Saturday, June 5, 2021

Tin Tức: Thứ Bảy, ngày 05.06.2021

Tin Tức

Ngay sau đây, mời quý thính giả theo dõi tin Vaccine ngừa cúm Vũ Hán được Việt Nam phê chuẩn. Phụng Hoàng sẽ tóm lượt để mở đầu phần Tin Tức hôm nay

VIỆT NAM PHÊ DUYỆT KHẨN CẤP VACCINE NGỪA CÚM VŨ HÁN CỦA TRUNG CỘNG

Vào chiều thứ Sáu ngày 04/6, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa cúm Vũ Hán do hãng Sinopharm của Trung Cộng sản xuất trong bối cảnh cả nước đối mặt với đợt địch thứ 4 nguy hiểm nhất kể từ đầu năm ngoái.

Đây là vaccine ngừa cúm Vũ Hán thứ ba được Việt Nam phê chuẩn, sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Việt Nam đang tìm cách nhập cảng khẩn cấp hàng chục triệu liều vaccine để đối phó với dịch. Bộ Y tế đang đàm phán với các nhà sản xuất để mua khoảng 150 triệu liều vaccine trong năm nay.

Theo báo chí trong nước, chính phủ Việt Nam quyết định cấp phép “có điều kiện” đối với vaccine của hãng Sinopharm. Trong khi chờ đưa ra sử dụng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ (Bộ Y tế) tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine này. Việt Nam chưa đặt mua vaccine này nhưng được phía Trung Cộng tặng với số lượng chưa được công bố.

Cho tới nay, Việt Nam mới nhận được gần 2,9 triệu liều vaccine AstraZenzeca và đã mới tiêm được 1 triệu liều.

Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ cam kết chuyển giao các phi cơ mà Việt Nam đã mua cũng như cải thiện quá trình đào tạo phi công của Không quân Việt Nam, Đồng Tâm có thêm thông tin như sau …

VIỆT NAM SẼ MUA PHI CƠ HUẤN LUYỆN T-6 CỦA HOA KỲ

Hoa Kỳ đã đồng ý bán phi cơ huấn luyện T-6 cho Việt Nam để giúp Hà Nội cải thiện việc đào tạo phi công.

Tại một hội nghị trực tuyến do Trung tâm Truyền thông Châu Á Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 4/6, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Kenneth Wilsbach nói rằng phía Hoa Kỳ cam kết chuyển giao các phi cơ mà Việt Nam đã mua cũng như cải thiện quá trình đào tạo phi công của Không quân Việt Nam.

Trước đây Hoa Kỳ đã đào tạo một số phi công cho không quân Việt Nam trên phi cơ huấn luyện T-6. Đây là loại phi cơ được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ cấp và trung cấp, thuộc dòng phi cơ cánh quạt do Hãng Raytheon chế tạo và ra mắt lần đầu năm 2000.

Dòng phi cơ T-6 có nhiều phiên bản, một số phiên bản xuất khẩu có các điểm gắn vũ khí trên cánh giúp T-6 giữ vai trò như cường kích hạng nhẹ.

Đe dọa kế sinh nhai của hàng triệu người dân ở các khu vực hạ nguồn sông Mekong các nhà quan sát cảnh báo về lưu lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng ở Hoa Lục, Phụng Hoàng cô động nguồn tin như sau …

ĐẬP CẢNH HỒNG CỦA TRUNG CỘNG TÍCH NƯỚC LÀM MỰC NƯỚC SÔNG MEKONG GIẢM MẠNH

Mực nước trên sông Mekong giảm mạnh trong những ngày qua do đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung cộng tích nước. Theo Dự án Giám sát Đập Mekong, do việc tích nước của Trung Cộng tại thượng nguồn, mực nước của sông Mekong tại Chiang Mai, Thái Lan,  giảm tới 1,3 m. Trung tâm Chỉ huy Nước Quốc gia Thái Lan (NWCC) cho biết tốc độ xả nước của đập Cảnh Hồng hôm 28 và 29 tháng 4 đã giảm 30%, từ hơn 2.500 mét khối/giây xuống còn khoảng 1.800 mét khối/giây.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà quan sát cảnh báo về lưu lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng. Đập này đã giảm lưu lượng nước ít nhất hai lần trong năm nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn cá di cư, nông nghiệp và vận tải đường thủy, đe dọa kế sinh nhai của hàng triệu người dân ở các khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Trung Cộng và Lào còn có hàng chục nhà máy thuỷ điện dọc trên đầu nguồn sông Lan Thương và sông Mekong và việc tích nước của chúng sẽ tạo ra khí hậu cực đoan ở Việt Nam.

Bắc Kinh giận dữ thông báo sẽ đáp trả bằng những biện pháp cần thiết để đáp trả sắc lệnh bổ xung của Tổng thống Hoa Kỳ cách đây 2 hôm. Đồng Tâm có thêm thông tin như sau …

CHÍNH QUYỀN BIDEN TRỪNG PHẠT THÊM 28 TẬP ĐOÀN HOA LỤC

Tiếp tục chính sách trừng phạt Trung Cộng của người tiền nhiệm, hôm 03/06, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phê chuẩn một sắc lệnh bổ sung 28 công ty Hoa Lục vào danh sách những doanh nghiệp bị coi là có quan hệ với quân đội Trung Cộng.

Trước đó, trong tháng 11 năm ngoái, Hoa Kỳ đưa 31 tập đoàn Trung Cộng vào danh sách đen, với lý do các công ty này có liên hệ hoặc hỗ trợ các hoạt động của quân đội cộng sản Trung quốc.”

Hoa Kỳ đã cấm 59 công ty của Hoa Lục nhận vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong số này có những doanh nghiệp tầm cỡ như tập đoàn dầu khí CNOOC, hãng đường sắt China Railway, và nhiều tập đoàn viễn thông như Hoa Vi, China Mobile…

Bắc Kinh giận dữ thông báo sẽ đáp trả bằng những “biện pháp cần thiết .”

Trong danh sách bổ sung, có nhiều công ty sản xuất hoặc triển khai công nghệ theo dõi các công dân. Theo Hoa Kỳ, những công nghệ này có thể được Bắc Kinh sử dụng nhằm đàn áp cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các nhà bất đồng chính kiến trên lãnh thổ Trung Cộng.

Nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Myanmar, phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gặp lãnh đạo quân đội đảo chánh lật đổ bà Aung San Suu Kyi. Phụng Hoàng kết thúc phần Tin Tức với nội dung như sau …

ĐẶC PHÁI VIÊN ASEAN GẶP LÃNH ĐẠO MYANMAR

Hai đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc hội đàm tại Myanmar với nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, trong khuôn khổ chuyến thăm nhằm tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng đẫm máu ở nước này.

Nhà lãnh đạo quân đội đã gặp Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và ông Erywan Yusof, Bộ trưởng ngoại giao thứ hai của Brunei, quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.

ASEAN đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao quốc tế chính nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Myanmar, bắt đầu nổ ra sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2 khiến nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi bị lật đổ và bị bắt giam cùng với một số lãnh đạo khác trong chính quyền.

Trong khi đó, luật sư Khing Maung Zaw của bà Suu Kyi cho biết Tòa án Tối cao đã công bố các vụ án sẽ được xét xử vào ngày 23/6 chống lại bà và 4 người khác, bao gồm cố vấn kinh tế người Úc của bà, Sean Turnell.

No comments:

Post a Comment