Sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại
Bãi Tư Chính là một động thái mang tính chiến lược hầu củng cố dã tâm bá
quyền của Trung cộng tại Biển Đông. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trọng Nghĩa với tựa đề: “Bãi Tư Chính: Tại Sao Trung Quốc (đánh) Việt Nam Vào Lúc Này?” sẽ được Song Thập trình bày, và đây cũng là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trọng Nghĩa
Năm năm sau cơn sốt 2014, khi việc Trung Quốc đem giàn khoan Hải
Dương 981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam làm dấy lên cả
một phong trào phản đối quyết liệt từ phía Việt Nam, từ tháng Sáu vừa
qua, Bắc Kinh lại bất ngờ gây sự trở lại với Việt Nam, lần này bằng cách
cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được cả một đoàn tàu hải cảnh và
tàu dân quân biển hộ tống, tiến vào khảo sát một khu vực rộng lớn nằm
sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi bờ biển phía
nam Việt Nam
Không những thế một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc còn liên tục chạy
đến khiêu khích và sách nhiễu công việc khai thác dầu khí của Việt Nam
tại một vùng mỏ cũng ở trong vùng thềm lục địa mà Việt Nam đã khai thác
từ lâu.
Câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra là tại sao Trung Quốc lại gây sự
với Việt Nam vào lúc này, tức là lúc mà quan hệ hai bên đang bình
thường hóa trở lại. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học Viện Quốc Phòng Úc thuộc trường Đại
Học New South Wales, cho rằng tùy theo cấp thẩm quyền tại Trung Quốc đã
ra lệnh tấn công Việt Nam, nguyên do có thể khác nhau.
Việc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển
Đông, theo giáo sư Thayer, có thể là quyết định của cấp điều hành công
việc thường nhật, xuất phát từ lý do thương mại. Năm 2012, tập đoàn Dầu
Khí Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC) đã quy định một số lô khai
thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, chồng chéo
với các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Cho đến nay, không có
công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.
Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã lùi bước trước
sức ép của Trung Quốc và đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô
trong khu vực Bãi Tư Chính. Theo giáo sư Thayer, rất có thể là các quan
chức dầu khí Trung Quốc đã kết luận rằng họ có thể yên tâm tận dụng tình
trạng này. Chỉ có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát,
trái ngược với tám mươi chiếc hoặc nhiều hơn nữa tháp tùng giàn khoan
Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp vào năm 2014…
Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI cho rằng Trung
Quốc tìm cách “trừng phạt” Việt Nam vì đã bật đèn xanh cho chi nhánh tại
Việt Nam của tập đoàn Nga Rosneft tiếp tục thăm dò tại lô 06.1. Tuy
nhiên, theo giáo sư Thayer, cho đến giờ, giả thuyết này vẫn chỉ là suy
đoán, vì chưa được bằng chứng công khai nào xác nhận.
Hành động của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính cũng có thể là kết
quả của một tính toán chiến lược ở cấp cao. Theo giáo sư Thayer, trong
trường hợp này, có thể cho rằng “Trung Quốc đang tìm cách chống lại thái
độ quyết đoán mới của Mỹ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trong
khu vực để Hoa Kỳ hụt chân”.
Thái độ quyết đoán mới của Hoa Kỳ được thể hiện qua việc tăng cường
các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải, tăng cường sự hiện diện và
các chuyến tuần tra của oanh tạc cơ, của tàu hải quân, và bán vũ khí cho
Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hiệp Ước
Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 với Philippines bao gồm Biển Đông trong phạm
vi áp dụng, trong lúc một đô đốc Mỹ cao cấp tuyên bố rằng một cuộc tấn
công của dân quân biển Trung Quốc sẽ được coi là một cuộc tấn công bằng
lực lượng Hải Quân.
Kể từ khi công bố Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào giữa năm nay,
Hoa Kỳ đã ưu tiên nhiều hơn cho việc tranh thủ Việt Nam làm đối tác an
ninh. Một số nguồn tin quân sự và ngoại giao đã cho biết riêng là Hoa Kỳ
đã đề nghị với Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương từ hàng đối tác
toàn diện lên hàng đối tác chiến lược và Việt Nam đã đồng ý cho hàng
không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam hàng năm.
Nhìn dưới góc độ chiến lược, thì có vẻ như là Trung Quốc đang sử dụng
áp lực ở mức độ thấp đối với Việt Nam để phá hoại những nỗ lực của Hoa
Kỳ muốn hình thành mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược trong
khu vực để đối phó với Trung Quốc.
Dụng tâm chiến lược kể trên được thấy trong phản ứng gay gắt của Bắc
Kinh vào hôm nay, 22/07, sau khi bị Washington công khai vạch mặt chỉ
tên về hành vi« bức hiếp » các láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trên
vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Mỹ vu khống Trung
Quốc, đồng thời nhắc lại lập luận cố hữu của Bắc Kinh là Hoa Kỳ và «
nhiều thế lực bên ngoài » khác cố tình khuấy động tình hình Biển Đông,
phá hoại các « cố gắng của Trung Quốc và các nước ASEAN đang giải quyết
bất đồng bằng đối thoại » để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
No comments:
Post a Comment