>Đã 47 năm sau quốc hận 30 tháng 4, 1975, nếu đảng CSVN không đủ viễn kiến chấp nhận đa nguyên đa đảng, tiến gần với Hoa Kỳ và Tây Phương hầu phát triển kinh tế thì ngày tàn của tập thể bán nước hại dân này đã cận kề.Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Phạm Phú Khải với tựa đề: “Nhân 30 tháng Tư: Góp ý với lãnh đạo Việt Nam” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Phạm Phú Khải
Lãnh đạo quốc gia không cần phải giỏi về mọi
mặt. Thật ra họ chỉ cần có viễn kiến, chiến lược, khả năng dùng đúng người đúng
việc, và tập trung lèo lái con thuyền.
Ai cũng có lỗi lầm và thất bại. Chính lỗi lầm và thất bại đó, dù đau thương đến mấy, vẫn là bài học quan trọng và cần thiết cho mỗi người, mỗi dân tộc, để từ đó vươn lên. Nhưng bài học chỉ thật sự có giá trị nếu nó dựa trên những điều thật, không phải giả dối.
Nhưng mỗi dịp 30 tháng Tư về, giới lãnh đạo Việt Nam và guồng máy lại tiếp tục ra rả những lời tuyên truyền cũ rích và sai lệch. Thành phần lãnh đạo vẫn tiếp tục coi đại thắng 30 tháng Tư năm 1975 là “Đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Trên những phương tiện truyền thông, những người đứng đầu guồng máy đảng, nhà nước, chính quyền Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có vẻ rất tự mãn với những thành tựu của Việt Nam sau 47 năm chiến tranh chấm dứt.
Nhìn kỹ lại, thật ra Việt Nam có điều gì đâu để tự hào, tự mãn. Không cần nói điều gì quá to tát, và cũng không cần đưa ra các con số về kinh tế, như bình quân thu nhập đầu người, tổng sản lượng quốc gia, hay tỷ lệ tăng trưởng. Cứ nhìn vào hai yếu tố: cảm nhận của người Việt về chính đất nước mình có lạc quan hay tự tin? và cảm nhận của quốc tế đối với người mang quốc tịch Việt Nam có tích cực hay tín nhiệm? Thực tế là phần lớn người Việt nếu có cơ hội thì xác xuất họ chọn ra đi sẽ cao hơn ở lại.
Tóm lại, tuy cuộc sống vật chất tại Việt Nam ngày nay khá hơn, đại đa số vẫn muốn chính họ và con em họ có thể định cư ở một nơi khác. Chắc trong thâm tâm, sự bất an về tương lai vẫn ám ảnh lên nhiều người Việt, nên mới giải thích được tâm trạng này.
Ở vai trò lãnh đạo của mọi quốc gia, người đứng đầu phải có tầm nhìn, chiến lược, và trên hết, là nhân sự chuyên môn và tài giỏi để thay mặt và đại diện mình điều hướng công việc một cách hiệu quả nhất.
Đối với những thử thách lớn lao của Việt Nam hiện nay, có ba điều ưu tiên mà lãnh đạo quốc gia cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Một, một “Hội nghị Diên hồng” 2025, hay một thời điểm nào đó thích hợp, để tập hợp trí tuệ tập thể của những bộ óc ưu tú hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Họ phải là những người có tri thức sâu rộng, tư duy độc lập, tinh thần phóng khoáng, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói những điều mình suy nghĩ, không phải để vừa lòng lãnh đạo hay người khác, mà để đánh giá vấn đề một cách đúng đắn nhất.
Hai, ngoài những bộ óc ưu tú hàng đầu để đưa ra sách lược lâu dài của quốc gia, chính sách nhân dụng cho mọi thành phần trong xã hội là điều kiện ưu tiên tiếp theo. Việt Nam hiện nay được xem là middle income economy, theo World Bank, nhưng chưa được ở giữa mà ở dưới giữa (lower). Giáo dục và thông tin là hai lĩnh vực phải cải cách hoàn toàn để người dân biết rõ mình ở đâu, sở trường và sở đoản là gì, môi trường chung quanh lợi hại thế nào, cơ hội lẫn thử thách ra sao, cũng như kỹ năng để nhận định và giải quyết vấn đề kỹ thuật lẫn con người cần những gì.
Ba, những tiếng nói phê phán hay khác biệt thường khó nghe, nhưng chịu khó tập lắng nghe sâu một chút thì sau một thời gian, ai cũng có thể nhận ra rằng đằng sau những tiếng nói đó là những khát vọng chính đáng. Có khi nó thể hiện sự oan ức bất công của một bộ phận trong xã hội.
Tóm lại, trước những thử thách to lớn đối diện Việt Nam hiện nay, và sắp tới, lãnh đạo không có tầm nhìn sẽ rất nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia.
Đã đến lúc giới lãnh đạo, vì sự tồn vong, phát triển và thịnh vượng của Việt Nam, cần lắng nghe và học hỏi để hành xử một cách văn minh đối với người dân của mình. Hãy bỏ hẳn những lời dối trá, giáo điều. Tuy không nói ra, nhưng không có nghĩa là người dân không biết. Coi thường người dân là đã sai từ điểm khởi đầu.
Cách hành xử như thế của lãnh đạo thì mới lấy được lòng dân và sự kính trọng của họ. Lãnh đạo có khả năng và bản lĩnh là người không dùng vũ lực hay đe dọa người khác mà dùng lý lẽ và sự khôn ngoanđể thuyết phục.
Hãy loại bỏ ngay biện pháp dùng côn đồ để khống chế hay đe dọa những người bất đồng chính kiến. Hãy trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang và bao người bất đồng chính kiến khác hiện nay, và mời họ cùng tham gia đóng góp ý kiến để cải cách đất nước. Sự hưng thịnh của một quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, không phải độc quyền của một cá nhân hay nhóm người nào.
Lãnh đạo quốc gia không cần phải giỏi về mọi mặt. Thật ra họ chỉ cần có viễn kiến, chiến lược, khả năng dùng đúng người đúng việc, và tập trung lèo lái con thuyền. Còn lại, hãy để toàn xã hội dân sự tự do phát huy tối đa tài năng và sáng kiến của họ. Chỉ có sức mạnh của toàn dân tộc mới giúp Việt Nam có sự chuẩn bị và có khả năng vươn lên để đối diện những thử thách và vận dụng cơ hội trong những thập niên đầy bất an trước mặt.
No comments:
Post a Comment