Thursday, March 8, 2018

ÁO DÀI VẺ ĐẸP TRUYỀN THỐNG DÂN VIỆT

Thi Ca Yêu Nước

Trang phục truyền thống của một dân tộc thường thể hiện bản sắc và văn hóa của dân tộc đó. Chiếc áo Kimono của Nhật nói lên vẻ qúy phái kêu sa của người dân xứ phù tang. Chiếc áo dài phủ đầu che mặt của người đàn bà Ả Rập thể hiện vẻ kín đáo và khiêm tốn của người phụ nữ Hồi Giáo. Riêng Việt Nam, chiếc áo dài đã thể hiện đấy đủ nét thanh lịch và duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Chính vì thế, thi ca cũng như hội họa đã tô điểm cho chiếc áo dài những nét thanh tú, thể hiện bản sắc và chuyên chở tình tự dân tộc Việt.

Trong đời sống thường nhật, chiếc áo dài không chỉ dành riêng cho người con gái, mà trai làng cũng mặc áo dài trong ngày thường cũng như ngày hội, đặc biệt là ngày Tết. Trường hợp chiếc áo sứt chỉ bỏ quên trên cành hoa sen khi tát nước đầu đình, rất có thể là áo dài, bởi lẽ đình làng là nơi hội hè, tế lễ và múa hát, nên tà áo đã được hư cấu làm nhịp cầu tỏ tình giữa trai gái làng quê:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng..
Có khi, chiếc áo dài cũng được sử dụng để thổ lộ nỗi cô đơn của người con trai chưa vợ, như thể chờ mong ai đó khâu vá tâm tình:
Áo anh đứt cúc đứt khuy
Quần anh đứt đũng lấy chi hoa hòe?
Qua thi ca tiền chiến, chiếc áo dài đã xuất hiện với những nét duyên dáng, tô điểm cho người con gái Việt thành những tiên nga giáng trần.
Với Huy Cận, chiếc áo dài trắng tỏa mộng mơ như suối
trong, như sao sáng và hương thơm ngạt ngào:
Dịu dàng áo trắng trong như suối,
tỏa phát đôi hồn cánh mộng bay..
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
Với Nguyễn Bính, chiếc áo dài đã trở thành nơi trú ngụ của hồn anh, như hoa cỏ may theo gió bay đậu trên áo em:
Hồn anh như bông cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em
Còn Hàn Mặc Tử thì chiếc áo dài thấp thoáng như bóng em chấp chờn ẩn hiện, không biết tình ta có thật hay chỉ là hư ảo?
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
Qua thơ Đinh Hùng, tà áo dài khép mở lại chuyên chở bao tâm tư thầm kín, chan hoà với gió núi làm rung động cả làn mi:
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn gió núi động hàng mi.
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi
Tô Vũ ghi lại vẻ đẹp của tà áo dài với hương nồng và mắt huyền trìu mến, sưởi ấm lòng người, bằng nét nhạc lâng lâng:
Em đến thăm anh,
người em gái,
tà áo hương nồng,
mắt huyền trìu mến
sưởi ấm lòng anh…
Bước vào thi ca hiện đại, tà áo dài lại càng duyên dáng hơn và thi vị hơn. Nguyên Sa vẽ hình ảnh chiếc lụa của em đã làm anh cảm thấy chợt mát giữa trời nắng cháy, tạo nguồn thơ lai láng:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng..
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Giữ màu lụa trắng trong hồn trong thơ, Nguyên Sa cũng ân cần dặn dò em cố giữ màu áo ấy muôn đời:
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi
Còn Phạm Thiên Thư lại nhìn thấy chiếc áo dài như trăng sáng, chiếu lấp lánh trên làn tóc em với sách vở nghiêng nghiêng:
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài…
Phạm Duy đã thay đổi chút ít lời thơ, và chuyển vào tà áo nguyệt bạch những nốt nhạc tuyệt vời, làm rung động hàng triệu con tim:
Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay …
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mây màu
Âm vang thuở nào
Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau
Đẹp nhất là chiếc áo dài của Phạm Thiên Thư có một chút gì huyền ảo, có khi thỏ thẻ tiếng gọi, có khi chờ đợi khắc khoải, có khi lại giả vờ mà triết lý tình yêu gọi là “ngụy tín” làm cho tình đẹp thêm, nồng thêm:
Áo em vạt tím ngàn sim,
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
gặp đây giả bộ hững hờ khói bay
Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ tài hoa bạc mệnh, lại nhìn thấy chiếc áo dài Việt Nam đẹp như giải lụa phất phới cả phương Đông, tô điểm cho bước chân ngà thêm đài các:
Đài các chân ngà ai bước khẽ
Nguyện theo tà lụa cả phương Đông..
Nhà thơ đã nhìn thấy chiếc áo dài với nét đẹp mềm mại, làm nổi bật những đường cong tuyệt mỹ của người con gái:
Đò qua sông chuyến đầu ngày,
người qua sông mặc áo dài buông eo
Chiếc áo dài trông càng tình tứ hơn khi có lấm chút bùn dưới mưa, như thể gợn lên nét sầu dễ thương của người thiếu nữ:
Đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa…
Luân Hoán cũng đã nhìn thấy chiếc áo dài như đôi cánh bướm lượn trên thảm cỏ xanh mướt, tạo cảm giác lâng lâng:
Tà áo trắng xoè như đôi cánh lượn
Trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh
Hoàng Anh Tuấn lại nhìn thấy chiếc áo dài như giải lụa trắng trải rộng nhớ thương trên dòng Hương Giang rạt rào:
Áo em lụa trắng sông Hương
Qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào
Đến Quang Dũng thì tà áo dài buông hờn tủi khi người yêu phải rời tay nhau, nước mắt rưng rưng:
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào
Điểm đáng quan tâm là hôm nay, chiếc áo dài truyền thống càng ngày càng trở nên xa lạ với nếp sống mới, đặc biệt là cuộc sống tạm dung tại hải ngoại. Mong sao, chiếc áo dài vẫn đẹp mãi không những trong thi ca hội họa, mà trong cả đời sống thường nhật của người Việt Nam, như một nét đẹp văn hóa ngàn đời..
NQS, MN và HS tạm biệt. Xin gặp lại quí thinh giả trong TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment