Trước thềm Hội Nghị Trung Ương 5, đảng CSVN đã đặt quyền lợi phe nhóm trên quyền lợi quốc gia, qua dự định tập trận chung với quân đội LB Nga trong khi Hoa Kỳ và khối Liên Âu hết lòng ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Putin.
Mời quý thính giả
đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trần Đông A với tựa đề: “Những
biến cố trước Hội nghị trung ương 5”
sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chúng ta không hy vọng, Hội nghị TƯ5 có thể hoá giải được tình thế lưỡng nan về đối nội và đối ngoại của Việt Nam hiện nay.
Công bố lệnh bắt “Viện sĩ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trước ngày Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam và phản ứng của Cố vấn Ngoại trưởng Hoa Kỳ trước tuyên bố của Moskow sẽ có cuộc tập trận với Hà Nội vào thời điểm cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine bước sang giai đoạn ba, có thể coi là hai trong nhiều biến cố nổi bật chưa thể lường trước được hậu quả đối với cả nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam.
Nhìn “những mẻ lưới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Hội nghị Trung ương 5 trong những ngày tới (TƯ5) người ta không thể không cảm thán: Tham nhũng đến thế là cùng! Hầu như diễn ra ở khắp tất cả mọi cấp, mọi ngành, từ trung ương đến địa phương, từ khu vực nhà nước đến tư nhân, không sót một ngõ ngách nào. Sáng 27/4/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTƯ) về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, ngày 25/4/2022, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2. Hội nghị giao ban đã đưa ra những con số thật đáng báo động.
Dư luận có phần bất ngờ khi ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư vừa công bố “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030”. Chiến lược này là đòn răn đe đối với các đồng chí “chưa bị lộ trong đống rơm”, nhưng nó cũng có thể là một trò boomerang. Nhìn vào hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong thời gian qua, đảng vừa cho “xộ khám” hơn 40 tướng lĩnh các lực lượng vũ trang và xử lý 2.000 đảng viên, có thể kết luận “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát” ấy thành công hay thảm bại! Tại TƯ5 liệu có Uỷ viên Trung ương nào dám đặt thẳng vấn đề về trách nhiệm của TBT Nguyễn Phú Trọng. Với tư cách là Bí thư Quân uỷ trung ương và Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, ông Trọng không thể vô can trước những sai phạm nghiêm trọng của các tướng lĩnh ở cả hai Bộ Quốc phòng và Công an suốt một thời gian dài như đã biết?
Không ngẫu nhiên, sáng 27/4, ông Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì cuộc họp của BCĐTƯ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì ngay chiều 29/4, có nhiều ô tô biển xanh đã xuất hiện và các lực lượng công an mặc đủ loại cảnh phục đã tiến hành khám xét tại trụ sở ở Hà Nội của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Khám xét và đọc lệnh các Quyết định khởi tố bị can và các Lệnh bắt bị can để tạm giam. Nghe liệt kê các chức danh cũng như các vụ “móc nối với các sếp lớn để đánh quả” trên quy mô toàn quốc của bà Thanh Nhàn mà thấy chóng cả mặt, ù cả tai.
Theo trang Web của Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam, ngày 24/11/2018, tại nhà riêng của Đại sứ Nhật, đã diễn ra lễ trao tặng Huân chương cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đó là loại Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Nơ thắt hoa hồng. Lần đầu tiên Huân chương Mặt trời mọc được trao cho một cá nhân dưới tuổi 50.
Theo phép xã giao thông thường, đặc biệt khi quan hệ Việt – Nhật đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, tại sao không thể lùi quyết định giải tán “Đế chế AIC Group” thêm vài ngày nữa? Chỉ có thể giải thích điều này: Cuộc “giáp la cà” trên thượng tầng đang vào hồi quá gay cấn, quá kịch tính, đến mức đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn từng là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, cũng không thể can ngăn cụ Tổng trì hoãn việc “tung chưởng”. Quyền lợi dân tộc – quốc gia lúc này cũng không bằng lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm khi vào hồi tỷ thí!
Trong một diễn biến khác liên quan đến mối liên hệ tay ba Việt – Nga – Mỹ: ngày 28/4, Hoa Kỳ đã có những phản ứng đầu tiên khá mạnh mẽ về tin tức tập trận quân sự giữa Nga và Việt Nam. Nội dung trả lời VOA của Cố vấn Ngoại trưởng Derek Chollet có đoạn: Những quốc gia này [tức là Việt Nam] “cần lượng định mối quan hệ với Nga và chúng tôi sẵn sàng trở thành một đối tác của họ khi họ xem xét về vấn đề an ninh của họ trong tương lai.” Ý ông Cố vấn là sẵn sàng chia sẻ các quan ngại về an ninh của Hà Nội và nếu đôi bên cần thì Hoa Kỳ sẵn sàng trở thành một “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Việt Nam.
Tương tự như với Nhật Bản, đối với Hoa Kỳ, CSVN vẫn tiếp tục “kèo trên” đến đâu khi gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ trong một báo cáo thường niên, lần đầu tiên từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước, đã lên tiếng công khai chỉ trích “sự thiếu tính chính danh” của các hệ thống quyền lực ở Việt Nam? Hoa Kỳ nhận định, Nhà nước Việt Nam không phải là nhà nước của dân, nó ngăn cản, đàn áp quyền tham chính của người dân trên thực tế.
Khác với người Mỹ, người Nhật vốn kín đáo. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết Thủ tướng Kishida nghĩ gì về “quả bom” Thanh Nhàn Hà Nội cho nổ trước chuyến công du của ông.
Riêng những ai cảm thấy còn nặng lòng vì đất nước, cũng không nên quá buồn phiền trước những biến cố dữ dội nói trên. Chúng ta không hy vọng, Hội nghị TƯ5 có thể hoá giải được tình thế lưỡng nan về đối nội và đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Nhưng chúng ta có thể hy vọng, cuộc giằng co giữa toàn trị và pháp quyền trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam chính là động lực để thay đổi.
Bởi các phe phái không thể quản trị đất nước bằng phương pháp “án binh bất động”, “trên bảo dưới không nghe” hoặc “trên thảm dưới đinh” như chính một số yếu nhân trong “Bộ Tứ” nhiều lần phải phàn nàn. Thời đại đang sang trang. Trật tự thế giới đang chuyển đổi. Việt Nam không thể đứng yên, lại càng không thể lội ngược dòng lịch sử khi Mỹ, NATO và phương Tây đang hết mình giúp Ukraine bảo vệ quyền tự quyết dân tộc.
Đến lượt mình, bản thân quân đội và người dân Ukraine cũng đang xả thân vì độc lập, tự do của chính dân tộc mình, nhưng đồng thời cũng để bảo vệ nền tự do của châu Âu và thế giới./.
No comments:
Post a Comment