Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1.CỰU CHỦ TỊCH AIC NGUYỄN THỊ THANH NHÀN TIẾP TỤC BỊ TRUY NÃ
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và tiếp tục truy nã bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) vì tội “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Bà Nhàn bị phát lệnh truy nã lần này vì liên can đến vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông, AIC… đang phải điều tra,
Trước đó, trong các vụ án khác, bà Nhàn đã bị Cơ quan CSĐT phát lệnh truy nã toàn quốc vào năm 2022 và truy nã quốc tế vào năm 2023 về các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự; “ Đưa hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn được biết đến là một nhân vật quan trọng và là người môi giới trong hàng loạt các thoả thuận mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel trong nhiều năm.
Bà Nhàn đã bị xét xử
vắng mặt trong ba vụ đại án. Vào tháng 5/2023, bà Nhàn bị TAND cấp cao tại Hà
Nội tuyên phạt 30 năm tù, về các tội “Vi phạm quy định đấu thầu”, “Đưa hối lộ”,
xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tháng 2/2024, bà Nhàn bị TAND cấp cao Hà
Nội tuyên phạt 10 năm tù, về tội danh vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Sản
nhi tỉnh Quảng Ninh.
2.PHÚ YÊN: KHIẾU KIỆN ĐẤT ĐAI, HAI VỢ CHỒNG BỊ BẮT THEO ĐIỀU 331
Công an huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên hôm 3/10 đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Lê Thị Hòa cùng chồng là ông Nguyễn Văn Trong với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lơi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Lệnh bắt vợ chồng bà Hòa liên quan đến lô đất có diện tích 240 m2 tại khu Dốc Võng, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Theo các bản án, quyết định, thông báo của TAND các cấp, lô đất này không thuộc quyền sở hữu của ông bà Hòa- Sơn.
Không chấp nhận phán quyết này, từ năm 2022 - 2024, vợ chồng bà Hòa và ông Trong đã làm 104 đơn thư có tiêu đề "đơn tố cáo, đơn khiếu nại, đơn tố giác tội phạm, đơn đề nghị, đơn kiến nghị phản ánh" gửi đến nhiều cơ quan từ cấp huyện đến Trung ương tố cáo, khiếu nại, tố giác các cán bộ, lãnh đạo.
Công an cho rằng, vợ chồng ông Trong đã lợi dụng quyền tự do dân chủ để “tố cáo, khiếu nại, tố giác sai sự thật đối với các cán bộ, lãnh đạo của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành”.
Cũng như điều 117 và
109, Điều 331- Bộ luật Hình sự Việt Nam bị các cơ quan nhân quyền và các quốc
gia dân chủ trên thế giới cáo buộc là mơ hồ, tùy tiện và được sử dụng để dập
tắt những tiếng nói bất đồng tại Việt Nam.
3.THÊM NHIỀU CƠ QUAN NHÂN QUYỀN KÊU GỌI TRẢ TỰ DO CHO ÔNG Y QUYNH BDAP
Sau khi tòa án ở Thái Lan ra phán quyết cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, nhiều tổ chức nhân quyền đã bày tỏ lo ngại và tiếp tục kêu gọi trả tự do cho ông.
ICC, một tổ chức phi chính phủ tại thủ đô Washington của Mỹ chuyên tranh đấu cho nhân quyền của tín đồ Kitô giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, lập luận rằng ông Bdap đã sang Thái Lan từ năm 2018 để xin tị nạn và tái định cư rồi, vậy làm thế nào ông tham gia vào vụ khủng bố chống chính quyền hồi tháng 6/2023 tại Việt Nam.
Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển Châu Á (Forum-Asia) kêu gọi chính phủ Thái Lan trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Bdap và hủy bỏ lệnh dẫn độ ông.
Tổ chức CIVICUS có trụ sở ở Nam Phi, hôm 1/10 lên tiếng rằng quyết định của tòa án Thái Lan cho phép dẫn độ ông Bdap về Việt Nam khiến ông có nguy cơ bị tra tấn hoặc xâm hại. “CIVICUS kêu gọi chính quyền Thái Lan đảo ngược phán quyết, bảo vệ quyền lợi của ông, trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện”, nhóm này viết trên trang X.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MFSJ), bị CSVN cáo buộc “dàn dựng các cuộc tấn công từ xa” và có vai trò quan trọng trong vụ tấn công vào hai cơ quan chính quyền cấp xã ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023 khiến 9 người chết.
Ông Bdap bị xét xử
vắng mặt và bị tuyên án 10 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố chống chính quyền
nhân dân”.
4. EU XEM XÉT CẤP QUY CHẾ TỊ NẠN CHO PHỤ NỮ AFGHANISTAN
(Nguồn: Dự án Nghiên cứu Quốc tế):
Tòa án Công lý châu Âu sẽ quyết định xem liệu phụ nữ Afghanistan có thể được cấp quy chế tị nạn chỉ dựa trên giới tính và tổ quốc của họ hay không. Thụy Điển, Phần Lan, và Đan Mạch đã tự động cấp quy chế này. Nhưng ở các quốc gia châu Âu khác, các đơn xin phải được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.
Ba năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đang tước đi mọi quyền tự do của phụ nữ. Một bộ luật tôn giáo hợp nhất mới được công bố vào tháng trước càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Phụ nữ không được lên tiếng hoặc đọc kinh Koran ở nơi công cộng. Họ không được nhìn bất kỳ người đàn ông nào ngoài người thân của mình và phải che mặt hoàn toàn.
Ngay cả trước khi có luật mới, phụ nữ đã bị cấm đến trường trung học, trường đại học, công viên và tiệm làm đẹp. Họ không được làm việc trong hầu hết các ngành nghề. Tình hình đã đẩy phụ nữ Afghanistan vào cảnh tuyệt vọng; và nhiều người đang tìm cách rời đi. Phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu có thể giúp họ dễ dàng tìm thấy tự do hơn.
No comments:
Post a Comment