Kính thưa quý thính giả, hơn 700 trăm năm trước, nước Việt có một thầy giáo, một thầy thuốc và cũng là một đại quan triều Trần được người đời nhớ đến qua tư tưởng đạo đức, cùng lối sống thanh bạch đầy tiết tháo. Sự nghiệp của ông được ghi trong văn bia của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Hiền Sĩ Chu Văn An” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay .
Việt Thái
Trong đền thờ Hiền sĩ Chu Văn An có 2 câu đối:
“Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc,
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong”.
Tạm dịch:
Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân!
Chu Văn An sinh năm 1292, tên là Chu An, tự Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, Hà Nội. Ông đỗ Thái Học Sinh nhưng không ra làm quan, mở trường dạy học lấy tên Huỳnh Cung. Mười năm năm liên tục ông dạy các môn sinh dự thi các kỳ thi hương, thi hội, thi đình (tức tú tài, cử nhân, tiến sĩ). Các môn sinh ưu tú của Cụ được sách sử ghi lại như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đỗ Thái Học Sinh đời vua Trần Anh Tông, và làm quan đến chức Tể Tướng.
Danh tiếng của nhà giáo Chu Văn An bay xa, lan đến triều đình, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán đến trường Huỳnh Cung tìm hiểu và xin vua ra chiếu chỉ mời ông vào triều dạy học.
Vào triều, ông được vua Trần Minh Tông ủy thác dạy cho Thái tử Trần Vượng. Thái tử Trần Vượng lên ngôi vua lúc mới 10 tuổi, hiệu là Trần Hiến Tông.
Đến năm 20 tuổi, vua Trần Hiến Tông băng hà, nối ngôi là Trần Dụ Tông. Vị vua này cũng được ông dạy dỗ, mặc dù ông biết triều Trần đang suy vong.
Để chấn chỉnh triều cương, ông viết ”Thất trảm sớ” xin vua chém đầu 7 tên nịnh thần, vua không nghe nên ông từ quan về sống ẩn dật tại Chí Linh lấy hiệu là Tiều Ẩn, chuyên tâm dạy học.
Thời gian sau, ông nổi tiếng về dạy học, viết sách và làm thơ. Ông viết “Tứ thư thuyết ước” tổng kết các bài giảng cùng cách giáo dục. Về thơ văn, ông có các tác phẩm đi vào văn học sử như “Quốc Âm thi tập”, ”Tiều Ẩn thi tập”.v.v.
Khi Trần Phủ lên ngôi (tức vua Trần Nghệ Tông) ông chống gậy về triều chúc mừng. Năm sau, ngày 28/11/1370, ông mất tại xã Kiệt Đắc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, hưởng thọ 78 tuổi.
Kính trọng tài năng, nhân cách và sự cống hiến của nhà giáo Chu Văn An, vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trinh, lập đền thờ ở Văn Miếu và tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, đền có ghi 8 chữ: “Chu Văn Linh tiên sinh ẩn cư xứ”.
Rất nhiều con đường và trường học được đặt tên Chu Văn An để ghi nhớ một người thầy đức cao trọng vọng của nền giáo dục Việt Nam.
* * *
Khi sinh thời, nhà giáo Chu Văn An có phương cách dạy học hấp dẫn, khiến mọi người khâm phục. Những học trò cũ đã làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm ông vẫn luôn khép nép khoanh tay lắng nghe những lời ông dạy bảo.
Trong lịch sử giáo dục, nhà giáo Chu Văn An được xếp vào địa vị cao quý trong danh sách các vị thầy tài cao, đức trọng. Ông trở thành một “vạn thế sư biểu” của nước Việt, đúng như Phan Huy Chú đã ngợi ca: “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình cụ, các người thầy khác không thể so sánh được”.
Không ai biết rõ là suốt cuộc đời làm thầy giáo, ông đào tạo được bao nhiêu môn sinh. Thế nhưng, ông là một trong số rất ít bậc hiền tài của đất nước được thờ phượng trong Văn Miếu.
Điều đáng nói hơn nữa là khi nhắc đến tên ông, giới sĩ phu đều hãnh diện về hành động dũng cảm khi ông dâng “Thất trảm sớ”, xin nhà vua chém đầu 7 tên nịnh thần đang làm loạn triều cương. Chỉ với khí tiết lẫm liệt, một lòng vì vua vì nước của ông cũng đã xứng đáng để được hậu thế ca tụng muôn đời. Điều đáng tiếc là vua Trần Dụ Tông không nghe lời ông, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Trần mà ông tiên đoán trước.
Thời gian gần đây, rất nhiều con cháu mang giòng máu kẻ sĩ của Chu Văn An cũng gióng lên tiếng báo động về thảm họa diệt vong của dân tộc, nhưng tập đoàn CSVN vẫn gát bỏ ngoài tai và chấp nhận làm nô lệ cho giặc Tàu để đổi lấy vinh hoa phú quý. Không chỉ cam tâm cúi đầu trước kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, tập đoàn đê hèn này lại còn bắt bớ và triệt hạ các nhân sĩ trí thức đang noi gương bậc tiên hiền Chu Văn An để cứu dân cứu nước.
Kể ra thì Hiền sĩ Chu Văn An có số may mắn hơn là con cháu ông sau này, vì ông không bị vua nhà Trần bỏ tù hay chém đầu khi dâng “Thất trảm sớ”. Nếu sống dưới thời cộng sản hiện nay, có lẽ ông bị trù dập đến chết vì dám đụng tới bầy sâu tham nhũng và bọn Việt Gian đang bán nước cầu vinh!
No comments:
Post a Comment