Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Phụng Hoàng & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) THÊM NGƯỜI CỦA TỊNH THẤT BỒNG LAI BỊ BẮT VÌ “LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ”
Vào thứ Sáu ngày 27/5, Công an tỉnh Long An chính thức khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Thanh Nhị Nguyên với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Vụ bắt giữ được tiến hành chỉ hai tuần sau khi bà Cao Thị Cúc, chủ căn hộ nơi tọa lạc Tịnh thất Bồng Lai bị bắt.
Ông Lê Thanh Nhị Nguyên là người thứ sáu của cơ sở tu tại gia này bị khởi tố với cùng một tội danh. Năm người bị khởi tố trước đó gồm: bà Cao Thị Cúc và các ông Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, và Lê Thanh Trùng Dương. Trong số này chỉ có ông Lê Tùng Vân được tại ngoại do tuổi cao nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hôm 25/5, công an tỉnh Long An bác bỏ thông tin về quan hệ huyết thống giữa các bị can trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai như nhiều kênh thông tin trên mạng xã hội đã loan tải.
2) ÂN XÁ QUỐC TẾ LIỆT KÊ VIỆT NAM VÀO DANH SÁCH CÁC QUỐC GIA CÓ NHIỀU ÁN TỬ HÌNH
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa công bố báo cáo về tình hình án tử hình trên toàn thế giới trong năm 2021, trong đó có Việt Nam. Báo cáo cho rằng Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thuộc nhóm nước cao nhất trên thế giới.
Theo tổ chức này thì trong năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam đã ban hành ít nhất 119 án tử hình, đứng thứ bảy trên thế giới, tuy nhiên tổ chức nhân quyền hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người và bãi bỏ án tử hình cũng cho rằng con số thật có thể còn cao hơn.
Ngoài ra, số lượng tử tù hiện đang chờ bị hành quyết cũng lên đến hơn 1.200 người.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ trước tới nay vẫn xếp hạng thông tin về án tử hình vào mục bí mật nhà nước.
3) CỘNG SẢN VIỆT NAM ÁP DỤNG “NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN CÓ TỘI” NHIỀU HƠN
Một đại biểu quốc hội cộng sản Việt Nam cho rằng, trên thực tế "nguyên tắc suy đoán có tội" lại được ngành tư pháp Việt Nam áp dụng nhiều hơn là “nguyên tắc suy đoán vô tội” - vốn đã được ghi trong Điều 31 của Hiến pháp 2013.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa của đoàn đại biểu quốc hội thành Hồ có phát biểu như vừa nêu trong phiên thảo luận tổ của quốc hội sáng ngày 25/5, đồng thời cho rằng cần áp dụng một cách thống nhất nguyên tắc "người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật."
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh cho biết luật Việt Nam bị hạn chế so với đa số các quốc gia khi quy định rằng cơ quan công an điều tra ra quyết định tạm giam người bị khởi tố và chỉ cần phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Theo ông,quyết định tạm giam một công dân nên là việc của toà án. Ông cũng nói thủ tục xét xử ở phiên tòa hình sự hiện nay thì không chỉ công tố viên mà nhiều thẩm phán có cách xét hỏi như đang chứng minh tội phạm, trong khi các thẩm phán cần phải giữ vai trò trung lập và chỉ thể hiện quan điểm xét xử của mình thông qua bản án được tuyên. Ông và nhiều đồng nghiệp thường xuyên chứng kiến điều tra viên quát tháo người bị khởi tố, không công bố các quyền của họ theo quy định của pháp luật, hoặc điều tra viên tự ý ghi lời khai theo ý mình..
4) ÚC CẢNH BÁO VỀ TÁC HẠI CỦA HIỆP ƯỚC AN NINH TRUNG CỘNG-QUẦN ĐẢO SALOMON
Nhân chuyến công du đảo quốc Fiji, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong đã lên tiếng báo động về những hệ quả tiêu cực của hiệp ước an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Cộng đối với toàn khu vực.
Tân ngoại trưởng Úc đã thăm Fiji chỉ vài hôm sau khi nhậm chức nhằm nêu bật ưu tiên của chính phủ mới tại Canberra dành cho vùng Thái Bình Dương. Theo bà Penny Wong, Úc tôn trọng quyền chọn đối tác của các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng rất lo ngại về hậu quả của hiệp ước an ninh mới đây giữa Quần đảo Salomon với Trung Cộng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị khẳng định rằng “những lời vu khống và đòn tấn công” vào hiệp ước an ninh nói trên “sẽ lâm vào ngõ cụt và bất kỳ sự can thiệp và phá hoại nào cũng sẽ thất bại.” Phía Trung Cộng nói hiệp ước này “nhằm giúp Quần dảo Salomon cải thiện khả năng trị an và thực thi pháp luật cũng như giúp quốc gia này giữ gìn an ninh xã hội tốt hơn, đồng thời bảo vệ an toàn của các công dân và tổ chức Trung Cộng ở quần đảo này.” Bắc Kinh nói không có ý định thiết lập căn cứ quân sự ở đảo quốc Salomon.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220527-%C3%BAc-an-ninh-trung-qu%E1%BB%91c-salomon
5) UKRAINE KÊU GỌI PHƯƠNG TÂY CUNG CẤP THÊM VŨ KHÍ HẠNG NẶNG
Vào lúc quân đội Nga không ngừng bắn phá miền đông Ukraina và áp sát Severodonetsk, chính quyền Kiev đang kêu gọi phương Tây trang bị thêm vũ khí hạng nặng để đối phó với hỏa lực hùng hậu của Nga.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos (Thuỵ Sỹ), Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba nhấn mạnh rằng nước ông đang rất cần các hệ thống pháo phản lực cơ động có khả năng phóng hàng loạt tên lửa đồng thời để có thể đương đầu với hỏa lực của Nga.
Theo ông, Nga được trang bị tốt hơn Ukraina về một số loại vũ khí hạng nặng, những sự mất cân bằng lớn nhất liên quan đến các giàn phóng pháo phản lực hàng loạt, có khả năng phóng nhiều tên lửa cùng một lúc. Kiev đã yêu cầu Washington cung cấp loại vũ khí này.
Tuy nhiên, NATO dường như sẽ không cung cấp chiến đấu cơ và xe tăng cho Ukraina, vì lo ngại Nga sẽ coi việc chuyển giao loại vũ khí này là một hành vi gây chiến và sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa.
No comments:
Post a Comment