Tuần trước, khi chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN khẳng định: “Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng và có tác động mạnh mẽ trên khắp cả nước”.
Tết âm lịch năm nay, thêm một lần nữa, ông Trọng lặp lại yếu tố, nhờ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và tài tình, sáng suốt của Đảng CSVN, “lòng dân, thế nước” đều đang thăng hoa.
Tuần này, ngay trong những ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất, báo chí Việt Nam tiếp tục đề cập đến hiện tượng doanh giới Việt Nam ồ ạt chuẩn bị cho việc tháo chạy khỏi quê hương của mình. Tờ Đất Việt – Diễn đàn của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – lưu ý rằng, khác với lúc trước, lúc này các doanh nhân Việt Nam không còn “kén cá, chọn canh” như trước, việc tìm kiếm quốc tịch thứ hai cho chính họ và gia đình không chỉ khoanh lại trong phạm vi những quốc gia giàu, mạnh, phúc lợi tốt mà hướng cả vào những quốc gia nhỏ bé, ít ai biết và phần lớn vì từng là thuộc địa của cường quốc nào đó nên chuyện đến, cư trú, học hành, làm việc ở những nơi từng là “mẫu quốc” sẽ dễ dàng hơn.
Tháo chạy khỏi Việt Nam là một phong trào xuất hiện cách nay hàng chục năm. Giờ, tháo chạy khỏi Việt Nam đã trở thành xu thế, càng lúc càng mạnh mẽ và lan rộng từ doanh giới, trí thức, sang tới các viên chức của hệ thống công quyền Việt Nam.
Báo cáo của World Bank chỉ ra Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ di cư nước ngoài cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 100.000 người mỗi năm. Ước tính chưa đầy đủ của những chuyên viên cố vấn định cư cũng cho thấy mỗi năm, chỉ riêng nhóm doanh nhân thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án nhằm hợp thức việc “đổi màu” thông hành đã mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khoảng 10 đến 12 tỉ USD.
Ở một kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 4 năm 2016, ông Trương Trọng Nghĩa, thành viên của Đoàn Đại biểu Quốc hội Sài Gòn, báo động tình trạng là sau khi tu nghiệp trí thức giỏi không muốn quay về Việt Nam làm việc; doanh nhân thành đạt muốn ra đi và một số viên chức đương nhiệm hay đã về hưu cũng tìm cách định cư ở ngoại quốc… là bằng chứng Việt Nam không còn là nơi đáng sống!
Cũng vào thời điểm đó, bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế, nói thêm, tình trạng người Việt tìm đủ mọi cách, lũ lượt dắt díu nhau bỏ xứ ra đi là vì họ cảm thấy bất an về đủ mọi mặt. Nếu không thể ngăn chặn xu thế tháo chạy khỏi Việt Nam, Việt Nam sẽ mất nhiều thứ: Chất xám, vốn liếng, nhân lực có kinh nghiệm tổ chức sản xuất – kinh doanh. Theo bà Lan, phương thức duy nhất để có thể hóa giải khuynh hướng tháo chạy, ồ ạt lìa bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình là gầy dựng lại niềm tin vốn đã suy giảm tới mức mà bà Lan nhận định là “rất lớn”.
Có một điểm trớ trêu là từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, mạnh miệng khẳng định rằng tự do, dân chủ ở Việt Nam “đến thế là cùng”, rằng “vị thế của Việt Nam” trên thế giới chưa bao giờ được như hiện nay thì tháo chạy khỏi Việt Nam càng lúc càng mãnh liệt.
Tháng 7 năm 2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông báo tước bỏ tư cách Đại biểu Quốc hội khóa 14 của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư TNG Holdings VN, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 13, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…..) vì phát giác bà Hường đã có quốc tịch của Malta mà không khai báo.Sự kiện một người như bà Hường, chọn Malta – quốc gia nhỏ xíu ở Nam Âu, diện tích chỉ có 316 cây số vuông, dân số chỉ chừng 400.000 người – để thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm có thể thủ đắc tư cách công dân của quốc gia này nói lên nhiều điều…
Chưa hết, giữa năm ngoái, báo chí Việt Nam đồng loạt công bố một thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), theo đó, Việt Nam là một trong mười quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về số lượng bỏ xứ ra đi. WB ước tính, mỗi năm có khoảng 100.000 người rời khỏi Việt Nam.Vietnam Report cũng công bố một thống kê sau khi khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hồi 2016 và cho biết, khoảng 45% “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong vòng năm năm tới. “Đầu tư ra nước ngoài” là một cụm từ hoa mỹ để doanh nhân Việt Nam thay đổi nơi cư trú và chuyển dịch tài sản ra khỏi Việt Nam. Báo chí Việt Nam dẫn nhận định của những chuyên viên cố vấn định cư, cho biết, mỗi năm, riêng nhóm doanh nhân “đầu tư ra nước ngoài” đã mang ra khỏi Việt Nam từ 10 tỉ đến 12 tỉ Mỹ kim. Nỗ lực trị giá hàng chục tỉ Mỹ kimhàng năm này chỉ nhằm “đổi màu thông hành”.
Tuần trước, vào thời điểm mà ông Trọng khẳng định, “lòng dân, thế nước” đang thăng hoa và “không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng và có tác động mạnh mẽ trên khắp cả nước”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, cựu Đại biểu Quốc hội hai khóa 12 và 13, nói với tờ Vn Economy rằng, dẫu hệ thống công quyền Việt Nam hứa hẹn đủ thứ nhưng ông vẫn chưa thấy lạc quan, tình trạng doanh nhân Việt Nam thi nhau lấy quốc tịch thứ hai vẫn rất phổ biến, khuynh hướng bi quan tìm một con đường sống khác, làm việc ở nơi khác vẫn mạnh mẽ.
Nếu ông Trọng đúng khi khẳng định về “tự do, dân chủ”, “vị thế quốc gia”, “lòng dân.. vv… thì những người ưu tư về tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc như ông Nghĩa, bà Lan, ông Tín hoặc tìm đủ cách để tháo chạy như bà Hường rõ ràng là… không bình thường.
Còn nếu những người này thật sự bình thường thì dường như ông Trọng đã cố tình vi phạm một trong năm điều ông Hồ Chí Minh răn dạy thiếu nhi: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm!Đã khởi xướng, đốc thúc phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, ai lại làm thế!
Trân Văn
No comments:
Post a Comment