Để mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Hướng Dương.
1) VIỆT – TRUNG TIẾP TỤC KHẨU CHIẾN VỀ BÃI TƯ CHÍNH
Vào cuối tuần qua, bộ Ngoại giao Trung Cộng lần đầu tiên thừa nhận là
họ tiến vào Bãi Tư Chính để ngăn chận các hoạt động thăm dò dầu khí ở
vùng biển này.
Lời tuyên bố nói trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi người phát
ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng, lại lên tiếng yêu
cầu Trung Cộng phải chấm dứt việc xâm phạm hải phận Việt Nam. Trong lời
phản pháo, ông Cảnh Sảng, phát ngôn nhân Trung Cộng, tiết lộ là từ
tháng 5 vừa qua, bất chấp các phản đối cứng rắn của Trung Cộng, phía
Việt Nam vẫn tiến hành các cuộc khoan dò dầu khí ở các vùng biển “thuộc
quyền tài phán của Trung Cộng” ở Biển Đông. Ông Sảng nhấn mạnh đó chính
là nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu tại Bãi Tư Chính suốt 3 tháng qua.
Ngay sau khi được tin, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết là Hà Nội đã nhiều
lần tiếp xúc với các quan chức Trung Cộng, yêu cầu triệt thoái toàn bộ
lực lượng ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tránh gây thêm
bất ổn trong khu vực.
2) VIỆT NAM THẢ HƠN 30.000 HOA ĐĂNG BẰNG NHỰA XUỐNG BIỂN HẢI PHÒNG
Trong một diễn biến gây thêm tác hại về môi trường biển cả, các chùa
chiền tại thành phố Hải Phòng đã thả hơn 30.000 hoa đăng bằng nhựa xuống
vùng biển Cát Bà, vào dịp lễ Vu lan vừa qua.
Tuy nhiên khi bị báo chí chất vấn, ông Phạm Quang Hiển, chủ tịch
huyện Cát Hải, trả lời là ngay sau khi kết thúc lễ Vu lan, toàn bộ số
hoa đăng này đã được thu gom, không còn trôi nổi trên biển. Thế nhưng
các hình ảnh chụp được cho thấy rất nhiều hoa đăng đã tấp vào bờ dài cả
cây số.
Cần nhắc lại, Việt Nam là nước đứng đầu danh sách thải rác nhựa ra
biển, với nhiều con cá voi đã lụy vào bờ biển ở một số tỉnh thành miền
trung trong thời gian qua, vì nuốt phải rác nhựa.
3) CÁC TỈNH THÀNH MIỀN TRUNG ĐANG CHẾT KHÁT VÌ THIẾU NƯỚC SẠCH
Vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng, một số tỉnh thành tại miền trung
đang trực diện với tình trạng thiếu nước ngọt và các dòng sông đang
nhiễm mặn.
Không riêng gì thành phố Đà Nẵng đang chết khát, tại một số nơi người
dân phải chi gần 15 Mỹ kim mới mua được một thước khối nước sạch. Từ
tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên, từ đất liền đến các hòn đảo ngoài khơi,
tình trạng khô cạn và nhiễm mặn trong sông đang trở thành vấn nạn lớn
nhất của hàng trăm ngàn gia đình ở miền trung. Ngay cả thành phố Hội An,
nơi hội tụ nhiều con sông lớn ở hạ lưu, mọi sinh hoạt cũng bị đảo lộn
vì thiếu nước sạch.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng nhiễm mặn diễn ra ngay trong giếng
nước, khiến người dân phải đổ xô đi mua nước sạch. Tương tự, tại hai
tỉnh Bình Định và Phú Yên, nhiều xã huyện cũng lâm vào hoàn cảnh tương
tự, với mấy chục ngàn gia đình phải sống bằng nguồn nước tiếp tế nhỏ
giọt từ giới hữu trách.
4) HẠT TIÊU VIỆT NAM BỊ MẤT GIÁ THÊ THẢM VÌ SẢN XUẤT QUÁ NHIỀU
Trong vòng 17 năm qua, Việt Nam là nước sản xuất hạt tiêu nhiều nhất
thế giới, nhưng hai năm qua, loại nông sản đắt giá này đã ngày càng mất
giá vì lượng cung vượt quá nhu cầu.
Trong cuộc họp với nhà cầm quyền tỉnh Đắk Nông vào thứ Sáu 23/8, giới
chức bộ Nông nghiệp cho biết là kể từ năm 2001, Việt Nam luôn đứng vị
trí số 1 về xuất cảng hạt tiêu. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có
150.000 mẫu trồng tiêu, tăng 400% so với năm 2001. Hạt tiêu Việt Nam
chiếm hơn 60% thị trường xuất cảng trên thế giới. Tuy nhiên, từ mức kim
ngạch gần 1.5 tỷ Mỹ kim vào năm 2006, nay rút xuống chỉ còn một nửa
khoảng 760 triệu Mỹ kim. Trước đây có giá mua trong nước là 12 Mỹ kim,
bây giờ chỉ còn khoảng 2 Mỹ kim một ký.
Tình trạng mất giá nói trên, cộng với dịch sâu rầy, khiến cho hàng
ngàn gia đình ở tỉnh Đắk Nông, nơi trồng tiêu nhiều nhất nước đang lâm
vào cảnh nợ nần.
5) CẢNH SÁT HỒNG KÔNG MẠNH TAY TRẤN ÁP NGƯỜI BIỂU TÌNH
Lần đầu tiên kể từ 12 tuần qua, cảnh sát Hồng Kông đã nổ súng trong
cuộc đàn áp làn sóng biểu tình vào hôm Chủ nhật 25/8. Đây cũng là lần
đầu tiên, cảnh sát sử dụng đến loại xe vòi rồng đặc biệt để trấn áp đám
đông xuống đường, dẫn đến các vụ giao chiến dữ dội giữa hai bên.
Cuộc bạo loạn diễn ra, khi một số người dân ném gạch đá và cả bom
xăng vào lực lượng cảnh sát. Rất nhiều người đã bị thương tích trong các
cuộc đụng độ vào hôm qua, trong đó có một số cảnh sát viên. Trong buổi
họp báo vào chiều tối, phía cảnh sát biện hộ là phải nổ súng chỉ thiên
để ngăn chận các hành vi bạo loạn của người biểu tình. Trong khi đó,
nhiều hình ảnh được tung lên mạng cho thấy cảnh sát đã rượt đuổi và dùng
dùi cui đánh đập người biểu tình, khi một người dân đã quỳ xuống van
xin cảnh sát đừng bắn.
Cuộc bạo loạn đầy khói lửa vào hôm Chủ nhật 25/8 cho thấy tình trạng
bạo lực đã leo thang lên mức độ mới, khó có thể tìm được giải pháp hòa
bình để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông.
6) DONALD TRUMP SẼ BAN HÀNH TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP ĐỂ CHỐNG TRUNG CỘNG
Vào hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết là ông có thể tuyên
bố tình trạng khẩn cấp, để buộc các công ty Mỹ phải rời khỏi Hoa Lục.
Dẫn chứng một đạo luật cho phép tổng thống Mỹ sử dụng quyền hạn nói
trên khi quốc gia bị đe dọa đến nền kinh tế, ông Trump giải thích là
Trung Cộng đã đánh cắp từ Hoa Kỳ rất nhiều sáng kiến trí tuệ có giá trị
từ 300 đến 500 tỷ Mỹ kim mỗi năm, và các vụ trộm cắp này cứ tiếp tục
diễn ra. Vì thế theo ông Trump, đây là tình trạng rất khẩn cấp.
Lời đe dọa trên được ông Trump đưa ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh
Khối G7 ở Pháp, sau khi ông gặp gỡ Thủ tướng Anh là ông Boris Johnson.
Nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa này thì các công ty Hoa Kỳ lập tức
phải rút khỏi Hoa Lục, nếu không muốn bị kết tội phản quốc và tiếp tay
cho kẻ thù.
No comments:
Post a Comment