Sunday, May 29, 2022

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 29.05.2022

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Cám ơn chị Mỹ Linh.

Bảo Trân: Thưa anh HD, trong tuần qua lại có thêm một người hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam, anh có ghi nhận gì về việc này.

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN. Sáng 21/5/2022, nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng đã bị công an Hà Nội bắt giam và khởi tố với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88- BLHS năm 1999. Ông Dũng bị bắt khi đang đi tập thể dục buổi sáng. Vợ ông là bà Nghiêm Thị Hợp đang ở ngoài chợ thì nhận được điện thoại báo tin từ người quen. Công an khám nhà nhưng không có sự chứng kiến của ông Trương Văn Dũng, lấy đi một số sách báo và một máy tính xách tay cũ của ông.

Cơ quan ANĐT yêu cầu bà Hợp đến trụ sở để làm việc vào 14 giờ cùng ngày và lúc này bà mới được thông báo chồng bà bị khởi tố theo điều 88- BLHS.

Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên nhận xét ông Trương Văn Dũng “là một trong những “người hoạt động đường phố” mạnh mẽ, nhiệt thành và quả cảm nhất mà tôi biết. Việc ông bị bắt đã nằm trong dự đoán của nhiều người, trong bối cảnh tình trạng đàn áp nhân quyền ngày một khốc liệt. Và ông Dũng, hẳn nhiên, là đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến với mình”.

Ông Trương Văn Dũng sinh năm 1958, từng bị đánh đập rất nhiều lần vì các hoạt động đường phố như biểu tình chống Tàu, tại các cuộc tưởng niệm tử sĩ yêu nước hay những sự kiện vận động cho nhân quyền. Ông cũng được biết đến là người luôn giúp đỡ, đồng hành với gia đình các TNLT, các tử tù oan hay những người dân mất đất, mất nhà.

Hôm 10/5, trước thềm chuyến công du Hoa Kỳ của Phạm Minh Chính, Việt Nam thả TNLT Hồ Đức Hòa và cựu TNLT Trần Thị Thúy sang Mỹ. Ông Trương Văn Dũng bị bắt sau khi chuyến đi Mỹ của Chính vừa kết thúc.

Bảo Trân: Và thưa anh, chẳng những thế, CSVN lại bỏ tù thêm 12 người H’Mong theo đạo Dương Văn Mình phải không anh?

 

Hướng Dương:  Đó là một bằng chứng mới nhất về tình trạng đàn áp tôn giáo tại VN, thưa chị.  12 người H’mong theo đạo Dương Văn Mình đã bị bạo quyền tỉnh Tuyên Quang kết án tù từ 2 đến 4 năm.

Báo chí lề đảng không loan tin về phiên tòa này, nhưng các nguồn tin cho biết 12 người này bị bắt giam vào tháng 12 năm 2021 sau khi hàng trăm công an tấn công vào đám tang của ông Dương Văn Mình, người sáng lập giáo phái này. Tất cả đều bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “xúi giục chống người thi hành công vụ”.

Một tín đồ Dương Văn Mình cho biết là phiên tòa diễn ra vào lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 18/5 tại tòa án huyện Hàm Yên mà không hề có luật sư bào chữa. Trước đó, vào ngày 13/5, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết là ông được một số thân nhân của 12 bị cáo nói trên thuê mướn để bào chữa trước tòa nhưng bạo quyền tỉnh Tuyên Quang tuyên bố là các bị cáo không cần có luật sư.

Ông Lý Văn Dũng là người bị kết án nặng nề nhất với 4 năm tù. Vào năm 2014, ông Dũng là người tiếp xúc với phái đoàn nhân quyền LHQ để trình bày các vụ đàn áp đạo Dương Văn Mình, một giáo phái mà bạo quyền Hà Nội gọi là “tà đạo”. Thực chất là giáo phái này tôn sùng đức Chúa trời, chủ trương hủy bỏ tập tục làm lễ tang quá tốn kém, kéo dài 7 ngày 7 đêm, của người H’mong.

Bảo Trân: Chúng tôi được biết Mẹ của cô Phạm Đoan Trang đã sang Geneva vận động tự do cho con gái mình, anh có ghi nhận gì về sự kiện này?

Hường Dương: Bà Bùi Thị Thiện Căn, 81 tuổi, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang đang có mặt tại Geneva để vận động cho tự do của con gái mình. Dự kiến, bà sẽ thay mặt con gái để nhận giải nhân quyền danh giá Martin Ennals sẽ được trao vào ngày 2/6 tới. Phạm Đoan Trang bị bắt cuối năm 2020 và bị kết án 9 năm tù giam. Kể từ ngày bị bắt, bà Trang chưa được gặp thân nhân và hiện nhà báo này đang chờ ngày ra tòa phúc thẩm.

Tháp tùng cụ bà Bùi Thị Thiện Căn có một số nhà vận động nhân quyền khác là đồng sự của bà Trang là cô Trần Thị Quỳnh Vi và anh Will Nguyễn- người từng bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù và trục xuất về Mỹ hồi năm 2018 vì tham gia biểu tình chống Dự luật Đặc khu.

Được biết, ngoài việc vận động cho Phạm Đoan Trang, phái đoàn cũng đề cập đến một số nhà báo đang bị cầm tù vì quyền tự do biểu đạt. Đồng thời,yêu cầu các chính phủ châu Âu, các tổ chức quốc tế gia tăng áp lực vì những vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam.

Bảo Trân: Chúng tôi cũng nhận được tin là công an csvn lại gây khó khăn cho thân nhân của tù nhân lương tâm Trương Văn Dũng, xin anh nói thêm về vụ này

 

Hướng Dương: Thưa chị, Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ ông Trương Văn Dũng- người mới bị bắt 6 ngày trước cho hay, bà gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho chồng. Hôm 24/5, bà Hợp đến trại tạm giam gửi đồ ăn, vật dụng cần thiết cho ông Dũng nhưng bị từ chối. Cai tù yêu cầu bà Hợp phải mua đồ của căng-tin trong trại với giá đắt gấp nhiều lần giá thị trường, để gửi cho chồng. Theo quy định của chế độ cộng sản, người đang bị tạm giam không được gặp thân nhân, không được nhận đồ ăn từ bên ngoài gửi vào. Tuy nhiên, luật này hầu hết chỉ áp dụng cho những vụ án chính trị hay những người không có tiền. Thực tế, các án tù hình sự khác, hoặc giới giàu có, các quan chức tham nhũng khi đi tù vẫn được hưởng những ưu đãi không giới hạn. Cũng theo quy định của trại tạm giam, tuy không được gửi đồ ăn nhưng người nhà vẫn được gửi tiền lưu ký vào cho người thân. Tuy nhiên, cai tù đã nói với bà Hợp rằng bà không được quyền gửi tiền lưu ký vào cho chồng.

Trong một diễn biến khác, TNLT Đỗ Nam Trung đã bị chuyển từ trại tạm giam tỉnh Nam Định đến nhà tù Trại 5- Thanh Hóa, nơi có điều kiện giam giữ cũng như khí hậu rất khắc nghiệt. Đây là lần tù thứ hai vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền của ông Trung. Đỗ Nam Trung nhận bản án 10 năm tù giam hồi tháng trước vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

No comments:

Post a Comment