin ăn, để về làm mọi cho ma đầu Phương Đông”. Trong chuyến đi vừa rồi của Tô Lâm trong vai trò Chủ tịch nước, đến một loạt các nước Phương Tây, ngoại trừ Cu-ba, đi tới đâu Tô tổng tịch cũng xin xỏ quy chế ưu đãi thị trường, giảm rào cản mậu dịch và thuế quan, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam..v.v… Tuy vậy, các tập đoàn công nghệ toàn cầu gần đây đã hủy bỏ ý định đầu tư tại Việt Nam, do lo ngại csVN thường xuyên vi phạm nhân quyền và thêm nữa là sự khác biệt về thể chế chính trị dẫn đến rủi ro cao.

Có lẽ vì vậy, mà trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung cộng là Lý Cường đến Việt Nam hôm 12/10, Tô Lâm nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu. CSVN đồng ý tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh, kinh tế với giặc Tàu, sẽ ưu tiên hợp tác trong phát triển kết nối đường sắt, bất kể tranh chấp lâu dài tại Biển Đông và gây hại cho an ninh quốc gia.

Tàu cộng đã thuần hóa Việt cộng trở thành tên đầy tớ trung thành với Trung Nam Hải đã diễn ra từ lâu. Việt cộng chỉ có thể sụp đổ nếu Trung cộng không còn hà hơi tiếp sức cho csvN tồn tại. Nó cũng có nghĩa rằng nếu Trung cộng sụp thì Việt cộng cũng đổ theo. "Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan", đây là 16 chữ vàng mà Bắc Kinh ban cho Hà Nội. Và những chữ hắc ám này sẽ chỉ bị nghiền nát, nếu Trung cộng bại trận trên biển Thái Bình Dương trong tương lai gần.

LLCQ

No comments:

Post a Comment