Thưa quý thính giả, biết được yếu huyệt của Hà Nội là không muốn
gây bất hòa với Bắc Kinh nên Trung cộng liên tục gây rối và hành xử theo
kiểu côn đồ trên biển Đông, ngang nhiên đưa tàu khảo sát xâm phạm chủ
quyền biển đảo VN. Nhiều lần VN hăm kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế ,
nhưng thực tế họ chưa bao giờ dám kinh động đến thiên triều Hán cộng. Vụ
xung đột lớn ở bãi Tư Chính, Hà Nội bị dồn đến chân tường, nhưng vẫn
không dám khởi kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế. Mời quý thính giả đài ĐLSN
theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Bị Trung Cộng ‘Bắt Nạt’, Hà Nội Vẫn Hèn, Chỉ Cầu Xin Quốc Tế Can Thiệp” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Dư luận thế giới đều biết CSVN luôn áp dụng chính sách ngoại giao “đu
dây” giữa Trung quốc (TQ) và Hoa Kỳ (HK). Hà Nội cho rằng chính sách
này là sự sáng tạo trong tiến trình giữ nước nhằm mục đích bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ. Nhưng thật ra Hà Nội luôn xem Bắc Kinh là đồng minh
chiến lược, là láng giềng tốt chia sẻ ý thức hệ cộng sản và xem HK là kẻ
thù lâu dài. Vì thế, Hà Nội luôn giữ khoảng cách với HK để tránh mích
lòng Bắc Kinh.
Cho nên, dù phải chịu đựng sự gây hấn và quấy nhiễu liên tục của TQ
trên biển Đông, Hà Nội vẫn luôn tìm cách ngăn chận các làn sóng chống
Tàu, vì những làn sóng này có thể biến thành cơn sóng thần phá vở tình
hữu nghị giữa 2 nước và có thể làm sụp đổ chế độ.
Vụ đối đầu giữa VN và TQ xảy ra đúng thời điểm 3 năm sau khi Tòa
trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ lời tuyên bố về “đường lưỡi bò 9
đoạn” của TQ trên biển Đông vào ngày 12/7/2016.
Trước đây, TQ bị coi là đã “bắt nạt” VN trong các hoạt động thăm dò
dầu khí ở biển Đông vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, VN đã phải ngưng 2
dự án dưới sức ép của Bắc Kinh và phải chịu bồi thường.
Mới đây, Bắc Kinh cho rằng bãi Tư Chính là một phần của quần đảo
Trường Sa, mà Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, nên từ tháng 6, các
tàu Hải cảnh TQ đã nhiều lần gây hấn, chèn ép các tàu VN đang phục vụ
giàn khoan dầu Hakuryu 5 của Nhật tại bãi Tư Chính.
Qua tháng 7, Trung Quốc đã đưa tàu Haiyang Dizhi 8 để khảo sát dầu
khí trong khu vực rộng lớn xung quanh bãi Tư Chính thuộc đặc quyền kinh
tế của VN. Tàu khảo sát này được 3 tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống. Phía
VN chỉ gửi các tàu cảnh sát biển đến hiện trường để theo dõi.
Hôm 17/7, ông Martinson, giảng viên trường Hải chiến HK cho rằng, TQ
quyết ngăn chận VN khai thác tài nguyên dưới đáy biển sau khi Hà Nội cho
phép công ty dầu khí Rosneft của Nga thuê giàn khoan Nhật là Hakuryu 5
để thăm dò vùng biển phía Tây của bãi Tư Chính.
Sự kiện này được xem là nguyên nhân gây căng thẳng chưa từng xảy ra
trong nhiều thập niên giữa VN và TQ. Ngày 19/7 và 25/7, Bộ ngoại giao VN
lên án hành động gây hấn của TQ và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng
và đóng góp vào việc duy trì an ninh, trật tự và hòa bình trên biển
Đông. Các cơ quan truyền thông trong nước được Hà Nội bật đèn xanh, đồng
loạt lên tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo
của VN.
Trước chuyển biến bất ngờ của VN, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng phê
phán và yêu cầu TQ chấm dứt hành vi bắt nạt và khiêu khích tạo ra bất ổn
trên biển Đông. Lời phê phán này gián tiếp cho Bắc Kinh biết Hoa Kỳ và
VN đều quan tâm về quyền lợi trên biển Đông. Với VN là vì chủ quyền lãnh
hải, còn đối với Hoa Kỳ là quyền lợi quốc gia.
Thái độ kêu gọi quốc tế giúp đỡ trong vụ xung đột tại khu vực bãi Tư
Chính cho thấy Hà Nội đã sáng mắt với ý đồ thôn tính biển đảo của quan
thầy Bắc Kinh. Nếu “láng giềng tốt” vẫn tiếp tục có những hành vi xâm
lược thì VN sẽ yêu cầu quốc tế và Hoa Kỳ can thiệp.
Ngày 2/8 vừa qua, 3 ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã cùng nhau lên
tiếng ở Hội nghị các Bộ trưởng Asean lần thứ 52 tại Thái Lan, phản đối
mạnh mẽ hành động xâm lăng của TQ vào vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Theo giáo sư James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về luật hàng
hải quốc tế và ông Jonathan Odom, giáo sư luật quốc tế của Trung tâm
Nghiên cứu An ninh Marshall Mỹ cùng nhận định rằng, nếu VN kiện TQ ra
tòa quốc tế, VN sẽ thắng. Và giáo sư James nói thêm: “Việc xung đột tại bãi Tư Chính cho thấy TQ đang bắt VN từ từ chấp nhận quyền bá chủ của TQ trong khu vực biển Đông”. Giáo sư Jonathan đưa ra câu hỏi trên trang Twitter: “Liệu VN có đủ quyết tâm đưa TQ ra tòa hay không?”. Trả lời nhiều nhất trên cộng đồng mạng là không.
Câu nói “hèn với giặc, ác với dân” mà nhiều người Việt dùng để chỉ bè
lũ tay sai cầm đầu đảng CSVN quả không sai, vì vậy mất nước chỉ là thời
gian. Đây là vấn đề sống còn của cả dân tộc, mỗi người Việt đều có bổn
phận phải bảo vệ non sông mà các bậc tiền nhân dầy công gìn giữ.
Thời gian vùng vẫy để thoát thảm họa này không còn bao lâu nữa! Muốn
thoát hiểm, chỉ còn một cách duy nhất là tất cả con dân Việt đồng tâm
đứng lên giải thể chế độ cộng sản phi nhân. Sau đó, đuổi bọn Tàu cộng ra
khỏi đất nước thì VN mới được toàn vẹn lãnh thổ. Như thế, VN mới có cơ
hội đứng ngang hàng với các nước Á châu, người dân trong nước được sống
trong thể chế tự do với đầy niềm tin và hy vọng.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment