Trên mạng vừa mới tung ra một biếm họa có hình chụp lãnh đạo đảng và nhà nước Việt cộng đặt hoa tưởng niệm tại tượng đài Lenin ngày 5-11-2017, nhưng với lời chú thích: “Toàn thể Lãnh đạo Cấp cao Ba Đình đã tham dự Lễ bóc thăm phân lô Nghĩa Trang Quốc Gia Ba Vì. Nhân ngày gặp mặt đầu năm, toàn thể lãnh đạo cấp cao, cả đương nhiệm lẫn “nguyên là”, đã hân hoan tham dự lễ bóc thăm phân lô Nghĩa Trang Quốc Gia Ba Vì.
Buổi lễ đã diễn ra trong vòng trật tự với tinh thần nghiêm túc. Hầu
hết các ủy viên đều bày tỏ sự hài lòng cao độ được sánh vai nhau từ đầu
đường kách mệnh cho tới cuối đường mệnh chung. Điều này cho thấy tinh
thần đoàn kết hài hòa của toàn thể lãnh đạo cấp cao đã đánh bạt mọi lời
đồn thổi về sự đấu đá long trời lở đất giữa các phe cánh trung ương hay
giữa các nhóm lợi ích trong bộ phận thượng tầng của đảng”.
Dù là bịa đặt, biếm họa đó vẫn phản ảnh một sự thật, đó là hàng lãnh
đạo cao cấp đảng Việt cộng đang tính chuyện xây cho mình một nghĩa trang
chung, một nghĩa trang mới hoành tráng vĩ đại. Nghĩa trang mới này mang
tên Yên Trung, nằm tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, có diện tích gấp 20
lần nghĩa trang Mai Dịch rộng 6 ha, có từ năm 1982 mà nay đã hết chỗ.
Ngay lập tức, bản tin về dự án đã gây một cơn bão mạng. Facebooker
Nguyễn Tiến Tường nhận định: “Dự án xây nghĩa trang cho cán bộ cấp cao
phản ánh một não trạng vô cùng phong kiến, khi các lãnh đạo CS chóp bu
tự ru ngủ bằng việc lấy lăng tẩm đền đài nguy nga để mưu cầu sự thán
phục của nhân dân”.
Facebooker Hoàng Nguyễn Vũ thì than rằng: “Hà cớ gì phải đưa ra đề án
1,400 tỷ xây dựng nghĩa trang cho lãnh đạo cao cấp vậy? Bao nhiêu “lãnh
đạo cao cấp” xứng đáng được nằm trong cái lô đất của muôn đời ấy? Không
lẽ những kẻ tham nhũng, hốt tiền dân vào túi tham con cháu cũng xứng
đáng được nằm đó sao?”
Công luận có lý để lên án gay gắt dự tính mới của đám chóp bu ở Ba
Đình, vì nó như giọt nước làm tràn ly phẫn nộ của nhân dân Việt Nam
trong lẫn ngoài nước.
Ăn có đặc sản, kẻ hầu người hạ, nơi cung cấp miễn phí hay giá rẻ. Ở
có phố riêng, biệt điện xa hoa sang trọng, kín cổng cao tường, an ninh
bảo vệ dày đặc. Đi xa có chuyên cơ, phái đoàn tháp tùng. Đi gần có xe hộ
tống, tiền hô hậu ủng. Bệnh tật có ban chăm sóc bảo vệ sức khỏe trung
ương lo lắng, được nằm miễn phí trong những nhà thương tối tân hiện đại
hay đưa ra chữa trị nước ngoài. Nay chết có nghĩa trang riêng, mộ phần
thênh thang rộng rãi, nơi đất thiêng long mạch, có nhà tưởng niệm tô vẽ
công lênh, có tượng đồng tượng đá cho bàn dân chiêm ngưỡng, có sách vở
phim ảnh tán tụng tung hô. Tất cả cốt cho thấy đã ứng nghiệm lời Quốc tế
ca mà các đảng viên sốt sắng hát lên mỗi lần họp chi bộ đảng: “Mọi lợi
quyền đều qua tay mình!”, cốt thần thánh hóa cả một thời CS, thời dựng
lên và tồn tại bằng xương máu và nước mắt dân lành.
Ngoài những đặc quyền đặc lợi vật chất đó, còn phải kể thêm những đặc
quyền đặc lợi tinh thần. Đó là cho ra đời những bản Hiến pháp ban tặng
quyền cai trị độc nhất, tuyệt đối, lâu dài cho đảng CS, tước đoạt quyền
làm chủ đất nước của người dân là tự do ứng cử và tự do bầu chọn hàng
lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đó là cho ra đời những bộ luật (được hiến
định và pháp định) cho nhà nước CS (thật ra là đảng) quyền thâu tóm toàn
bộ tài nguyên đất nước, thâu tóm cả đất đai từ ngàn đời của người dân,
chỉ thí cho thằng dân quyền sử dụng.
Họ xem ra chẳng am tường lịch sử triều Trần là triều đại huy hoàng
nhất và công lao nhất với dân nước. Công lao vĩ đại như vậy nhưng các
vua nhà Trần khi rời ngôi đều về với lũy tre xanh ở quê nhà Tức Mặc,
Thiên Trường, Nam Định, hay nương náu cửa Phật như Trần Nhân Tông. Khi
về với tổ tiên đều lặng lẽ và thanh thản gửi xác vào mảnh đất quê Tức
Mặc, gửi hồn vào ngọn cỏ lá cây Thiên Trường.
Nói chung, các quan lớn, nhỏ triều Trần cũng như mọi triều đại phong
kiến khác khi rũ áo từ quan đều trở về với làng xóm, khi chết đều gửi
xác vào mảnh đất quê. Tang lễ do con cháu tự lo liệu, ngân khố quốc gia
không phải tốn xu hào. Ân huệ của nước, của vua chỉ là mấy cờ lọng, sắc
phong vua ban cho khi còn làm quan tướng.
Những lãnh đạo CS chẳng hề quan tâm đến nỗi thống khổ của đồng bào,
cảnh hỗn loạn của xã hội, sự suy tàn của đất nước, nhất là mối đại họa
của Dân tộc trước kẻ thù truyền kiếp Bắc phương đang rình chờ, hãy nhớ
lại cách ngôn của người xưa: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”,
ca dao của dân tộc: “Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập
mồ thối thây” để tự nhủ rằng phần mộ tốt nhất chính là lòng dân, sự
thương nhớ của đồng bào, sự tri ân của lịch sử.
Các người theo thuyết duy vật, không tin có đời sau, nhưng hãy nhớ
đừng để con cháu phải tủi hổ vì cha ông bị nhân dân thiên thu nguyền
rủa, bị bia miệng ngàn đời khắc ghi.
Chẳng lẽ các người lại muốn có câu: “Yên Trung là Yên Trung nào? Mồ xây xác lính, mả rào xương dân”?
Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận
No comments:
Post a Comment