Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Hôm nay chúng ta tiếp tục chủ đề về vụ án “Xét lại-Chống Đảng”.
Như vậy, theo cố Giáo sư Hoàng Minh Chính, chính Nghị quyết 9 năm
1963 đã bật đèn xanh cho vụ án “Xét lại-Chống Đảng” bắt đầu. Nhưng các
văn kiện, tài liệu chính thức của Nghị quyết 9, cả bí mật lẫn công khai,
đều không đề cập gì tới vụ án này, cũng như không có văn từ nào cho
phép bắt bớ, đàn áp bất kì ai. Đó chính là bí mật của Nghị quyết 9 của
đảng cộng sản Hồ-Tàu vào năm 1963.
Cố Giáo sư Hoàng Minh Chính đã viết rõ rằng:
“Tấm màn bí mật ấy đã được vén lên bởi ông Trường Chinh, ủy viên Bộ
chính trị, Trưởng ban phổ biến Nghị quyết 9 của Trung ương. Tại Hội nghị
các cán bộ cao cấp và trung cấp gồm chừng 400 người họp lần đầu tiên
tại Hội trường Ba Đình trong tháng 11 năm 1964 để học tập Nghị quyết 9,
ông Trường Chinh tuyên bố: ‘Các đồng chí cần đặc biệt lưu ý một điều là
Nghị quyết 9, do tình hình phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế,
không thể viết hết ra những điều cần nói. Cần đặc biệt lưu ý rằng thực
chất của Nghị quyết 9 chỉ có thể phổ biến bằng miệng, điều đó là: Đường
lối đối ngoại và đối nội của Đảng và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản
với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng cộng sản và Nhà nước Trung
Quốc”.
Tức là, khi bị kẹt trong sự mâu thuẫn, đối đầu giữa hai quan thầy
Liên Xô, Trung Cộng, ban lãnh đạo đảng Hồ-Tàu đã chọn đứng về phía Trung
Cộng. Bọn lãnh đạo đã quyết định đi theo con đường sắt máu, hiếu chiến,
cực đoan, phản tiến bộ của Mao Trạch Đông. Nhưng chúng đã chọn một cách
lén lút, giấu diếm, không để cho công luận quốc nội và quốc tế biết.
Ở đây, chúng ta cần nhớ lại, chính Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh
và Nguyễn Chí Thanh, chỉ trước đó 03 năm, đã tới Liên Xô dự Hội nghị
các đảng cộng sản toàn thế giới, và chính Hồ đã tự tay kí văn kiện Hội
nghị ủng hộ đường lối hòa bình có tính xét lại của Liên Xô.
Thế nhưng khi về nước, Hồ và bộ sậu đã âm thầm trở mặt, quay ngoắt
180 độ, sang ủng hộ đường lối cực đoan, khát máu của Trung Cộng. Âm thầm
chọn và ủng hộ đường lối của Mao cũng đồng nghĩa với việc phải âm thầm
loại bỏ, tẩy trừ các tư tưởng, cá nhân muốn chọn và ủng hộ Liên Xô.
Đó chính là lí do đã làm cho cái gọi là vụ án “Xét lại-Chống Đảng” xẩy ra.
Tháng Bảy năm 1967, Giáo sư Hoàng Minh Chính, sau một thời gian dài
bị theo dõi, bị bắt đưa thẳng vào nhà tù. Cùng với việc bị bắt một cách
vô pháp luật, Giáo sư Chính còn bị khai trừ đảng tịch cộng sản, cách mọi
chức vụ, kể cả chức viện trưởng viện triết học và bị tuyên bố tước
quyền công dân. Vụ bắt giữ Giáo sư Hoàng Minh Chính là vụ bắt người đầu
tiên, mở đầu cho hàng loạt các vụ bắt giữ khác trong vụ án “Xét lại,
chống Đảng”.
Cho tới tận lúc bị bắt, Giáo sư Hoàng Minh Chính là một đảng viên
cộng sản trung kiên, đồng thời có tinh thần yêu nước nồng nàn. Ông từng
bị thực dân Pháp kêu án tù 10 năm khổ sai; từng bị thương nặng trong
việc chỉ huy cuộc tập kích vào sân bay Gia Lâm của Pháp năm 1946; Ông là
một đảng viên cộng sản đầy hứa hẹn, được gửi sang Liên Xô du học về
chính trị từ năm 1957; và chính ông là người đã giúp Trường Chinh thảo
báo cáo chính trị về tình hình cộng sản quốc tế để trình bày trong Bộ
chính trị trước khi Hồ và bộ sậu sang Mát-cơ-va dự Hội nghị các đảng
cộng sản toàn thế giới năm 1960.
Nghịch lí và chua xót là chính sự thẳng thắn, bộc trực và chọn lựa
đúng đắn của ông trong việc ủng hộ quan điểm hòa bình của đảng cộng sản
Liên Xô đã đưa ông tới bi kịch cuộc đời: Bị chính các đồng chí lãnh đạo
thân tín nhất của ông tống vào tù.
Giáo sư Hoàng Minh Chính thuật lại như sau:
“Một ngày giữa tháng 9 năm 1960, Chủ tịch Trường Chinh điện tôi lên,
giao chuẩn bị gấp 5 vấn đề quốc tế có bất đồng trong phong trào cộng sản
quốc tế, và phải trình bày lí luận với các sự kiện chứng minh, cố gắng
tìm ra những ‘tiền lệ’ để chỉ ra chân lí thuộc bên nào. ‘Bộ chính trị
đang họp dở, bàn hai ngày chưa ngã ngũ. Anh về chuẩn bị gấp, hôm sau lên
báo cáo”, lời Chủ tịch Trường Chinh.’
Vì gấp quá, không kịp viết thành văn bản, tôi báo cáo miệng, Chủ tịch
Trường Chinh thông qua toàn bộ rồi điện mời Bộ chính trị họp lại ngay.
Bộ chính trị nghe Chủ tịch Trường Chinh báo cáo đầy đủ, hỏi đôi điều rồi
thông qua trọn vẹn. Ngày hôm sau, Chủ tịch Trường Chinh điện tôi lên và
thông báo kết quả tốt đó. Chủ tịch cho biết là Chủ tịch có báo cáo với
Bộ chính trị rằng các ý kiến trình bày đó là do Hoàng Minh Chính chuẩn
bị.
Vậy là cả 5 quan điểm xét lại hiện đại đó đã được Bộ chính trị chấp
nhận từ tháng 9 năm 1960. Đoàn đại biểu cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam
do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thành viên có Tổng bí thư Lê Duẩn và ủy
viên Bộ chính trị Nguyễn Chí Thanh đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản. Tất
cả 81 đảng, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam, đã nhất trí kí vào bản Tuyên
bố chung Mát-cơ-va tháng 11 năm 1960, có ghi đầy đủ 5 điểm xét lại hiện
đại đó.”
Tới đây, quí vị, quí bạn chắc chắn phải đặt ra một câu hỏi: Phải
chăng cả bốn tên đồng chí, lãnh đạo chóp bu, Hồ, Duẩn, Chinh, Thanh đều
tán thành trong việc bội tín, tàn ác với người đồng chí tận tụy Hoàng
Minh Chính?
Tuần tới chúng ta sẽ cùng nhau đề cập tới băn khoăn này.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
11/03/2018
Tiến Văn
No comments:
Post a Comment