Monday, October 21, 2024

Lê Hữu Minh Tuấn

Bình Luận

Dưới chế độ bạo quyền toàn trị Hà Nội thì toàn dân đều bị buộc phải câm lặng như muông thú để giữ lấy sinh mạng vì ngay cả tiếng kêu cứu hay kêu thương thảm thiết đều bị trừng phạt nặng bởi là cho “chống nhà nước”.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của tác giả Tưởng Năng Tiến với tựa đề:Lê Hữu Minh Tuấnsẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay

.

Tưởng Năng Tiến.

Tiếng Việt không ít những thành ngữ (ví von) liên hệ đến đặc tính của nhiều con vật hiền lành và quen thuộc: Ăn như heoăn như mèo, nhát như cáy, gáy như dế, khóc như ri, lủi như trạch, chạy như ngựa, bơi như rái, khỏe như voi, hỗn như gấuchậm như rùa, lanh như tép, ranh như cáo, câm như hến …

Dù có trải qua thêm hàng ngàn hay hàng triệu năm tiến hóa, và thích nghi để sinh tồn chăng nữa – có lẽ – sóc vẫn cứ nhanh, sên vẫn cứ yếu, cú vẫn cứ hôi, lươn vẫn cứ trơn, đỉa vẫn cứ dai, thỏ vẫn cứ hiền, cá vẫn cứ tanh, chim vẫn cứ bay, cua vẫn cứ ngang (thôi) nhưng hến thì chưa chắc đã câm đâu nha.

Tôi xém hết hồn/ hết vía khi xem bộ phim tài liệu (Secret World of Sound) mới được Netflix trình chiếu lần đầu, vào hôm 25 tháng 2 năm 2024 vừa qua. Ai mà dè chúng ta lại có thể nghe được tiếng dậm chân của kiến, tiếng đập bụng của ong, như một phương cách để thông tin cho đồng loại. Người ta còn thu âm được tiếng đồng ca của cá, và ngay cả đến tiếng kêu réo của đám sấu con (phát ra từ trứng) để báo cho cá sấu mẹ biết là chúng sắp tách vỏ chào đời.

Loài hến (dám) chả câm đâu đấy?

Với kỹ thuật hiện đại và những thiết bị tân kỳ (cameras and laser vibrometers) mai mốt, không chừng, chúng ta cũng sẽ nghe được cả tiếng của giống hến luôn. Trong thế giới động vật (dường như) chả loài nào hoàn toàn câm nín cả, con thú nào cũng có nhu cầu và khả năng tương giao bằng âm thanh, chẳng qua là thính giác của chúng ta quá kém nên không nghe được đấy thôi. Họa hoằn mới có trường hợp cá biệt. Ở Việt Nam, có một giống chim bỗng dưng lại hoàn toàn nín bặt – theo như lời tâm sự buồn phiền của một nhà giáo (và nhà báo) từ đất nước này:

“Đêm trong núi lạnh, ngồi nói chuyện với anh Hoàng Tuấn Công. Về những cánh rừng đã mất. Anh Công hỏi mình, ở đây giờ còn (chim) cuốc không. Mình nói còn, thi thoảng vẫn thấy chúng lủi nhanh qua những bờ bụi. Có nghe thấy tiếng chúng kêu không? Không.

– Ừ, cuốc giờ không còn kêu nữa.

Bỗng giật mình, đúng rồi, đã bao lâu mình không nghe tiếng cuốc dù vẫn thấy chúng đây đó nơi chân đồi đồng bãi… Chúng lủi đi và sống trong im lặng. Rừng đã hết, con người có mặt khắp nơi cùng súng và bẫy rập. Cuốc phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng, vì tiếng kêu là lời mời gọi tử thần. Đó là một bước “tiến hóa” oan nghiệt…

Chim cuốc còn đó mà tiếng cuốc đã chôn vào u tịch mang mang. Không có cái chết nào đáng sợ hơn thế, không sự hủy diệt nào thảm khốc hơn thế, khi một giống loài phải từ bỏ tiếng gọi đồng loại và tiếng gọi nhân tình của mình trong lau lách mù tăm”. (Thái Hạo –  “Chim Cuốc Không Còn Kêu Nữa”. Tiếng Dân – 15/02/2022).

Tình trạng “đáng sợ” và “thảm khốc” này không chỉ xảy ra riêng với chim chóc. Với loài người cũng thế, lắm kẻ cũng đang phải sống trong nín lặng (“phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng”) chả khác gì muông thú cả. Dưới chế độ hiện hành ở Việt Nam, tiếng nói của người dân (kể cả những tiếng kêu cứu hay kêu thương thảm thiết) đều có thể bị nhà cầm quyền suy diễn là hay quy chụp là “tuyên truyền chống nhà nước” và trừng phạt nặng nề.

Ngày 6 tháng 1 năm 2021, Tạp Chí Luật Khoa ái ngại loan tin: “Ba mươi bẩy năm tù cho ba nhà báo tự do. Chỉ sau nửa ngày nghị án, tòa đã tuyên nhà báo Phạm Chí Dũng mức án 15 năm tù, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng mức án 11 năm tù. Ngoài án tù, cả ba người còn bị tuyên phạt ba năm quản chế. Các mức án được đưa ra cho tội danh ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo Khoản 2, Điều 117, Bộ luật Hình sự”.

Chúng tôi đã có dịp đề cập đến nhà báo Nguyễn Tường Thụy (và hy vọng sẽ có bài viết về T.S Phạm Chí Dũng trong tương lai gần, nếu sức khỏe cho phép) nên những dòng chữ còn lại của trang sổ tay hôm nay xin được ghi thêm đôi lời về thành viên trẻ nhất của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam: Lê Hữu Minh Tuấn (LHMT) sinh ngày 20 tháng 3 năm 1989.

Tạp Chí Luật Khoa cho biết: “Ông Tuấn bị bắt tạm giam vào ngày 12/6/2020, khoảng ba tuần sau khi công an bắt giữ ông Thụy. Lúc bị bắt, ông Tuấn đang theo học bằng cử nhân thứ hai của mình tại trường Đại học Luật Hà Nội. Trước đó, Tuấn tốt nghiệp cử nhân khoa học lịch sử tại Đại học Đà Nẵng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng, ông Tuấn đã tham gia điều hành Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam từ tháng 8/2014. Ông bị cáo buộc đã viết sáu bài báo có nội dung xúc phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, danh dự lãnh đạo của các cấp chính quyền. Tương tự như cáo buộc đối với ông Dũng và ông Thụy, Viện Kiểm sát cũng không nói rõ đó là những bài viết nào”.

Có lẽ chỉ cần 1 bài báo không viết theo chỉ đạo, và phổ biến ngoài lề là đã “xúc phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, danh dự lãnh đạo của các cấp chính quyền” rồi, chớ cần chi tới 6 bài. Tội danh chính của LHMT và đồng nghiệp là đã phạm vào điều tối kỵ (taboo) của chế độ hiện hành: “Đã tham gia điều hành Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam”.

Facebook Anh Dung Lam buồn bã kết luận: “Việt Nam vừa mới bỏ tù ba nhà báo của Hội Báo Chí Độc Lập. Tất cả những gì có liên quan đến hai chữ Độc Lập đều từ từ đưa vào chốn lao ngục vài chục năm trở lên”.

Chắc hẳn LHMT cũng biết cái giá của sự “độc lập” trong chế độ hiện hành nhưng ông còn chọn lựa nào khác, như đã từng khẳng định: “Những người ngồi tù vì lên tiếng có thể chưa phải là giới tinh hoa về học thức và địa vị xã hội, nhưng họ chính là mầm mống xây dựng một xã hội văn minh, đạo đức, dân chủ, và tự do hơn … 

Bởi họ, những người bị giam cầm chỉ có đúng một mong muốn lan toả tinh thần phá bỏ sự tự nguyên giam cầm của đại đa số người dân trong một nhà tù của xã hội. Khi tư duy, ý chí, nhu cầu về quyền tự do con người bị co hẹp, run rẩy trước quyền lực nhà nước. Thế nên con số tù chính trị vượt lên trên 200 con người vừa là bi kịch của xã hội, nhưng lại là hồng phúc thực sự của một đất nước trong tương lai”.

Vâng, đúng thế. Bởi không có sự hy sinh cao cả như thế thì dân Việt biết trông vào đâu để vẫn còn có thể giữ được chút niềm tin về tương lai của dân tộc và đất nước! Tuy thế, hiện trạng suy kiệt sức khỏe LHMT vẫn khiến cho bất cứ ai cũng phải xót xa và vô cùng quan ngại:

– Tổ Chức Phóng viên Không Biên giới (RSF): “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực đối với chính phủ Hà Nội cho ông Tuấn được tạm tha vì lý do y tế cũng như bảo đảm ông này được trả tự do trước khi quá muộn”.

– Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền (HRW): “Việc Lê Hữu Minh Tuấn thực hiện quyền của mình lẽ ra không nên bị coi là tội phạm. Do vậy, nếu ông chết trong tù thì chính quyền Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc hủy hoại tính mạng của ông và những thiệt hại sau đó đối với gia đình ông”.

Trong khi thiên hạ đang tìm kiếm mọi phương cách để có thể nghe ra sự bí mật trong thế giới âm thanh của muôn loài (kể cả côn trùng) thì LHMT bị đồng loại bịt miệng và giam cầm cho đến chết chỉ vì ông đã khẳng khái lên tiếng:

“Tôi và những người như tôi nào đòi hỏi một cuộc cách mạng bạo lực như những nhà lý luận Marxist chỉ ra dù đang đứng trong một xã hội tồn tại quá nhiều kẻ hở bất công, phi lý, bất bình đẳng. Tôi và những người như tôi chỉ đòi hỏi quyền tự do, cái quyền được ghi chễm chệ trong điều 25 hiến pháp nhà nước”!

 

 

No comments:

Post a Comment