Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây:
Chưa đầy một tuần sau khi rút lui khỏi Bãi Tư Chính, đội tàu khảo sát
Hải Dương 8 của Trung Cộng đã từ đảo Đá Chữ Thập trở lại vùng biển thềm
lục địa Việt Nam vào ngày 13/8.
Theo nhận định của một số chuyên gia, lần này Trung Cộng sẽ gia tăng
sức ép lên phía Việt Nam để ngăn cản các cuộc khai thác dầu khí của các
tập đoàn quốc tế được Hà Nội cấp giấy phép hoạt động tại vùng biển này.
Lý do chính yếu là những xáo trộn tại Hồng Kông, cộng với uy tín bị
thiệt hại trong cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Cộng không còn chọn lựa
nào khác là phải chứng minh sức mạnh của mình.
Hiện nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về diễn
biến nói trên. Nhưng theo ghi nhận là dư luận Việt Nam ngày càng thêm
sôi sục trước thái độ lừng khừng của tập đoàn lãnh đạo Việt Nam, đặc
biệt là sự im lặng của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Phú
Trọng.
Trong khi đó, để gia tăng uy hiếp, Trung Cộng lại loan báo sẽ mở cuộc
tập trận mới tại quần đảo Hoàng Sa. Cục Hải sự Trung Cộng cho biết cuộc
tập trận sẽ kéo dài 3 ngày, từ ngày 18 tới ngày 20/8 và cảnh cáo
các tàu bè chớ nên qua lại khu vực tây bắc quần đảo Hoàng Sa trong thời
gian đó.
2) NÚI RÁC KHỔNG LỒ ĐỔ ẬP XUỐNG THUNG LŨNG TRỒNG RAU Ở ĐÀ LẠT.
Hàng ngàn tấn rác cao hơn 60 mét, nằm trên đồi Cam Ly vào hôm qua
đã ập xuống một thung lũng, chôn vùi hàng chục mẫu trồng rau quả và hoa
tươi của thành phố Đà Lạt, với luồng rác rưởi kéo dài cả cây số.
Biến cố này khiến dư luận sửng sốt khi hay tin vì thông thường thì
các bãi rác phải nằm ở các vùng đất trũng nhưng ngược lại bãi rác Cam
Ly lại nằm trên đồi, nơi có nhà máy giải quyết khoảng 80 tấn rác mỗi
ngày.
Vào chiều thứ Ba 13/8, viên giám đốc nhà máy cho là vì các trận mưa
lớn đã kéo đống rác xuống sườn bên dưới. Tuy nhiên ông này không
đề cập gì đến biện pháp dọn dẹp số rác khổng lồ nói trên và bồi thường
thiệt hại cho người dân.
3) VỠ ĐÊ QUẢNG ĐIỀN, HÀNG NGÀN MẪU LÚA BỊ MẤT TRẮNG.
Mặc dù các nông dân đã nỗ lực đắp đê suốt mấy ngày qua nhưng vào sáng
hôm qua nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã chọc thủng một đoạn đê ở huyện
Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, nhấn chìm hơn một ngàn mẫu lúa sắp thu hoạch.
Vụ vỡ đê xảy ra vào lúc 6 giờ sáng thứ Ba 13/8, đoạn bị vỡ có
chiều dài hơn 5 thước khiến nước ào ạt tràn vào đồng ruộng. Nhà cầm
quyền huyện Krông Ana đã vội vã huy động hàng trăm nông dân, công an và
quân đội đến vá đê suốt ngày hôm qua.
Tuyến đê Quãng Điền cao nửa thước, dài hơn 2 cây số, có phí tổn xây
dựng 15 triệu Mỹ kim, được hoàn thành vào năm 2014, giữ nhiệm vụ ngăn
chặn lũ lụt cho hàng ngàn mẫu ruộng ở huyện Krông Ana.
4) CẢNH SÁT ANH TÌM ĐƯỢC THIẾU NỮ VIỆT MẤT TÍCH SUỐT TUẦN QUA.
Cảnh sát Anh vào hôm qua, thứ Ba 13/8, loan báo là đã tìm thấy cô du
khách Việt Nam bị mất tích vào tuần trước ở thành phố York thuộc miền
bắc nước Anh.
Theo loan báo, cô Lê Thị Diệu Linh 15 tuổi đã được tìm thấy vào đêm
thứ Hai 12/8 nhưng không cho biết địa điểm vì cuộc điều tra vẫn diễn ra
nhưng cô Linh vẫn khỏe mạnh và đang ở một nơi rất an toàn. Trong thông
cáo, cảnh sát cho biết là 10 người đã bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ
bắt cóc cô Linh, trong số đó có một người đã ra hầu tòa vào hôm thứ Hai
12/8.
Một tờ báo Anh cho biết người ra hầu tòa là ông Hồ Ngọc Quang 25 tuổi
với cáo buộc “bắt cóc trẻ em” và “tiếp tay cho đường dây đưa người nhập
cảnh bất hợp pháp vào nước Anh”.
5) PHI TRƯỜNG HỒNG KÔNG VẪN KHÔNG THỂ HOẠT ĐỘNG VÌ BIỂU TÌNH CÒN TIẾP DIỄN.
Vào hôm qua, nhiều chuyến bay vẫn không thể cất cánh từ phi trường
Hồng Kông vì hành khách không thể tiến vào làm thủ tục, trong khi sân
bay chật cứng người biểu tình.
Là một trong các phi trường bận rộn nhất thế giới, với cả triệu hành
khách mỗi tuần, phi trường Hồng Kông cũng vẫn tấp nập, nhưng không phải
là hành khách mà là người biểu tình và cảnh sát. Tính đến hôm qua, phi
trường này gần như tê liệt suốt 5 ngày vì cuộc biểu tình ngồi của hàng
ngàn người dân Hồng Kông.
Trước tình thế căng thẳng này, giới lãnh đạo thân Bắc Kinh và bạo
quyền Trung Cộng lên án người biểu tình là có hành động “khủng bố” và
kiên quyết sẽ sử dụng biện pháp mạnh để trấn áp. Vào hôm qua, các cuộc
đụng độ dữ dội cũng đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại phi
trường. Các diễn biến này cho thấy là cả hai phe đều không chấp nhận
nhượng bộ, gây thêm bất an cho vùng đất này.
6) CẢNH SÁT HỒNG KÔNG THÚ NHẬN ĐÃ “GÀI NGƯỜI” VÀO CÁC CUỘC BIỂU TÌNH.
Vào hôm qua, thứ Ba 13/8, cảnh sát Hồng Kông thú nhận là đã “gài
người” vào trong đám đông biểu tình nhưng chỉ với mục đích bắt giữ những
kẻ “xúi giục bạo loạn”.
Theo lời thú nhận, một số sĩ quan cảnh sát đã mặc thường phục để len
lỏi vào các nhóm biểu tình vào hôm Chủ nhật 11/8 và đã mạnh tay trấn áp
một số người. Trước đó, một số đoạn phim loan truyền trên mạng xã hội
cho thấy các cảnh sát “chìm” đã dùng dùi cui và hơi cay tấn công người
biểu tình.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai 12/8, phó giám đốc cảnh
sát Hồng Kông tuyên bố là các cảnh sát chìm không hề khiêu khích dân
biểu tình và chỉ phản ứng khi bị tấn công. Quan chức này cũng phủ nhận
là cảnh sát đã bắn đạn cao su trúng vào mắt một phụ nữ.
7) PHILIPPINES RA LỆNH CẤM CÁC TÀU KHẢO SÁT NGOẠI QUỐC VÀO VÙNG BIỂN PHI.
Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin, vừa ban hành lệnh cấm
các tàu khảo sát ngoại quốc hoạt động trong vùng biển nước Phi.
Lệnh cấm nói trên được đưa chỉ vài ngày sau khi có nguồn tin cho biết
hai tàu khảo sát đại dương của Trung Cộng đã hoạt động trong vùng đặc
quyền kinh tế của Phi vào tuần trước.
Theo lệnh cấm này, các tàu khảo sát của Pháp và Nhật Bản, trước đây
được miễn trừ vì hoàn toàn phục vụ cho khoa học, nay cũng bị cấm đoán.
Lý do mà ông Locsin đưa ra là nếu miễn trừ cho nước này thì sẽ phải
miễn trừ cho nước khác.
8) SẠT LỞ ĐỒI NÚI Ở MIẾN ĐIỆN, 60 NGƯỜI THIỆT MẠNG.
Con số người chết vì sạt lở đồi núi ở miền đông nam Miến Điện đã lên
đến 60 người, theo thống kê mới nhất của giới chức nước này.
Vụ sạt lở xảy ra ở tiểu bang Mon vào hôm thứ Sáu tuần trước sau khi
hứng những cơn mưa tầm tã. Hơn 80 ngàn người đã phải di tản vì lũ lụt
nhấn chìm hàng chục ngàn căn nhà và cuốn trôi cầu cống. Tiến trình tìm
kiếm những người bị chôn vùi dưới các lớp đất đá diễn ra vô cùng chậm
chạp vì lượng đất đá sụp quá lớn.
No comments:
Post a Comment