Kính thưa quý thính giả, một người có tinh thần yêu nước và tấm lòng vị tha bác ái, sống 13 năm trong tù, trong đó hết 9 năm bị biệt giam, mà không bao giờ được đưa ra xét xử. Khi bị giam cầm trong hoàn cảnh thiếu thốn và đọa đày, người không bao giờ căm hận đối với những kẻ giam giữ mình, lại dùng tình thương để cảm hóa được họ. Và khi được ra nước ngoài chữa bệnh, lại bị bạo quyền cấm không cho trở về quê hương. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Hồng Y Nguyễn Văn Thuận” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17/4/1928 tại Phủ Cam, Huế, là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, cha là ông Nguyễn Văn Ấm và mẹ là bà Ngô Đình Thị Hiệp. Bà Hiệp là em ruột của đức Giám mục Ngô Đình Thục và Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ngài theo học tại Tiểu chủng viện An Ninh, tỉnh Quảng Trị sau đó học tại Đại chủng viện Kim Long, Huế.
Ngày 11/6/1953, Ngài được thụ phong Linh mục và ngay sau đó được bổ nhiệm làm cha Phó xứ tại họ đạo Phanxicô.
Năm 1956, đức Giám mục giáo phận Huế cử Ngài đi học giáo luật tại Đại học Urban ở Roma. Năm 1959, Ngài đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật với luận án “Tổ chức Tuyên úy Quân đội trên thế giới”, trở về VN dạy tại Tiểu chủng viện Hoan Thiện, Huế và sau đó, Ngài được cử làm Giám đốc.
Ngày 13/4/1967, Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang. Ngài đã chọn khẩu hiệu trong cuộc đời làm giám mục theo tên một hiến chế của Cộng đồng Vatican thứ II là Vui mừng và Hy vọng.
Trong thời gian làm Giám mục Nha Trang, Ngài còn được trao các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Phát triển của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Cố vấn Ủy ban Giáo hoàng về giáo dân.
Năm 1970, Ngài đã sáng lập Chủng viện Truyền giáo Lâm Bích.
Ngày 23/4/1975, Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng giám mục hiệu tòa Vadesi, Phó tổng giám mục Giáo phận Sài Gòn.
Sau biến cố 30/4/1975, Ngài hoãn ngày về Sài Gòn, cho đến ngày 7/5 mới về nơi này để nhận nhiệm vụ. Nhưng ngày 1/7/1975, nhà cầm quyền CSVN yêu cầu Ngài trở về Nha Trang, không cho Ngài giữ chức vụ Phó tổng giám mục của Giáo phận Sài Gòn và sau đó giam giữ Ngài 13 năm vì lý do chính trị.
Năm 1989, Ngài được xuất ngoại sang Úc thăm cha mẹ, sau đó sang Roma gặp đức Giáo hoàng John Paul đệ Nhị.
Trở về Việt Nam vào tháng 11/1989, Ngài phát hiện bị viêm tuyến tiền liệt, phải vào Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để giải phẫu, nhưng bệnh càng nặng, nên được đi Roma để tiếp tục điều trị. Ngài đến Roma vào tháng 4 năm 1990, sau đó CSVN tuyên bố không cho Ngài trở lại Việt Nam.
Ngày 9/4/1994, Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm Ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.
Ngày 11/5/1996, Ngài nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại Chủng Viện Notre Dame ở New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ.
Ngày 24/6/1998, Ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế cho đức Hồng Y Etchegaray về hưu.
Ngày 21/1/2001, đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị công bố tuyển chọn Ngài vào Hồng Y đoàn, tước hiệu Hồng Y tại nhà thờ Santa Maria Della Scala.
Vào thời điểm này, dư luận Công giáo trên thế giới đặc biệt chú ý đến Ngài. Trong số phát hành ngày 21/2/2001, Nhật báo The Los Angeles Times có bài viết với tựa đề “The Men Who Would Be Pope?” (Người có thể lên ngôi Giáo hoàng?) đã dự đoán danh sách 14 vị Hồng Y có nhiều khả năng kế vị đức Giáo hoàng, trong đó có tên Ngài.
Ngày 16/9/2002, Ngài qua đời tại Roma vì bệnh ung thư ruột.
Ngày 17/9/2007, Giáo hội Công giáo Roma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và hiển thánh cho Ngài. Đây là lần đầu tiên một người Việt được đề nghị phong thánh mà không phải là Thánh tử đạo.
Ngày 22/10/2010, tiến trình phong thánh cho cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được chính thức khởi sự nhưng bị CSVN phản đối và cản trở.
Vào 9 giờ tối ngày 2/7/2013, bạo quyền CSVN đã ngăn chận nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức (là một nhân chứng), không cho xuất cảnh khi ông Đức lên máy bay đi Roma theo lời mời của Tòa thánh Vatican, để dự “phần cuối của cuộc điều tra địa phương” trong hồ sơ phong thánh cho Ngài.
Ngày 07/08/2013, Hiệp hội Bạn hữu của Ngài cho biết: “Cuộc điều tra thực tế, một giai đoạn quan trọng trong tiến trình phong chân phước cho cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hoàn tất vào tháng 7 tại Roma”.
*****
Mãi đến hôm nay, câu nói bất hủ của đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đối với những cai ngục vẫn còn âm vang:
“Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.
Sự ra đi của Ngài quả là một mất mát lớn cho Cộng đồng Công giáo VN, một tu sĩ có tài lẫn đức được cả Tòa thánh Vatican vị nể. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận xứng đáng được ghi tên trong danh sách những người Việt đã làm vẻ vang cho dân tộc trong thế kỷ 20.
No comments:
Post a Comment